Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







12.05.2012

Vinacomin rời sân chơi bảo hiểm

Sau khi Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) rút hết vốn khỏi Công ty Bảo hiểm SHB-Vinacomin (SVIC), dấu ấn lớn nhất tại công ty này có lẽ là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB).

Cuối tháng 11 vừa qua, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin đã ký văn bản số 6089/VINACOMIN-TC về việc Vinacomin đã thoái toàn bộ 5,94 triệu cổ phiếu do Vinacomin nắm giữ tại SVIC và không còn nắm giữ cổ phiếu nào tại công ty bảo hiểm này.
Theo thông tin phóng viên Báo Đầu tư có được, giao dịch bán cổ phần của Vinacomin được thực hiện theo hình thức thỏa thuận, dưới sự môi giới của Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS). Một trong những đối tác mua lại số cổ phần này là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủ công Mỹ nghệ (Artexport). Công ty Artexport đã mua là 2.970.000 cổ phiếu, chiếm 9,9% vốn điều lệ của SVIC. Danh tính các cổ đông còn lại vẫn chưa được tiết lộ.
Giao dịch thỏa thuận này được thực hiện sau khi Vinacomin đưa số cổ phiều này ra đấu giá, nhưng thất bại. Người tạm thời giữ chức Chủ tịch HĐQT SVIC là ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB.
Đến nay, việc SVIC sẽ hoạt động như thế nào sau khi không còn “dòng máu” của Vinacomin trong người vẫn chưa chính thức được công bố. Thông tin cụ thể, đặc biệt là vai trò của Artexport như thế nào có thể sẽ chỉ được làm rõ khi SVIC tổ chức Đại hội đồng cổ đông vào giữa tháng 12 này.
Tuy nhiên, trong một cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư trước đây, ông Hiển từng khẳng định, việc thành lập và phát triển SVIC nằm trong các hoạt động nhằm phát triển SHB trở thành một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu trong thời gian tới. Do đó, ngoài việc thành lập SVIC, SHB cũng đã phát triển đồng loạt nhiều định chế tài chính khác, như Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), Công ty cổ phần Quản lý Quỹ Đầu tư Sài Gòn - Hà Nội (SHF)…
Về phía Vinacomin, ngoài kế hoạch thoái vốn tại các doanh nghiệp ngoài ngành, trong đó có việc hoàn tất thoái vốn tại SVIC, Tập đoàn này đang tập trung đẩy mạnh giải phóng hàng tồn kho. Riêng trong tháng 11 vừa qua, sản lượng tiêu thụ than tăng hơn so với các tháng trước cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Kết thúc 11 tháng, doanh thu toàn Tập đoàn đạt 75.500 tỷ đồng, bằng 85,6% kế hoạch điều chỉnh và bằng 79,2% so với cùng kỳ năm 2011…
Hiện nay, ngoài Vinacomin đã rút vốn và cổ đông hiện hữu là SHB, SVIC còn có các cổ đông khác là Công ty cổ phần Tập đoàn T&T, Công ty cổ phần Đầu tư Công nghiệp An Sinh, Công ty cổ phần Đầu tư Tài chính ITASCO, Công ty cổ phần Hoa Sơn.
Trong số các cổ đông khác của SVIC, một cổ đông khác luôn mang dấu ấn bên cạnh các hoạt động đầu tư của SHB là Công ty Cổ phần Tập đoàn T&T. Tập đoàn này vừa trực tiếp là cổ đông của SHB, vừa tham gia vào rất nhiều tổ chức tài chính mà SHB góp vốn, bao gồm cả SHS, SHF lẫn SVIC.
Trước khi thực hiện giao dịch thoái vốn thành công, Vinacomin đã từng đăng ký đấu giá số cổ phần này tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), nhưng sau đó, đợt đấu giá đã không thể diễn ra theo kế hoạch. Cụ thể, đến hết thời hạn nộp phiếu tham dự đấu giá, chỉ có 1 nhà đầu tư bỏ phiếu tham gia. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác (trong số 2 nhà đầu tư đăng ký đấu giá) đã bỏ cuộc, chấp nhận mất tiền đặt cọc tương ứng với số lượng cổ phần đã đăng ký mua và không thực hiện bỏ phiếu đấu giá theo quy định.
Theo HNX, đơn vị tổ chức phiên đấu giá, cuộc đấu giá không đủ điều kiện để tổ chức theo quy định tại Điều 13, Quy chế Đấu giá bán cổ phần của Viancomin tại Công ty cổ phần Bảo hiểm SHB - Vinacomin ban hành kèm theo Quyết định số 340/QĐ-SGDHN ngày 5/9/2012 của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Theo Chí Tín
Báo đầu tư

11.16.2012

Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng

Tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng năm 2012 tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2011...

Theo báo cáo của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc thị trường bảo hiểm phi nhân thọ 9 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2011.

Trong đó, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí gốc là Bảo Việt với doanh thu gần 4.100 tỷ đồng, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2011 và chiếm 24% thị phần. Tiếp đến là Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam (PVI) với doanh thu hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 9,5% và chiếm thị phần 22,4%...

Trong 9 tháng qua, một số doanh nghiệp bảo hiểm có tỷ lệ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc trên 50% so với cùng kỳ năm 2011 là Cathay (34,3 tỷ đồng tăng 232,7%), Samsung Vina (455,2 tỷ đồng tăng 54,7%) và ACE (56,4 tỷ đồng, tăng 59,1%).
Doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ đạt hơn 17 nghìn tỷ đồng (1)

Về lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đầu năm 2012 đạt trên 12.700 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2011.

Thị phần tổng doanh thu phí bảo hiểm các hợp đồng có hiệu lực của các doanh nghiệp lần lượt là Prudential (34,1%), Bảo Việt Nhân thọ (29,3%), Manulife (12,2%), AIA (7,5%), Dai-ichi (7,4%) và ACE (6,2%). Các doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần dưới 1%.

Vẫn theo Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới 9 tháng đầu năm 2012 ước đạt 3.561 tỷ đồng, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước.

Số liệu cho thấy, lượng hợp đồng bảo hiểm khai thác mới (hợp đồng bảo hiểm chính) của cả thị trường nhân thọ đạt 676.147 hợp đồng tương ứng với mức tăng trưởng 9,8%. Trong đó, nghiệp vụ bảo hiểm tử kỳ có mức tăng trưởng cao nhất 24,4%, tiếp theo là nghiệp vụ bảo hiểm hỗn hợp có mức tăng trưởng 13,6%.

Một ghi nhận mới là phí bảo hiểm bình quân hợp đồng khai thác bảo hiểm nhân thọ mới tăng khoảng 15% so với năm 2011 khi đạt khoảng 5,8 triệu đồng/hợp đồng.
Theo Ngọc Anh
Vneconomy

9.29.2012

Ba giải pháp cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Nhiều cảnh báo về thảm họa thiên tai dưới góc nhìn của nhà bảo hiểm đã được đưa ra tại Hội nghị bảo hiểm thảm họa thiên tai vừa diễn ra tại Hà Nội, khiến nhiều người phải giật mình.
Trong khi trên thực tế, bảo hiểm thiên tai vẫn chỉ là sản phẩm khuyến mại, bán kèm với một sản phẩm bảo hiểm khác.
Báo động về thiên tai và thảm họa
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Swiss Re, tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới báo động về tình hình thảm họa thiên tai trên thế giới, với những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản, đẩy lùi nền kinh tế của các nước này; đồng thời, cũng nêu những bài học, kinh nghiệm giải quyết hậu quả thảm họa của các nhà bảo hiểm và Chính phủ các nước xảy ra thiên tai lớn.
Cụ thể, trận lũ lụt ở Brisbane, Australia tháng 2/2011 gây ra tổn thất 6,4 tỷ USD, các nhà bảo hiểm bồi thường ước 2,3 tỷ USD; trận động đất ở Christchurch, Newzeland tổn thất ước 15 tỷ USD, được bảo hiểm 12 tỷ USD; trận lụt tại Thailand tháng 11/2011 gây tổn thất khoảng 40 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường ước 12 tỷ USD. Thảm họa động đất và sóng thần tại Tohoku, Nhật Bản hồi tháng 3/2011 gây tổn thất lên đến 310 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường trên 35 tỷ USD…
Việt Nam nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi phải gánh chịu đến 70% các thảm họa thiên nhiên trên thế giới, và là 1 trong 3 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á chịu tổn thất thiên tai nhiều nhất. Hàng năm, nước ta phải hứng chịu 6 – 7 cơn bão, hàng chục trận lũ quét… Mười năm trở lại đây, tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra hàng năm tương đương với 1,2 – 1,5% GDP.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tác động biến đổi khí hậu. Trong tương lai, những nguy cơ như nước biển dâng, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, trong đó có Việt Nam, từ đó có thể tăng mạnh số lượng thảm họa thiên tai.
Xây dựng gấp quỹ bảo hiểm thiên tai
Ngành bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiệt hại thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống, hỗ trợ tái thiết nền kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, chính ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng của những thảm họa này.
Thế nhưng, trái ngược với mức độ cảnh báo về nguy cơ thiên tai, thảm họa, các nhà bảo hiểm Việt Nam dường như đang thờ ơ đối với loại hình bảo hiểm này. Nhiều năm qua, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn coi bảo hiểm thiên tai chỉ như là một điều khoản khuyến mại hoặc được bảo vệ tự động trong hợp đồng bảo hiểm cháy, đơn bảo hiểm mọi rủi ro (CAR, EAR, CPM) hoặc nếu có tính phí thì cực kỳ thấp. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây phản ứng dây chuyền khi sự cố xảy ra. Theo khảo sát của Vinare, chỉ tính riêng 2 nghiệp vụ là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật, số tiền bảo hiểm giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2012 ước khoảng gần 20 tỷ USD. Nếu như thảm họa thiên tai xảy ra tại vùng kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP. HCM…) thì đây thực sự là thảm họa cho ngành bảo hiểm Việt Nam.
Cùng với việc cảnh báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, nhiều chuyên gia bảo hiểm quốc tế đã đề ra một số giải pháp mang tính cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thứ nhất là phải xây dựng quỹ bảo hiểm thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam. Để làm được điều này, trước hết là tính đúng, tính đủ lệ phí để bảo hiểm cho những thảm họa (lũ, lụt, bão,…) cho những sự kiện có thể có ít nhất trong vòng 50 – 60 năm. Thứ hai, Bộ Tài chính, các bộ, ban ngành có liên quan cần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp và can thiệp, hỗ trợ trực tiếp vào bảo hiểm thảm họa thiên tai. Thứ ba, phải tái bảo hiểm toàn cầu, san sẻ bớt gánh nặng nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhiệm vụ trước mắt đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam là phải tách bạch bảo hiểm thiên tai với các loại hình bảo hiểm khác, xây dựng chương trình bảo vệ cần thiết cho các công ty trên thị trường.
Minh Đức
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm: Tự đánh mất niềm tin của khách hàng

Lôi kéo đồng nghiệp và khách hàng tại công ty cũ về “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh là một trong những vấn đề nhân sự khiến nhiều công ty bảo hiểm (BH) nhân thọ lo lắng.
Bên cạnh nguy cơ bị lôi kéo đại lý và mất khách hàng, không ít doanh nghiệp (DN)BH còn rơi vào tình trạng thông tin nội bộ bị rò rỉ, gây ra nhiều bất lợi. Trong bối cảnh thị trường BH Việt Nam ngày càng sôi động, việc các DN cạnh tranh để tồn tại là tất yếu, song những hình thức cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến thị trường mất đi tính minh bạch và niềm tin của khách hàng.
“Hậu trường” đại lý bảo hiểm
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu phí BH ước đạt 20.459 tỷ đồng tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2011. Sự có mặt của 57 DNBH trên thị trường Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn cũng như tiềm năng của thị trường. Theo ước tính của cơ quan chức năng, số lượng đại lý bảo hiểm (ĐLBH) đã lên tới khoảng 200.000. Khi thị trường BH ngày càng phát triển thì sự chuyển dịch lao động từ công ty BH này sang một công ty khác là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc hàng loạt đại lý hay tổng đại lý của một DNBH bỗng nhiên ồ ạt “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh thì không thể coi là một  sự dịch chuyển lao động bình thường.
Bà Tina Nguyễn, Phó Tổng giám đốc điều hành Prudential Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm hoạt động và những thành công đã thu được tại thị trường Việt Nam, Prudential được coi là một trong những DN có môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động giúp các ĐLBH phát triển. Để trở thành ĐLBH của Prudential Việt Nam, các ứng viên phải vượt qua vòng sơ tuyển và trải qua những khóa đào tạo về kinh nghiệm bán hàng, giao tiếp với khách hàng do Prudential tổ chức. Quan trọng hơn cả, mỗi ĐLBH sẽ được trang bị kiến thức liên quan đến những sản phẩm BH mà họ sẽ giới thiệu tới khách hàng của mình. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển hiện nay, mua BH còn đồng nghĩa với một khoản đầu tư tài chính mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho khách hàng. Vì vậy, mỗi ĐLBH còn phải đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ khách hàng lựa chọn một sản phẩm BH phù hợp với năng lực tài chính cũng như đáp ứng được những mục tiêu mà khách hàng mong muốn.
Một ĐLBH hoạt động lâu năm trong lĩnh vực BH nhân thọ cho biết, trên thực tế, những đại lý xuất sắc thường có một lượng lớn khách hàng. Con số này thậm chí lên tới hàng ngàn người. Để chăm sóc chu đáo lượng lớn khách hàng như vậy, bên cạnh lòng yêu nghề còn đòi hỏi ĐLBH phải tận tụy, hết lòng với công việc mà họ đang theo đuổi. Đổi lại, không ít ĐLBH đã gặt hái được nhiều thành công. Một số ĐLBH xuất sắc đã vinh dự trở thành thành viên bàn tròn triệu đô (Million Dollar Round Table-MDRT) sự công nhận về nghề nghiệp cao nhất mà mỗi ĐLBH đều mong muốn đạt được. Để được công nhận thành viên MDRT năm 2012, ĐLBH tại Việt Nam phải đạt số phí khai thác hợp đồng mới hơn 480 triệu VND/năm kèm theo tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu đạt 80%. Con số này ở thị trường Mỹ lên tới 175 nghìn USD/năm (tương đương với khoảng 3,5 tỷ VND).
Sự xuất sắc của các ĐLBH đã trở thành mục tiêu câu kéo của nhiều DNBH và không ít công ty BH đã rơi vào tình trạng bị đối thủ cạnh tranh “mời” mất những đại lý xuất sắc. Sự cố này không chỉ để lại những lỗ hổng nhân sự tại một số DN, mà còn có nguy cơ rò rỉ những thông tin chuyên môn mang tính nội bộ mà không một DN nào muốn chia sẻ.
Cần cạnh tranh lành mạnh
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh BH nhận xét, việc hàng loạt đại lý hay tổng đại lý chuyển từ một công ty này sang một công ty khác có dấu hiệu của sự lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây nên sự bất bình trong khối các DNBH nhân thọ. Lãnh đạo nhiều DNBH ủng hộ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kể cả cạnh tranh thu hút nhân sự giỏi. Bởi, chính điều đó tạo ra sự năng động cho thị trường. Nhưng việc giành giật văn phòng tổng đại lý của công ty khác nhằm làm suy yếu đối thủ, hoặc dụ dỗ văn phòng tổng đại lý của công ty khác chuyển khách hàng sang cho công ty mình là một hành vi trái với đạo đức nghề nghiệp, cần được nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật. “Nếu những phương thức cạnh tranh này vẫn còn tiếp diễn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho DN mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng, đồng thời làm giảm niềm tin của khách hàng về các DNBH”, bà Tina Nguyễn nhận định.
Để hạn chế tình trạng lôi kéo đại lý, nhiều DNBH cho rằng, Bộ Tài chính với vai trò giám sát, quản lý thị trường cần sớm có những chế tài để ngăn chặn kịp thời hành vi này. Bên cạnh việc quy định rõ thời gian một ĐLBH sau khi nghỉ việc tại một đơn vị bao lâu mới được “đầu quân” sang đơn vị khác, cần quy định chế tài xử phạt các hành vi làm rò rỉ thông tin nội bộ của DN hay cạnh tranh nhân sự thiếu lành mạnh. Chế tài nghiêm khắc sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm hạn chế những vi phạm trên thị trường BH – một thị trường đang phát triển và trở thành lĩnh vực thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Hương Ly (Báo Hà nội mới)

Khảo sát về thị trường bảo hiểm ôtô Việt Nam

Ngày 06/08/2012, Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Cimigo vừa tiến hành khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người có tham gia bảo hiểm vật chất xe ôtô trên toàn quốc, theo yêu cầu của Công ty Bảo hiểm Liberty. Đối tượng tham gia khảo sát được Cimigo lựa chọn ngẫu nhiên và đều sở hữu xe ôtô cá nhân. Kết quả cho thấy Liberty và Bảo Việt là hai đơn vị được đánh giá cao nhất về bảo hiểm vật chất xe ôtô.
Với câu hỏi “Khi nói về bảo hiểm ôtô, bạn nghĩ đến thương hiệu nào đầu tiên?”, 24% số người được phỏng vấn nói ngay đến Bảo hiểm Liberty, tiếp theo là Bảo Việt (23%), PJICO (13%) và PVI (11%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy Liberty mạnh nhất ở TP.HCM và đứng ngay sau Bảo Việt ở Hà Nội và các khu vực khác, trong khi các công ty bảo hiểm còn lại có mức độ nhận diện bình quân từ 10% đến 15%.
82% khách hàng của Liberty cho biết họ rất hài lòng về chất lượng dịch vụ của công ty này. Tỉ lệ này ở Bảo Việt là 60%, PVI là 56% và PJICO là 54%. Điều này ảnh hưởng đến khả năng duy trì khách hàng của các công ty bảo hiểm. Có đến 77% chủ xe đã tiếp tục mua bảo hiểm của Liberty sau khi hết hạn hợp đồng; tỉ lệ này ở PJICO là 65%, Bảo Việt 63% và PVI 60%.
Theo khảo sát, 3 yếu tố chính tác động đến quyết định của khách hàng khi chọn bảo hiểm ôtô là: dịch vụ bồi thường, được người quen giới thiệu và nghe theo lời tư vấn của nhân viên bán xe hoặc sửa xe. 53% những người đang mua bảo hiểm Liberty cho biết họ chọn công ty này vì chất lượng dịch vụ tốt. Trong khi, hai lý do chính khi mua bảo hiểm Bảo Việt là thương hiệu công ty (25%) và dịch vụ tốt (23%).
Hoàng Tùng (TTTĐ)

9.07.2012

Captive là gì?

Những đặc trưng cơ bản
Captive là một tổ chức bảo hiểm hay tái bảo hiểm do một công ty hay một nhóm công ty không hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm lập ra để bảo hiểm các rủi ro của công ty mẹ là chủ yếu. Captive đóng những vai trò sau đây: Một mặt, nó là một tổ chức tự bảo hiểm được chính thức thành lập để bảo hiểm những rủi ro tần suất cao mà bản thân công ty có thể chịu được một cách có hiệu quả; mặt khác, nó được sử dụng như một công cụ cung cấp tài chính để xử lý những rủi ro tần suất thấp nhưng cấp độ nghiêm trọng đặc biệt cao - những rủi ro không được bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm truyền thống.
Phương thức hoạt động của một captive tái bảo hiểm như sau: trước hết công ty bảo hiểm gốc nước sở tại đứng ra nhận bảo hiểm rủi ro của công ty mẹ thông qua các công ty con ở nước ngoài (công ty đứng ra nhận gọi là công ty đứng tên), sau đó chuyển toàn bộ rủi ro cho công ty captive dưới hình thức một hợp đồng tái bảo hiểm. Về phần mình, captive có thể tái nhượng tái bảo hiểm một phần rủi ro bảo hiểm cho một hay nhiều công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp khác.
Sở dĩ phải làm như vậy là vì công ty bảo hiểm gốc thường phải được quốc gia nơi nó hoạt động cấp giấy phép và phải tuân theo sự kiểm soát của cơ quan quản lý sở tại. Còn các công ty tái bảo hiểm (captive tái bảo hiểm) thì thường tham gia vào những hoạt động qua biên giới và tuân theo sự quản lý của nước mẹ.
Trong số 4000 captive trên toàn thế giới thì có khoảng 3000 là captive "một mẹ", tức là do một công ty mẹ lập ra và còn lại là các công ty nhiều mẹ, tức là một số công ty phối hợp với nhau lập ra (gọi là collective captive), giống như một liên danh. Gần đây nhất, cái gọi là captive-thuê (rent-a-captive) đã trở nên rất phổ biến. Thay vì thành lập một captive của chính mình, công ty có thể thuê một captive.
Để đáp lại việc được trả chi phí quản lý, bên nhận tái bảo hiểm mở cho công ty thuê captive một tài khoản để thanh toán phí bảo hiểm, tiền bồi thường và thu nhập đầu tư. Ưu điểm của cách làm này so với giải pháp captive một mẹ là ở chỗ công ty không phải cấp vốn. Ưu điểm này làm cho captive đi thuê trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty loại vừa. Dạng mới nhất của captive là ̉cỗ xe chuyên dụng̃ (Special purpose vehicle) mà chức năng của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các rủi ro bảo hiểm cho thị trường vốn.
Các ưu điểm của captive đối với một công ty
Ban đầu các captive được sinh ra là vì các doanh nghiệp hoài nghi tính hiệu quả của việc bảo hiểm rủi ro có tần suất cao. Bảo hiểm các rủi ro này chẳng khác nào chuyển trả cho nhau những số tiền thấy trước được một các khá chính xác (phí bảo hiểm và tiền bồi thường), không phải là bảo hiểm. Việc bảo hiểm như vậy không đem lại kết quả  gì nhiều, mà đòi hỏi chi phí tốn kém để thực hiện. Mặt khác, giữ lại các rủi ro tốt thì sẽ được lợi trực tiếp vì tỉ lệ bồi thường của những rủi ro ấy thấp hơn tỉ lệ bồi thường trung bình (phí bảo hiểm tính trên tỉ lệ tổn thất trung bình). Giữ lại rủi ro trung bình sẽ khuyến khích giảm tỉ lệ tổn thất thông qua các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp.
Từ thời điểm bắt đầu bùng nổ các captive cho đến cuối những năm 60 và đầu những năm 70, thuế và các lý do tài chính đã đóng vai trò quan trọng. Nếu tự bảo hiểm (không thông qua captive) thì chi phí tự bảo hiểm không được miễn thuế. Captive có ưu điểm là các khoản chi trả phí bảo hiểm được miễn thuế, và các quỹ dự trữ bảo hiểm cũng được ưu đãi về thuế đối với các captive đóng ở nước ngoài.
Ngày nay, các lý do về thuế đã tụt xuống hàng thứ hai: ở Mỹ, các khoản chi trả phí bảo hiểm chỉ được miễn thuế nếu như captive nhận bảo hiểm một tỉ lệ khá lớn các rủi ro ở bên ngoài (khoảng 30%). ở đa số các nước Châu Âu, doanh nghiệp chỉ được miễn thuế số tiền chi trả phí bảo hiểm khi chứng minh được rằng việc bảo hiểm thực sự đã được thực hiện (chứ không phải chuyển cho captive) và phí bảo hiểm đã chi trả là thoả đáng xét trên quan điểm bảo hiểm. ở  một vài nước Châu Âu, lợi nhuận của captive cũng phải chịu thuế ở nước mẹ của công ty mẹ.
Những ưu thế và tài chính của captive còn bao gồm cả việc được công khai sử dụng lãi đầu tư để trả tiền bồi thường, cũng như có khả năng tác động đến chính sách đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường vốn. Số lượng công ty captive đã tăng lên nhanh chóng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trách nhiệm ở Mỹ. Điều đó xảy ra chủ yếu là do các yếu tố như định phí bảo hiểm cao và khả năng tài chính hạn hẹp trên thị trường bảo hiểm truyền thống. Thực tế đó cho thấy, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa chu kỳ bảo hiểm ở Mỹ và số lượng các captive mới được thành lập ở Bermuda.
Captive lúc đầu được xem xét như một phương pháp có thể lựa chọn để thay thế bảo hiểm truyền thống đối với các rủi ro cá biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và trách nhiệm. Nhưng rồi, danh mục những rủi ro chuyển cho captive ngày càng tăng lên, thậm chí những rủi ro như uy tín thấp, các rủi ro Y2K và nhiều rủi ro khác cũng được chuyển cho captive. Captive ngày càng được sử dụng như một biện pháp trung tâm để bảo hiểm nhiều rủi ro khác nhau trên thế giới và là bàn đạp cho những giải pháp tái bảo hiểm có thể xem xét lựa chọn (alternative reinsurance solutions).
Captive cũng có thể được sử dụng ngày càng rộng raĩ trong tương lai như một công cụ quản lý rủi ro tổng thể (holistic risk management instrument). Hiện nay có khoảng 4000 captive trên toàn thế giới, tạo ra một khối lượng phí bảo hiểm khoảng 21 tỉ USD, bằng khoảng 6% thị trường bảo hiểm thương mại toàn cầu. Tốc độ thành lập các captive mới trên toàn thế giới đã hơi chững lại, tuy vậy vẫn còn rất cao, khoảng 5% mỗi năm.
Sở dĩ như vậy là vì đã thấy có nhiều dấu hiệu bão hoà ở Mỹ và Anh, cũng như vì giá cả thấp trên thị trường bảo hiểm truyền thống, làm giảm sức hấp dẫn của các captive. Hơn một nửa số captive trên thế giới là thuộc về các công ty công nghiệp và dịch vụ ở Mỹ. Các nước như Mỹ, Thụy Điển và Nauy có tỉ lệ captive cao nhất thế giới xét trên quy mô của thị trường bảo hiểm ở các nước này hoặc theo tỉ lệ các nước này trong tổng số 2500 công ty lớn nhất trên thế giới.
Bermuda cho đến nay vẫn là thiên đường của các captive. Có tới 1/3 số captive đặt trụ sở ở đây. Đối với các công ty mẹ của Hoa Kỳ thì Bermuda và quần đảo Cayman vẫn là nơi ưa thích nhất. Đối với các nước Châu Âu thì Guensey và Luxembour là những khu vực được ưu tiên lựa chọn, mặc dù Ireland cũng đã trải qua sự phát triển năng động trong những năm gần đây. Mỗi năm, trong danh sách nói trên lại xuất hiện các khu vực mới hấp dẫn các captive bằng môi trường pháp lý và chế độ thuế ưu đãi.
Lloyd’s cũng là một trong những nơi đặt trụ sở lý tưởng của các captive. Sức hấp dẫn chủ yếu của Lloyd’s là ở chỗ nó có giấy phép kinh doanh bảo hiểm gốc ở trên 60 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, captive chưa trở thành một biện pháp quan trọng trong số rất nhiều giải pháp có thể lựa chọn để xử lý rủi ro. Nhiều ưu điểm mô tả ở trên của captive ngày nay có thể đạt được thông qua các giải pháp mới khác, chẳng hạn như sản phẩm rủi ro hạn chế (finite risk products) hoặc các giải pháp nhiều tuyến/nhiều năm (multi-line/multi-year).
Tuy nhiên, đối với nhiều công ty, captive vẫn là bước đi đầu tiên tiến vào thị trường các giải pháp chuyển giao rủi ro có thể xem xét lựa chọn, hoặc ít ra thì cũng chứng minh được  nó còn là một cỗ xe thích hợp trên con đường tiến đến chương trình quản lý rủi ro tổng thể.
Nguồn: Webbaohiem.net

7.22.2012

Bài dự thi “BẢO HIỂM NHÂN THỌ & TÔI”: SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI


Cuộc thi “Bảo hiểm Nhân thọ & Tôi” do ACE Life Việt Nam tổ chức đã nhận được rất nhiều bài dự thi của độc giả từ các tỉnh, thành trên khắp cả nước kể từ khi khởi động vào tháng 5/2012. Trong số này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc bài dự thi của chị LÊ THỊ NAM PHƯƠNG, Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân Chơn Thành, Bình Phước.


SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI
“Chị mà có tiền chị gửi ngân hàng cho chắc ăn chứ dại gì mua bảo hiểm”. Đó là câu nói mà tôi hay nghe mỗi khi mấy chị em trong văn phòng bàn đến chuyện mua bảo hiểm. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Người cho là nên mua để khi gặp rủi ro còn có cái mà bấu víu, người lại bảo mua bảo hiểm thì khả năng rủi ro có khi lại cao hơn vì bị lừa và tới lúc cần tiền thì không lấy lại được. Riêng tôi, trước đây quan điểm cũng là: “Có tiền gửi ngân hàng chắc ăn hơn”. Nhưng sau này một sự cố xảy ra đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩ của tôi về việc mua bảo hiểm nhân thọ.
Với đồng lương của một viên chức, chuyện tích lũy một số tiền lớn đối với tôi quả là không đơn giản. Khi bạn tôi ngỏ lời mời tôi tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) nơi công ty bạn đang làm, tôi đã cười khẩy và bảo: “Nếu tớ có đủ số tiền để mua BHNT của cậu thì chẳng thà gửi thẳng ngân hàng kiếm lãi còn hơn. Có khối người bị lừa vì cái vụ BHNT đấy thôi. Đóng tiền đầy đủ, chỉ còn thời hạn ngắn nữa là lấy lại tiền thì người thu tiền của mình biến mất, gọi tới công ty bảo hiểm thì họ mới cho biết nhân viên đó đã nghỉ việc... Thôi tớ chả dại!”
Một thời gian sau, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá thì xảy ra sự cố đáng tiếc. Anh rể tôi trong một lần đi giao hàng bị tai nạn giao thông và đã không qua khỏi, còn tài sản thì hư hỏng. Lái xe gây tai nạn cũng đã bỏ trốn. Nỗi khốn cùng thêm chồng chất vì lúc ấy chị gái tôi mới sinh con. Bao nhiêu khó khan vây bủa và chị tôi không biết kiếm đâu ra một khoản tiền lớn ngay lập tức để xoay sở cho kịp. Tôi đành phải lấy số tiền mình dành dụm được giúp chị qua cơn nguy khó. Tôi chợt nghĩ giá mà anh rể có BHNT thì lúc này khó khăn sẽ vơi đi rất nhiều. Tôi bắt đầu nghĩ tới đứa bạn bán BHNT của mình.
Ngay sau đó tôi đã tìm hiểu thông tin của rất nhiều công ty bảo hiểm nhưng thật sự rất khó lựa chọn nên tôi gọi lại bạn nhờ tư vấn. Bạn giải thích rất cặn kẽ về BHNT của một công ty bảo hiểm nổi tiếng với các điều khoản ngắn gọn, phương thức thanh toán phí bảo hiểm thuận tiện và thời gian lập hợp đồng bảo hiểm nhanh chóng cùng các quyền lợi cho người mua bảo hiểm.
Tôi nhận thấy một điều BHNT chính là việc kinh doanh mặt hàng rủi ro. Chỉ khi rủi ro xảy ra thì giao dịch mới được hoàn thành. Đương nhiên tất cả mọi người tham gia BHNT đều không mong rủi ro xảy đến với mình, họ lựa chọn BHNT như một hình thức đảm bảo tài chính của mình và người thân vì BHNT là phương thức hoán chuyển rủi ro hiệu quả nhất. Cuộc sống đôi khi có những rủi ro chúng ta không lường trước được, vì vậy, tôi quyết định tham gia BHNT từ thời điểm đó. Tôi gắn bó với BHNT cho đến ngày hôm nay như một cách tích lũy tài chính và cảm thấy yên tâm hơn khi những rủi ro có thể xảy ra sẽ được chia sẻ. Mỗi người có một cách suy nghĩ khác nhau và lựa chọn cho riêng mình để đảm bảo cho cuộc sống. Còn riêng tôi, BHNT đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, và tôi cũng luôn khuyến khích những người thân của mình hãy lựa chọn cách bảo vệ cuộc sống tốt nhất để hạn chế tối đa những rủi ro thông qua việc tham gia BHNT.     
Cuộc thi “Bảo hiểm nhân thọ & Tôi” đang tiếp tục nhận bài dự thi từ tất cả những ai quan tâm đến BHNT. Bài dự thi kể lại những kỷ niệm của tác giả hoặc gia đình về những hoàn cảnh, lý do thúc đẩy bản thân quyết định tham gia BHNT. Bài viết cũng có thể chia sẻ thẳng thắn những thay đổi trong cuộc sống của mình kể từ khi được bảo vệ chu toàn trước những rủi ro của cuộc sống nhờ có BHNT.
Bài dự thi tối đa 700 chữ, được viết bằng tay hoặc thư điện tử và gửi về Ban biên tập Nhịp cầu ACE Life (Lầu 21 Tòa nhà Sun Wah - 115 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. HCM) hoặc qua email: nhipcau.vnlife@acegroup.com.
Hàng tháng, ban giám khảo sẽ chọn một bài viết hay nhất để đăng trên Nhịp cầu ACE Life. Tác giả bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút là tiền mặt hoặc quà có giá trị tương đương 1 triệu đồng. Giải thưởng chung cuộc là 1 chiếc điện thoại di động iPhone 4S dành cho tác giả có bài viết hay nhất trong năm, sẽ được công bố trên Nhịp cầu ACE Life số phát hành tháng 01/2013.

CUỘC THI VIẾT “BẢO HIỂM NHÂN THỌ & TÔI”
ĐÓN CHÀO BÀI DỰ THI CỦA BẠN

7.21.2012

Rộ tin HSBC muốn thoái hết vốn khỏi Bảo Việt

Thông tin được loan đi ngày 18/7, chưa đầy 2 tháng trước khi HSBC hết thời hạn bắt buộc nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt. Tuy nhiên, các bên liên quan hiện vẫn từ chối bình luận về khả năng thoái vốn.> HSBC muốn mua trên 25% cổ phần của Bảo Việt

Tại đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance vẫn khẳng định muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn này lên 25%. Ảnh: Nhật Minh

Thông tin về việc HSBC có ý định thoái vốn khỏi Bảo Việt rộ lên sau khi hãng tin Reuters, trong bản tin phát đi trưa 18/7, cho biết ngân hàng lớn nhất châu Âu đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ 18% cổ phần tại tập đoàn này. Thông tin được xác nhận bởi một nguồn giấu tên, nhưng liên quan trực tiếp tới thương vụ.
Ngoài ra, Reuters còn tiết lộ thêm giá trị chuyển nhượng được HSBC dự kiến ở mức 400 triệu USD, trong khi giá trị thị trường của 18% cổ phần Bảo Việt mà ngân hàng này đang sở hữu ước khoảng 250 triệu USD. Kỳ vọng dựa trên vị thế thị trường của Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay, cũng như khả năng gia tăng sở hữu lên tối đa 25% dành cho bên nhận chuyển nhượng. Bản tin này cũng cho biết đối tác tiềm năng nhất của HSBC trong thương vụ chuyển giao cổ phần Bảo Việt là Sumitomo Life, một trong 4 hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, HSBC vẫn bỏ ngỏ các cơ hội khác.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 18/7, HSBC Việt Nam cũng như Bảo Việt đều cho biết không bình luận gì về các “tin đồn trên thị trường”.
HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt vào giữa tháng 9/2007, sau khi mua 10% cổ phần của tập đoàn này với giá trị khoảng 225 triệu USD. Theo thỏa thuận tại thời điểm đó, HSBC cam kết nắm giữ cổ phiếu BVH tối thiểu 5 năm. Sau khi Bảo Việt niêm yết tại sàn TP HCM năm 2009, HSBC tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 18%.
Đầu năm 2011, HSBC cũng đưa thêm một đại diện là ông Charles Gregory - Trưởng đại điện HSBC Insurance tại Việt Nam vào Hội đồng quản trị Bảo Việt, cùng với thành viên trước đó là ông David Fried. Phát biểu tại Đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, bản thân Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance - David Fried vẫn cho biết đang tiến hành thương thảo với lãnh đạo của Bảo Việt về lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BVH lên 25%.
Nguồn: Nhật Minh - VnExpress

Vụ HSBC thoái vốn: Bảo Việt nói gì?
Đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì. “Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.

Khi ký hợp đồng, cả hai bên đều khẳng định cam kết đầu tư lâu dài. Vì vậy cũng dễ hiểu sự tò mò chuyện hậu trường khi HSBC "đánh tiếng" thoái vốn tại BVH.


Sau thông tin HSBC có ý định tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được một số báo trích dẫn nguồn từ Hãng thông tấn Reuters, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, ông Lê Quang Bình cho hay: đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì.“Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.



Thoái vốn, cơ sở nào?

Những tin đồn về khả năng HSBC thoái vốn đầu tư tại Bảo Việt đã xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và gây sự chú ý lớn cho thị trường, dù báo chí khi đó không đăng tải. Hiện tại, thông tin này một lần nữa lại rộ lên, sau khi Reuters trích dẫn nguồn tin của mình, nhưng không được xác nhận một cách chính thống bởi bất kỳ 1 trong 3 đơn vị có liên quan: HSBC, Bảo Việt và Sumitomo (đơn vị được thị trường đồn thổi là đang đàm phán với HSBC để mua lại cổ phần của Bảo Việt).

Trao đổi với ĐTCK, ông Bình cho biết: “Đến thời điểm này, thông tin thoái vốn của HSBC chỉ là tin đồn. Bảo Việt là công ty niêm yết, nên chúng tôi sẽ thực hiện công bố đầy đủ thông tin cho NĐT ngay khi phát sinh các sự kiện như trên. Chúng tôi không muốn NĐT đón nhận thông tin không chính thống, để tránh việc ra các quyết định sai lầm”.

Theo thỏa thuận đối tác chiến lược giữa HSBC và Bảo Việt từ năm 2007 (khi HSBC bắt đầu sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của Bảo Việt), HSBC cam kết sẽ nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt trong vòng 5 năm. Như vậy, 2012 là thời điểm kết thúc cam kết nắm giữ cổ phiếu. Trước đó, HSBC toàn cầu đã thoái một phần vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm hồi tháng 2/2012.



Đầu tư vào BVH, HSBC đang có lãi?

Sau phiên tăng giá trần ngày 19/7, tổng giá trị cổ phiếu BVH mà HSBC nắm giữ theo giá thị trường là gần 270 triệu USD, thấp hơn nhiều so với số tiền xấp xỉ 360 triệu USD mà HSBC đã bỏ ra để trở thành đối tác chiến lược tại Bảo Việt.

Tuy nhiên, cái giá của việc trở thành đối tác chiến lược của một đơn vị có vị thế lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam là không nhỏ, nên kỳ vọng bán với giá 400 triệu USD, tức bằng khoảng 150% giá thị trường hiện tại như nguồn tin cung cấp cho Reuters là có thể.

Khi đó, việc HSBC nắm giữ cổ phiếu BVH trong khoảng thời gian 3 - 5 năm qua, mang lại 10% lợi nhuận kỳ vọng không phải là lớn, nhưng cũng có thể coi là thành công trong bối cảnh thị trường tài chính bấp bênh như thời gian vừa qua.

Đối với Bảo Việt, trong thỏa thuận đối tác chiến lược với HSBC, tập đoàn này được cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ… Hàng năm, Bảo Việt cũng cử nhân sự đi tham gia các chương trình đào tạo của HSBC. Năm 2011, Bảo Việt chi 65 tỷ đồng chi phí dự án hỗ trợ và chuyển giao năng lực kỹ thuật cho HSBC. Ngoài ra, HSBC là đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm do Bảo Việt cung cấp.

Ông Lê Quang Bình cho hay, trong việc phát triển các hệ thống phần mềm, quản trị rủi ro…, HSBC chỉ đóng vai trò tham vấn và là đối tác cung cấp dịch vụ thương mại. Đối với việc phân phối sản phẩm qua HSBC, HSBC cũng chỉ là một đối tác.

“Chúng tôi không tách doanh thu cung cấp thông qua HSBC, nhưng cũng giống như nhiều ngân hàng khác, HSBC chỉ là một đối tác phân phối sản phẩm”, ông Bình nói.

Theo Bùi Sưởng - ĐTCK

Bảo hiểm phi nhân thọ: “cá bé nuốt cá lớn”

Những tháng đầu năm, các DN bảo hiểm phi nhân thọ có sự đổi ngôi rõ rệt, không chỉ những DN ở nhóm trên, mà ngay cả các DN nhóm dưới cũng có sự thay đổi, bứt phá mạnh mẽ.
Số liệu ước tính từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2012, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI với 1.882,7 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm thị phần 23,3%. Tiếp đến là Bảo Việt, với doanh thu 1.764,03 tỷ đồng, tăng 17,8%, chiếm gần 22% thị phần.
Bảo Minh vươn lên vị trí thứ ba (quý I/2012, vị trí này thuộc về PTI), với doanh thu 840 tỷ đồng, tăng 2,4%, chiếm 10,4% thị phần. PTI đứng thứ tư, với doanh thu 763 tỷ đồng, tăng 198,7%, chiếm 9,5% thị phần. PJICO đạt doanh thu 600 tỷ đồng, tăng 9%, chiếm 7,4% thị phần, đứng thứ năm. MIC đạt doanh thu 220 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ sáu. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Samsung Vina, ước đạt 205 tỷ đồng doanh thu; BIC ước đạt 199 tỷ đồng doanh thu; Liberty đạt 162,9 tỷ đồng doanh thu…
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm phi nhân thọ là bán lời cam kết bồi thường, nên nhìn bề ngoài thì năng lực cung cấp lời cam kết bồi thường của một DN bảo hiểm dù lớn hay nhỏ là vô giới hạn, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhau và thậm chí “cá bé có thể nuốt được cá lớn”.
Trong nhóm DN thuộc Top 10, từ MIC trở xuống, sự bứt phá về doanh thu có thể là một bất ngờ thú vị cho thị trường. Nhưng với nhóm DN Top 5, sự thay đổi này không quá ngạc nhiên. Nhìn lại thống kê về doanh thu bảo hiểm gốc năm 2011 cho thấy, DN có doanh thu cao nhất vẫn là Bảo Việt với 4.877 tỷ đồng, kế đó là PVI với 4.241 tỷ đồng, Bảo Minh đứng vị trí thứ ba với 2.132 tỷ đồng, PJICO đứng thứ tư với 1.888 tỷ đồng và thứ năm là PTI với 1.084 tỷ đồng, nhưng nếu so về tốc độ tăng trưởng trung bình bảo hiểm gốc qua 3 năm gần nhất, từ 2009 đến 2011, thì tốc độ tăng trưởng của PTI là cao nhất với 29%, sau đó là PVI với 27%, PJICO 23%, Bảo Việt 16%, Bảo Minh khoảng 8%.
Khi mới thành lập, các DN bảo hiểm thường phấn đấu tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá, trong đó chủ yếu là hạ thấp chuẩn mực kỹ thuật về quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm, khấu trừ, phí bảo hiểm… để thu hút, “giành giật” khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận bảo hiểm có rủi ro cao, thậm chí mang tính mạo hiểm, bỏ qua quy luật số đông bù số ít của nghề hoạt động kinh doanh bảo hiểm là dựa vào rủi ro nhưng phải quản lý được rủi ro và phân tán được rủi ro trong số khách hàng tham gia bảo hiểm. Điều này cũng khiến thị trường luôn cạnh tranh “điên đảo”. Đặc biệt là đối với những nghiệp vụ bảo hiểm mang lại doanh thu cao như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe con người. Đây là hai nghiệp vụ bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao, số lượng khách hàng tham gia ngày càng lớn. Có DN bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trên 50%/năm, tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người đạt 100%/năm.
Tất nhiên, không phải tất cả những DN đạt được tốc độ tăng trưởng cao đều làm “bằng mọi giá”. Đối với không ít DN bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn đã thể hiện được tiềm năng, sức bật về hoạt động kinh doanh. Trong nhóm các DN dẫn đầu, Bảo Việt có mạng lưới phát triển rộng, nhân sự ổn định, có sự hậu thuẫn của các ngân hàng. PVI có mối quan hệ rộng của các DN dầu khí, cán bộ được trẻ hóa, thị phần khá ổn định. Bảo Minh có nhiều cán bộ kinh nghiệm, nghiệp vụ dày dặn, mạng lưới tương đối đều trên toàn quốc.
Theo ông Lộc, thực tế đã chứng minh, DN chiến thắng đối thủ cạnh tranh chính là DN có chất lượng sản phẩm tốt nhất, đồng nghĩa với thực hiện lời cam kết bồi thường cho khách hàng một cách đúng đắn nhất. Chính vì thế, gần đây, một số DN bảo hiểm chấp nhận không tăng trưởng doanh thu, thậm chí giảm doanh thu, siết chặt quản lý, không chấp nhận bảo hiểm rủi ro cao mà phí không tăng như là những bước đi của tái cấu trúc.
Khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các DN bảo hiểm đều phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc giải quyết bồi thường, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang phải “chạy đua” trong việc minh bạch hóa quy trình giải quyết bồi thường đối với khách hàng, để các trường hợp khách hàng phàn nàn và khiếu nại về tiến độ hay chất lượng giải quyết bồi thường trên tổng số các vụ bồi thường giảm xuống mức thấp nhất.
Nguồn: Ngọc Lan - ĐTCK

5.30.2012

Vì sao doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuộng bảo hiểm bên ngoài?

Cuối tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý rủi ro bằng bảo hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Trong năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là trên 200 tỷ USD (xuất khẩu 96 tỷ USD, nhập khẩu trên 110 tỷ USD). Nhưng theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm hàng hóa thu được chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, tương đương với 50 triệu USD.

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF



“Số phí thu được quá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ chiếm 0,02%. Đây là sự thiệt thòi của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Trong hoạt động ngoại thương, điều khoản mua bảo hiểm là bắt buộc đối với các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhưng lựa chọn của doanh nghiệp Việt Nam là mua bảo hiểm và thuê tàu ở nước ngoài.

Điều này được thể hiện rõ qua việc các thương nhân Việt Nam thường đàm phán nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF, tức hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm giá thành, phí bảo hiểm và phí vận chuyển từ nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu theo giá FOB, tức nhà nhập khẩu nước ngoại chịu trách nhiệm thuê và trả phí phương tiện vận tải.

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cũng cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.

Chỉ có một số mặt hàng mà thế giới không bán bảo hiểm do rủi ro cao là hàng giao cân, giao hàng lẻ khi về Việt Nam do hao hụt thương mại, hao hụt tự nhiên thì doanh nghiệp mới mua bảo hiểm ở trong nước, như phân bón, thức ăn gia súc…

“Chính vì thế, phí bảo hiểm và phí vận tải trong nước bị thất thu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần phải có những thay đổi lại tư duy và nhận thức”, ông Lộc nói. “Nhiều lần tôi có dịp nói chuyện với những nhà hoạt động xuất nhập khẩu, sinh viên các trường đại học đã nhấn mạnh rằng phải mua bảo hiểm và thuê tàu trong nước. Đây phải là một ý thức để phát triển nền kinh tế Việt Nam”.

Bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Bảo hiểm Hàng hải và tín dụng thương mại Chartis Việt Nam giải thích, việc ngại bán giá CIF của các doanh nghiệp Việt Nam là do khó tìm được một nhà vận chuyển quốc tế phù hợp và công ty bảo hiểm có mạng lưới rộng lớn theo yêu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Trong khi đó, đội tàu của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà các nhà xuất khẩu mong muốn, và cũng không nhận được hàng nhập khẩu về Việt Nam tại cảng mà nhà nhập khẩu trong nước cần nên doanh nghiệp không đàm phán phí chuyên chở.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm ở nước ngoài khi xảy ra rủi ro rất khó đòi hỏi được bồi thường bảo hiểm. Nguyên do là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đòi hỏi giấy tờ, thủ tục với yêu cầu cao, khắt khe.

Đơn cử như chứng thư giám định phải là một tổ chức giám định độc lập, chứ không phải chứng thư giám định do doanh nghiệp cấp. Hay những giấy tờ cảng vụ tàu doanh nghiệp làm không đồng bộ, lệch nhau về ngày giờ, số liệu, số container, số chủng loại, mã hàng hóa cũng đủ bị từ chối bồi thường. Nhưng doanh nghiệp chọn mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị cung cấp bảo hiểm trong nước, nếu giấy tờ sai sẽ được sửa lại cho đúng dưới sự tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Vì thế, mua bảo hiểm ở nước ngoài thì thế yếu thuộc về doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Còn mua bảo hiểm của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trong nước sẽ an toàn hơn do các doanh nghiệp chịu sự can thiệp của Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo chủ trương mới của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp tìm được các khách lớn và thị trường mới và cạnh tranh được với thương nhân nước ngoài bằng biện pháp bán hàng trả chậm, tức là cung cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu. Theo đó, nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu 20% phí bảo hiểm, doanh nghiệp chỉ phải chi trả 80%.

Nguồn: VnEconomy

Át chủ bài của bảo hiểm nhân thọ

Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, khách hàng chủ chốt vẫn là cá nhân. Bởi vậy, kênh phân phối qua đại lý vẫn chiếm ưu thế chủ đạo

Nhiều kênh phân phối được các công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sáng tạo và thực hiện, song với đặc thù của ngành, đại lý bảo hiểm vẫn là kênh quan trọng nhất và không thể thay thế. Trong đó, một số mô hình phát triển đại lý bước đầu đã thành công.
 
Vừa có chuyến khảo sát chất lượng đại lý tại một số công ty BHNT, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chia sẻ với Báo Người Lao Động.
* Phóng viên: Cơ hội  để phát triển ngành BHNT tại Việt Nam còn rất lớn, trong đó, yếu tố quyết định quan trọng nhất là đội ngũ đại lý bảo hiểm. Vậy trong chiến lược phát triển ngành, chúng ta có định hướng nâng cao chất lượng đại lý bảo hiểm ra sao, thưa ông?
Chính vì thế những năm gần đây, chính Bộ Tài chính kiểm soát chất lượng việc thi tuyển và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Sắp tới, khi thực hiện Luật Sửa đổi Bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm còn giúp chuẩn hóa hơn nữa chất lượng đội ngũ đại lý: Sẽ có những quy chuẩn khác nhau dành cho đại lý bảo hiểm cơ bản và đại lý bảo hiểm chuyên sâu.
Để khớp với các quy định của bộ, từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải chuẩn hóa lực lượng đại lý của mình bởi chất lượng đại lý ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của từng doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp chọn con đường riêng để nâng tầm các đại lý của mình, như AIA Việt Nam là một ví dụ. Họ duy trì và phát triển CLB Bàn tròn Triệu đô (MDRT).
Ngay từ năm 2005, họ đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho hơn 600 thành viên MDRT của khu vực châu Á mà tôi được tham dự. Đó là một việc làm rất tốt. Chiến lược mới nhất của AIA về kênh phân phối là tập trung phát triển đội ngũ đại lý ngoại hạng, những người có chất lượng chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.  Tôi rất tán thành việc xây dựng lực lượng đại lý này thành chuẩn mực và là tấm gương tạo ra sự khao khát cho các đại lý khác phát triển nghề nghiệp.
* Cách làm việc của nhiều doanh nghiệp khiến chúng tôi nghĩ rằng ai cũng có thể trở thành đại lý bảo hiểm chỉ sau 5-6 buổi đào tạo, để rồi sau đó rất nhiều người trong số họ bỏ cuộc. Ông nhìn nhận tình trạng này dẫn tới bất cập gì và cần được khắc phục ra sao trong thời gian tới?
- Nhìn vào lợi ích trước mắt, số lượng đại lý bảo hiểm lớn có thể đem lại nguồn doanh thu cho các công ty ngay lập tức nhưng về lâu dài, chúng ta cần xem doanh thu này có ổn định không, khả năng tham gia của khách hàng có lâu dài hay hợp đồng có bị chấm dứt giữa chừng hay không.
Tôi đã hỏi rất nhiều đại lý bảo hiểm và rất nhiều người cho biết vẫn còn cảm thấy tự ti khi phải thừa nhận họ là đại lý bảo hiểm vì họ cảm thấy công việc này thấp kém. Suy nghĩ này rất sai lầm vì đại lý bảo hiểm là nghề rất cao quý, bảo hiểm giúp khách hàng được bảo vệ về tài chính trước những bất trắc khó lường của cuộc sống. Tôi cho rằng giáo dục lại nhận thức của các đại lý về lòng yêu nghề là trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm và tôi hy vọng AIA Việt Nam thành công với quyết tâm này.
* Mỗi doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phân phối sản phẩm, tiếp cận khách hàng khác nhau và xây dựng đội ngũ kinh doanh bảo hiểm khác nhau. Theo ông, đâu là mô hình tối ưu?
- Nghề đại lý bảo hiểm đòi hỏi người đại lý phải có trình độ nhất định, phải hiểu biết sản phẩm thấu đáo và có khả năng thuyết phục khách hàng cao. Tuy nhiên, mỗi đại lý có thể có những khiếm khuyết nhất định,  vì thế doanh nghiệp cần đào tạo, lấp đầy các khoảng trống chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho đại lý, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đại lý. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo cơ hội đem lại thu nhập cao cho đại lý thì mới mong hấp dẫn được người lao động.
Các công ty bảo hiểm cần xây dựng và đào tạo lực lượng đại lý một cách bài bản để thay đổi hình ảnh còn hạn chế về đại lý BHNT hiện nay thành hình ảnh người đại lý trang trọng, giỏi thuyết trình, có kiến thức, có tâm huyết… Điều này sẽ kích thích sự trân trọng của khách hàng đối với đại lý bảo hiểm và chính các đại lý bảo hiểm cũng trân trọng nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Bài và ảnh: Lệ Hằng (Người Lao Động)

5.26.2012

Tổng hợp ý kiến của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các Doanh nghiệp Bảo hiểm về dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 123, 124



1.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP  
1.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung được sửa đổi bổ sung tại điều 2a (đối tượng không tính thuế GTGT) đã được ghi rõ ràng, cụ thể hơn trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động bảo hiểm như thuê chuyên gia tại nước ngoài tư vấn xây dựng sản phẩm bảo hiểm, quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm, đánh giá rủi ro và tính phí bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, giám định tổn thất và bồi thường tổn thất (xảy ra ở nước ngoài và cho người nước ngoài và cho người nước ngoài), sửa chữa máy bay tàu biển, thậm chí sửa chữa một số chi tiết linh kiện phụ tùng ở nước ngoài...
1.2.        Đề nghị bổ sung điều 2a trường hợp sau:
¾         DNBH gốc nước ngoài nhận hoa hồng tái bảo hiểm từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trong nước và ngược lại, không nên cho rằng hoa hồng nhượng tái bảo hiểm là doanh thu. Thực chất đây là hoàn trả một phần chi phí khai thác bảo hiểm (chi phí cho nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng môi giới bảo hiểm, hoa hồng đại lý bảo hiểm, văn phòng phẩm, chi phí bưu chính viễn thông... của DNBH gốc đã chi đã nộp VAT được cấu thành nên phí bảo hiểm gốc sau nhượng tái bảo hiểm một phần phí bảo hiểm gốc cho nhà nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước).
¾         Tiền bồi thường của nhà nhận tái bảo hiểm cho DNBH gốc không phải là doanh thu vì phải trả cho người tham gia bảo hiểm bị tổn thất. Đây là thực hiện cam kết của nhà nhận tái bảo hiểm chia sẻ rủi ro cùng gánh vác trách nhiệm bồi thường cho tổn thất xảy ra đối với bảo hiểm gốc.
¾         Đề nghị bổ sung điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Doanh nghiệp chỉ thực hiện duy nhất dịch vụ đại lý bảo hiểm nhân thọ (tổng đại lý, ngân hàng và các doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ) là đối tượng không chịu thuế GTGT.”
¾         Đề nghị thêm vào điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Hàng hoá, dịch vụ DNBH nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm nhân thọ là đối tượng không chịu thuế GTGT.” Khách hàng tham gia bảo hiểm được xem là tiếp tục khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm (chi phí lưu thông đi kèm với bán sản phẩm bảo hiểm) tiếp tục khâu sản xuất kinh doanh đã nộp thuế GTGT khi mua hàng không được hoàn thuế nên không chịu thuế GTGT khi xuất kho cho công việc nói trên
¾         Tại mục các trường hợp không phải tính thuế GTGT (Điều 2a, điểm 2): đề nghị bổ sung trường hợp khách hàng nhận bồi thường bằng tiền từ DNBH khi không tiến hành sửa chữa, thay thế.
1.3.        Tại Điểm 6, Điều 15 Thông tư 153/2010/TT-BTC về hóa đơn có quy định "Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hoá đơn ủy nhiệm". Đề nghị thêm vào phần Hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ: “Bên nhận ủy nhiệm không phải báo cáo sử dụng các hóa đơn ủy nhiệm.” Đây là thủ tục không cần thiết vì cơ quan thuế của bên nhận ủy nhiệm không có thu thuế và bên ủy nhiệm đã báo cáo các hóa đơn này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp rồi.  Quy định này chỉ làm phức tạp thêm thủ tục thuế mà thực tế không có mục đích sử dụng đối với cơ quan thuế quản lý đơn vị nhận ủy nhiệm.  
1.4.        Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật trên.
Có 2 vấn đề cần quan tâm với việc đánh thuế GTGT đối với DNBH hoạt động tại nước ngoài bán bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam và chi nhánh DNBH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (tổ chức có kinh doanh nhưng không phải là một pháp nhân đầy đủ).
Với giác độ là người tiêu dùng (người tham gia bảo hiểm) có nhu cầu về dịch vụ bảo hiểm và mua bảo hiểm là người Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam khi mua bảo hiểm của DNBH đang hoạt động ở nước ngoài hoặc chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam thì họ vẫn phải nộp thuế GTGT tại Việt Nam.
Đánh thuế GTGT như trên sẽ đảm bảo quyền và lợi ích cho các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài). Nếu 2 đối tượng này không phải nộp thuế GTGT thì tạo ra lợi thế cạnh tranh với DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, phí bảo hiểm của họ ít nhất sẽ thấp hơn 10% vì không có thuế GTGT.
2.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP
2.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định thể hiện được tinh thần vừa đảm bảo nguồn thu, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa sát với đặc thù của một số ngành, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm về thuế nhà thầu đối với tái bảo hiểm ra nước ngoài 0,1% doanh thu chịu thuế thay cho 2% như quy định hiện hành. Hoạt động tái bảo hiểm có đặc thù riêng, hàng năm DNBH gốc tại Việt Nam ký hợp đồng tái bảo hiểm cho DNBH nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm gốc sẽ phát sinh trong cả một năm sau nhằm chia sẻ gánh nặng bồi thường nếu tổn thất xảy ra cho DNBH gốc và xác định mức trách nhiệm cao nhất (số tiền bảo hiểm) mà DNBH gốc được ký kết trong phạm vi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài (nếu vượt quá số này DNBH gốc phải tự gánh chịu bồi thường). Trên cơ sở có hợp đồng tái bảo hiểm ra nước ngoài làm chỗ dựa vững chắc, các DNBH gốc tại Việt Nam sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm gốc với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại Việt Nam số tiền bảo hiểm lớn có đối tượng được bảo hiểm đến hàng chục triệu USD hoặc lớn hơn nữa thì được thu xếp bằng hợp đồng tái bảo hiểm khác. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định DNBH chỉ được giữ lại mức tối đa bằng 10% vốn chủ sở hữu (theo Luật quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định 300 tỷ đ). Như vậy với công trình, đối tượng bảo hiểm có giá trị trên 30 tỷ đồng đều phải tái bảo hiểm (thực tế các DNBH Việt Nam tiềm lực tài chính có hạn nên chỉ giữ lại ở mức 300.000 USD đến 1.000.000 USD). Như vậy tái bảo hiểm là nhu cầu cần thiết không thể thiếu được của thị trường bảo hiểm. Nhưng đa số các tài sản ở mức không phải tái bảo hiểm. Các tài sản, đối tượng có giá trị lớn phải tái bảo hiểm thì trước hết là tái bảo hiểm trong nước sau đó mới tái ra nước ngoài (15%-20% phí bảo hiểm toàn thị trường). Các DNBH nhận tái bảo hiểm nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài hầu hết thuộc diện nước có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam nên thực ra nguồn thu không nhiều. Song để làm thủ tục miễn thuế quá phức tạp, ngoài hợp đồng tái bảo hiểm còn hợp đồng bảo hiểm gốc và các thủ tục buộc nhà nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài phải có nên khó thực hiện. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài không hiểu chính sách thuế này của Việt Nam (vì nước họ không đánh loại thuế này) nên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gây khó dễ hoặc ngại nhận tái bảo hiểm cho Việt Nam gây khó khăn cho khâu tái bảo hiểm ra nước ngoài. Vì vậy thực chất đánh thuế nhà thầu tái bảo hiểm ra nước ngoài là gánh nặng cho DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, làm tăng chi phí bảo hiểm cho người dân và tổ chức tại Việt Nam có nhu cầu mua bảo hiểm. Nếu đánh thuế 0,1% chắc chắn sẽ tháo gỡ khó khăn trên cho thị trường bảo hiểm, DNBH sẽ kê khai đóng thuế thay cho việc bỏ thêm chi phí phô tô công chứng và trả lương cho người làm công tác kê khai để hưởng chính sách miễn giảm thuế.
2.2.        Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Điều 3 Nghị định 124/2008/NĐ-CP về thu nhập chịu thuế, trong đó “thu nhập khác” có bao gồm quy định mới về: “Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán từ 3 năm trở lên nhưng chưa phải trả chủ nợ” (điểm h). Song Dự thảo lại không quy định trường hợp sau này nếu xác định được chủ nợ hay sau 3 năm chủ nợ lại yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ phải trả đó, thì các khoản nợ được thanh toán này sẽ được tính lại như thế nào. Đề nghị nên bổ sung quy định: “các khoản nợ phải trả này sau khi đã đưa vào thu nhập khác và chịu thuế TNDN, nếu xác định được chủ nợ hay chủ nợ có yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp đã thanh toán, thì được tính lại vào khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.
2.3.        Các sản phẩm hàng hóa khác được thực hiện khuyến mãi giảm giá để khuyến khích tiêu thụ trong khi đó sản phẩm bảo hiểm lại không được thực hiện khuyến mãi giảm giá. Đề nghị thêm vào Điều 1.2 phần Doanh thu tính thuế: “giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng của sản phẩm bảo hiểm”.  Nếu cần thiết thì quy định các công ty bảo hiểm phải đăng ký chương trình khuyến mãi theo hình thức giảm giá với Bộ Tài Chính để kiểm soát.
2.4.        Dịch vụ bảo hiểm y tế tại Việt Nam chưa phù hợp tiêu chuẩn đối với người lao động nước ngoài.  Do vậy, doanh nghiệp phải mua bảo hiểm y tế ở nước ngoài cho đối tượng này nhưng lại không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế cho dù đã có ghi rõ trong hợp đồng lao động. Đề nghị thêm vào Điều 1.6 phần Các khoản chi được trừ và không được trừ: cho tính trừ vào thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm y tế của người nước ngoài và có quy định trên Luật lao động việc mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài.
2.5.        Khoản 3 Điều 6 đề nghị bổ sung:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng, việc xác định thu nhập chịu thuế đối với một số hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định như sau:
a)     Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại điểm b khoản này) được xác định bằng tổng số tiền thu theo hợp đồng chuyển nhượng trừ (-) giá mua phần vốn được chuyển nhượng, trừ (-) chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng;
2.6.        Đề nghị bổ sung tương tự trong điều 13:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản khác gắn liền với đất đai”.
2.7.        Các khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho thời gian người lao động đã được đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được xem là chi phí hợp lý và được khấu trừ doanh thu khi tính thu nhập chịu thuế, ngoại trừ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/2009 và chưa được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm thì vẫn được được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
2.8.        Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính về việc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có ý kiến cho rằng để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế TNDN tại Việt Nam nên phải nâng tỷ lệ thuế nhà thầu khấu trừ tại nguồn theo %/ doanh thu đối với dịch vụ mua của nhà thầu nước ngoài. Theo đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã đề nghị tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua ngoài là 10% trên doanh thu thay thế tỷ lệ quy định tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP là 5% trên doanh thu. Chúng tôi nhận thấy mức tăng của thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài theo dự thảo Nghị định là quá cao, điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vì thông thường nhà thầu nước ngoài sẽ yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chịu khoản thuế nhà thầu này. Hơn nữa, việc tăng tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và hệ quả là có thể sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, thay vì chỉ sử dụng biện pháp tăng mức thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài từ 5% lên thành 10%, Bộ Tài chính nên xem xét chỉ cần tăng lên mức 7% trên doanh thu đồng thời kết hợp các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá như Bộ Tài chính đã nêu trong dự thảo Tờ trình. Ngoài ra, đề nghị đối với các dịch vụ mà các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ thuế nhà thầu là 5%.
2.9.        Hoa hồng của nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài trả cho DNBH gốc thực chất là hoàn trả chi phí cho DNBH gốc đã bỏ ra chi phí khai thác bảo hiểm (trả nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, chi phí giao dịch khác). Vì vậy đây không nên coi là khoản doanh thu mà chỉ nên cho vào giảm trừ chi phí.
2.10.     Tương tự như trên, hoa hồng nhận tái bảo hiểm của DNBH gốc nước ngoài được hưởng khi tái bảo hiểm sang Việt Nam cũng nên coi là giảm trừ chi phí.
Nguồn: Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam