Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







2.28.2012

Năm 2011: Vượt qua khó khăn, thị trường bảo hiểm Việt Nam tiếp tục phát triển vững chắc

Năm 2011, lạm phát ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh và đời sống người lao động. Chính sách thắt chặt tín dụng, giảm đầu tư công đã ảnh hưởng tới nền kinh tế xã hội, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán ảm đạm ảnh hưởng tới nhu cầu bảo hiểm và cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chính phủ, với các giải pháp kịp thời và hữu hiệu, Việt Nam đã kìm chế được lạm phát ở mức 18% và vẫn duy trì tăng trưởng GDP 5,6%. Đặc biệt xuất khẩu đạt 95 tỷ USD, tăng trưởng 35%.

Trong bối cảnh trên, các doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm đã có nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn của nền kinh tế, tiếp tục xây dựng thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển vững chắc. Doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 25% so với 2010, tốc độ tăng trưởng có giảm hơn 3% so với 2010 vì những khó khăn trên. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 17% so với 2010, tốc độ tăng trưởng cao hơn 2% so với 2010. Khi nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư ít có cơ hội đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản, khi khó khăn kinh tế xảy ra người dân nghĩ nhiều đến tiết kiệm cho tương lai đã tạo ra cơ hội cho bảo hiểm nhân thọ phát triển trở thành một công cụ thu hút nguồn vốn trung và dài hạn phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.

Năm 2011, toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư ước đạt trên 100.000 tỷ đồng bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ vào nền kinh tế quốc dân. Ngành bảo hiểm đã thể hiện rõ hơn vai trò tài chính thu hút nguồn vốn phát triển kinh tế xã hội.
Bảo hiểm phi nhân thọ đã giải quyết bồi thường ước đạt 8.000 tỷ đồng khắc phục tổn thất do thiên tai, tai nạn bất ngờ gây ra cho người tham gia bảo hiểm. Bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 5.500 tỷ đồng cho người bị tai nạn, ốm đau, tử vong và đáo hạn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng trước hạn.
Toàn ngành bảo hiểm có lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 2.500 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp và gần 2.000 tỷ đồng thuế VAT.
Năm 2011, thị trường bảo hiểm Việt Nam song song với sự tăng trưởng về lượng nói trên đã có sự biến đổi về chất, đó là:

1. Chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được hoàn thiện hơn một bước với việc đã và đang ban hành các văn bản phát quy: Nghị định Chính phủ hướng dẫn thi hành luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm; thông tư hướng dẫn thi hành nghị định nói trên và Nghị định 45/2007/NĐ-CP, Nghị định 46/2007/NĐ-CP; Thông tư hướng dẫn thực hiện chế độ hạch toán kế toán trong doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ.

2. Một số chế độ chính sách mới do Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành tạo nên những phân khúc thị trường bảo hiểm mới cho ngành bảo hiểm phát triển như Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc (TT 220/TT-BTC), Bảo hiểm nông nghiệp (QĐ 315/QĐ-CP, TT 121/TT-BTC, TT 47/TT-BNNPTNT), Bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (QĐ 2011/QĐ-CP. TT 99/TT-BTC), Bảo hiểm trách nhiệm của các cơ sở khám chữa bệnh (NĐ 120/NĐ-CP), Bảo hiểm trách nhiệm các cơ sở quản lý, sử dụng, khai thác chất lượng xạ hạt nhân (Đang dự thảo Nghị định Chính phủ và Thông tư Bộ Tài chính).

3. Hoạt động tuyên truyền của ngành Bảo hiểm đã có tiếng nói chung, thực hiện có tính chất bài bản, chuyên nghiệp hơn. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phối hợp với Thời Báo Tài chính tuyên truyền về Bảo hiểm trên chuyên trang ra thứ 6 hàng tuần, phối hợp với Cục cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện "bản tin An toàn Giao thông" phát sóng trên VOV Giao thông. Ngoài ra Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam còn phối hợp với Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện chiến dịch tuyên truyền Bảo hiểm Bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới tới thanh niên, sinh viên, các trường đại học tại Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Nghệ An, Buôn Ma Thuột, An Giang với các Games show truyền hình do Manulife tài trợ. Trang web Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các Doanh nghiệp Bảo hiểm đã có nhiều nội dung tuyên truyên phong phú, thu hút được sự quan tâm và nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ phía độc giả.

4. Các Doanh nghiệp Bảo hiểm đã cải tiến và công khai minh bạch về hoofo sơ, thủ tục, quy trình giám định và giải quyết bồi thường trên trang web của Doanh nghiệp Bảo hiểm và các địa điểm giao dịch bán hàng, đồng thời xây dựng các quy trình khai thác, giám định, giải quyết bồi thường, quản lý đầu tư, chương trình tái bảo hiểm, kiểm soát nội bộ, nâng cao chất lượng quản lý đại lý.

5. Các Doanh nghiệp Bảo hiểm đã tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng; tiếp nhận và xử lý thông tin 24/24 giờ; dịch vụ cứu hộ cứu nạn; thành lập các trung tâm giải quyết bồi thường và đào tạo cán bộ giám định hiện trường, thu thập và phân tích hồ sơ tai nạn để giám định chính xác nguyên nhân, mức độ tổn thất, giải quyết bồi thường nhanh chóng, kịp thời.

6. Các Doanh nghiệp Bảo hiểm đã hợp tác với nhau cùng phát triển thị trường như: xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí, nội dung chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm nông  nghiệp; quản lý danh sách đại lý bảo hiểm, tiến hành xây dựng phí bảo hiểm cơ bản cho 1 số nghiệp vụ bảo hiểm tương xứng với rủi ro tổn thất được bảo hiểm, xây dựng hệ thống cảnh báo các đối tượng có rủi ro bảo hiểm cao.

7. Các Doanh nghiệp Bảo hiểm bán bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã đóng góp Quỹ bảo hiểm xe cơ giới để đầu tư các công trình đề phòng hạn chế tổn thất, giảm thiểu tai nạn giao thông trong năm 2011, triển khai được 8 công trình khắc phục điểm đen tai nạn giao thông trị giá 12 tỉ đồng.

8. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng các Doanh nghiệp Bảo hiểm đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm quản lý chặt chẽ chủ xe, lái xe, loại xe tham gia bảo hiểm, thời gian, đặc điểm, nguyên nhân, mức độ thiệt hại tai nạn giao thông, đánh giá được kết quả kinh doanh, tính phí bảo hiểm…làm tiền đề để xây dựng cơ sở dữ liệu cho các nghiệp vụ bảo hiểm khác.

Bước sang năm 2012, những khó khăn của nền kinh tế xã hội vẫn còn nhưng có chiều hướng giảm, một số thuận lợi sẽ xuất hiện, nền kinh tế sẽ có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Trên cơ sở đó, cùng với những yếu tố mới về chế độ chính sách của Chính phủ và Bộ Tài chính tạo ra một số sản phẩm bảo hiểm mới, phân khúc thị trường bảo hiểm mới phát triển. Dự báo bảo hiểm phi nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 28%, doanh thu ước đạt 27,5 tỉ đồng. Bảo hiểm nhân thọ sẽ phát triển với tốc độ 18%, doanh thu ước đạt 18,9 tỉ đồng.

Phùng Đắc Lộc – Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam
Mười sự kiện tiêu biểu của ngành Bảo hiểm Việt Nam năm 2011
1. Bảo hiểm phi nhân thọ tiếp tục tăng trưởng 25% ước đạt doanh thu 21.500 tỉ đồng, tốc độ có giảm chút ít so với năm 2010 do ảnh hưởng của thắt chặt tín dụng và nợ công.
2. Bảo hiểm nhân thọ duy trì với tốc độ tăng trưởng 17% ước đạt doanh thu 16.000 tỉ đồng, vừa bảo vệ rủi ro trong tham gia bảo hiểm vừa là hình thức thu hút tiền nhàn rỗi của dân cư vào đầu tư trung dài hạn phát triển kinh tế xã hội phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa.
3. Toàn ngành bảo hiểm đã đầu tư 100.000 tỉ đồng bằng vốn chủ sở hữu và dự phòng nghiệp vụ vào nền kinh tế quốc dân khẳng định vai trò thứ hai của bảo hiểm: là công cụ tài chính huy động vốn của nhà nước cho nền kinh tế xã hội.
4. Chế độ quản lý Nhà nước về kinh doanh bảo hiểm hoàn thiện thêm một bước với việc chuẩn bị ban hành Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 45, 46 và Nghị định hướng dẫn Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn chế độ hạch toán kế toán đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ và môi giới bảo hiểm; Thông tư hướng dẫn triển khai sản phẩm bảo hiểm liên kết đơn vị trong bảo hiểm nhân thọ.
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư 47, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 121 hướng dẫn thực hiện Quyết định 315/CP triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, tạo cơ sở pháp lý để doanh nghiệp bảo hiểm và địa phương được lựa chọn là địa bàn triển khai thí điểm tiến hành triển khai thí điểm; tiến hành soạn thảo quy tắc, quy trình, tập huấn để thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa, vật nuôi và thủy sản, thể hiện chính sách của Đảng, Chính phủ với nông nghiệp, ngư dân và nông thôn đồng thời tạo ra phân khúc thị trường bảo hiểm nông nghiệp phát triển.
6. Chính phủ và Bộ Tài chính đã và đang ban hành một số chế độ bảo hiểm tạo điều kiện để doanh nghiệp bảo hiểm triển khai sản phẩm bảo hiểm trong lĩnh vực mới: Thông tư 220/BTC hướng dẫn bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, Thông tư 99/BTC về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu (triển khai Quyết định 2011/CP), Nghị định 102 về bảo hiểm trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh và chuẩn bị ban hành bảo hiểm trách nhiệm người sử dụng, quản lý chất phóng xạ hạt nhân.
7. Công tác tuyên truyền ngày càng chuyên nghiệp hơn. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Thời báo Tài chính tuyên truyền về bảo hiểm trên chuyên trang ra thứ 6 hàng tuần, đồng thời phố hợp với Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt thực hiện Bản tin An toàn giao thông trên kênh VOV Giao thông. Ngoài ra, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam còn phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuyên truyền chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới trong thanh niên tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, Hải Phòng, Nghệ An, Huế, Đắc Lắc và Đà Nẵng trong tháng 9/2011.
8. Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tổng kết 03 năm thực hiện Nghị định 103, Thông tư 126, Thông tư liên tịch 35 về bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp của doanh nghiệp bảo hiểm, Sở Giao thông Vận tải, Ban An toàn Giao thông, Cảnh sát Giao thông, chủ xe, Hiệp hội vận tải ô tô địa phương tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng để kiến nghị hoàn thiện hơn nữa chế độ bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới.
9. Quỹ Bảo hiểm Xe cơ giới Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam triển khai dự án xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu Bảo hiểm xe cơ giới qua các bước lập báo cáo khả thi, thiết kế thi công tổng dự toán, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng vào cuối tháng 12/2011. Dự kiến cuối năm 2012, hệ thống cơ sở dữ liệu bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới sẽ được đưa vào sử dụng, cung cấp thông tin cần thiết để quản lý xe, chủ xe tham gia bảo hiểm, nguyên nhân và mức độ tai nạn phục vụ cho bồi thường và phòng chống trục lợi bảo hiểm tốt hơn.
10. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chú trọng đến cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng: tiếp nhận thông tin, giám định tổn thất và hướng dẫn một số thủ tục bồi thường nhanh chóng, kịp thời. Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát Giao thông đường bộ, đường sắt đào tạo cho hơn 250 cán bộ bảo hiểm về giám định hiện trường, thu thập, phân tích, xử lý hồ sơ bồi thường Bảo hiểm xe cơ giới. Hàng loạt các trung tâm chăm sóc khách hàng được các doanh nghiệp bảo hiểm hàng đầu triển khai hoạt động năm 2011, mở đầu cho sự cạnh tranh bằng uy tín và chất lượng.

Thị trường bảo hiểm năm 2011 qua góc nhìn của CEO bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm năm 2011 còn khó khăn, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, trong “rủi” có “may”, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về bảo hiểm lại gia tăng. Đó là một phần cơ sở cho sự lạc quan của các CEO DN bảo hiểm khi nhìn về triển vọng thị trường năm 2012.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Bảo Việt Nhân thọ: “Cần tăng cường phổ biến ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ”
Dù nền kinh tế 2011 còn khó khăn, mức độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn tương đối khả quan, sản phẩm liên kết chung trên thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác trên thị trường. Trong vài năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển hai con số và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ đạt khoảng 22% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014.
Bảo hiểm nhân thọ là một ngành dịch vụ đặc biệt. Dịch vụ này mang lại cho khách hàng sự cam kết bảo vệ trong một thời gian dài, vì vậy, niềm tin và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng là yếu tố cốt lõi để gây dựng uy tín. Lợi ích của bảo hiểm nhân thọ được cảm nhận rõ nhất khi người tham gia nhận được tiền chi trả bảo hiểm. Tiềm năng thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện còn rất lớn, nhưng mức độ phổ cập của bảo hiểm nhân thọ đến người dân còn hạn chế. Để mang bảo hiểm nhân thọ đến gần hơn với người dân Việt Nam, DNBH nhân thọ cần chú trọng chất lượng phục vụ từ khâu tư vấn, quản lý hợp đồng, giám định và chi trả các quyền lợi cho khách hàng; cần đào tạo các đại lý hay các tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn và giá trị bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.
Ông Young Goo Kang, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Viện Phát triển bảo hiểm Hàn Quốc (KIDI): “Bảo hiểm cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cần thêm nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nữa từ Chính phủ, cơ quan hữu quan, nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường. Bởi, như tôi thấy, trong khi tại các nước, trong đó có Hàn Quốc, sự thành công trong hoạt động bảo hiểm được bắt đầu từ sự hỗ trợ của Chính phủ, thì đây lại là những yếu tố còn hạn chế tại Việt Nam. Cụ thể, tại Hàn Quốc, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm năm 2011 lên tới 98%, và tất nhiên là nhờ có sự hỗ trợ không nhỏ từ Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc xác định rõ chính sách ưu đãi về thuế có ảnh hưởng đến sự gia tăng và phát triển của ngành bảo hiểm giai đoạn đầu. Các chi phí bảo hiểm cá nhân chi trả theo năm sẽ được trừ thuế, nhằm tăng lợi tức cho các khoản tích lũy từ bảo hiểm của người dân (người dân tham gia tích lũy bảo hiểm trên 10 năm, tiền lời từ khoản tích lũy đó sẽ không phải nộp thuế).
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã triển khai triệt để hình thức bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty BHNT Vietinbank Aviva: “Năng lượng từ ‘mỏ trầm tích’ bancassurance”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ra đời và phát triển từ khá lâu, nhưng tỷ trọng trên thị trường vẫn còn nhỏ so với nhu cầu của một đất nước hơn 90 triệu dân. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn để khai thác và vẫn còn cơ hội cho những DNBH mới. Sự đa dạng về thu nhập, ngành nghề, độ tuổi, sở thích của dân cư đòi hỏi các DNBH phải nắm bắt và thiết kế được những danh mục sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cơ hội sẽ dành cho những công ty khai thác đúng nhu cầu của thị trường. Rõ ràng, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất rộng mở, bao gồm cả thách thức lẫn cơ hội cho cả các DNBH. Có thể ví von, bancassurance của Việt Nam như những “mỏ trầm tích” thô và sâu, cần phải được khai phá. Thách thức đặt ra cho các DNBH là phải xây dựng được chiến lược nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi được bảo hiểm; phải hoàn thiện hệ thống đào tạo cũng như chất lượng phục vụ khách hàng để thực sự tạo ra sự tin tưởng của người dân; nhằm tạo ra xu thế trong tương lai.
Công ty BHNT Vietinbank Aviva cũng có chiến lược tạo ra những thị trường ngách và năng lực cốt lõi của mình. Trong đó, kênh phân  phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng bancassurance là lợi thế lớn của công ty.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm AAA: “Lạc quan với ‘may’ trong ‘rủi’”
Lạm phát không chỉ tác động giảm doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm, mà mảng đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị ảnh hưởng, bởi TTCK từ đầu năm tới nay vẫn ảm đạm, thị trường bất động sản “đóng băng” và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về bảo hiểm lại gia tăng. Nhìn lại bức tranh tăng trưởng của thị trường trong những năm qua: năm 2006, lạm phát 7,7%, bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16,78%; năm 2007, lạm phát 12,63%, bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng 28%; năm 2008, lạm phát tăng tới 22%, tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng đột biến 33,52%; năm 2010, lạm phát của Việt Nam là 11,5%, tăng trưởng của các DNBH phi nhân thọ là gần 25%, một tín hiệu lạc quan và đầy khởi sắc. Trong năm 2011, số lượng DNBH thua lỗ về nghiệp vụ ngày càng giảm; hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật sẽ hạ nhiệt. Nhiều DNBH đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu bằng mọi giá.
Cho dù năm 2011 còn nhiều khó khăn, nhưng với kết quả đạt được trong năm 2011 cùng với sự đồng lòng của toàn ngành bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn.