Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







5.30.2012

Vì sao doanh nghiệp xuất nhập khẩu chuộng bảo hiểm bên ngoài?

Cuối tuần qua, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp quản lý rủi ro bằng bảo hiểm cho doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Trong năm 2011, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam là trên 200 tỷ USD (xuất khẩu 96 tỷ USD, nhập khẩu trên 110 tỷ USD). Nhưng theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, phí bảo hiểm hàng hóa thu được chỉ đạt 1.100 tỷ đồng, tương đương với 50 triệu USD.

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF



“Số phí thu được quá khiêm tốn so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, chỉ chiếm 0,02%. Đây là sự thiệt thòi của nền kinh tế Việt Nam”, ông Lộc nói.

Trong hoạt động ngoại thương, điều khoản mua bảo hiểm là bắt buộc đối với các doanh nghiệp thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Nhưng lựa chọn của doanh nghiệp Việt Nam là mua bảo hiểm và thuê tàu ở nước ngoài.

Điều này được thể hiện rõ qua việc các thương nhân Việt Nam thường đàm phán nhập khẩu hàng hóa theo giá CIF, tức hàng hóa nhập khẩu đã bao gồm giá thành, phí bảo hiểm và phí vận chuyển từ nước ngoài. Ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu theo giá FOB, tức nhà nhập khẩu nước ngoại chịu trách nhiệm thuê và trả phí phương tiện vận tải.

Thống kê của Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam cũng cho thấy, chưa đến 30% số doanh nghiệp Việt Nam thực hiện xuất khẩu thực hiện theo giá CIF.

Chỉ có một số mặt hàng mà thế giới không bán bảo hiểm do rủi ro cao là hàng giao cân, giao hàng lẻ khi về Việt Nam do hao hụt thương mại, hao hụt tự nhiên thì doanh nghiệp mới mua bảo hiểm ở trong nước, như phân bón, thức ăn gia súc…

“Chính vì thế, phí bảo hiểm và phí vận tải trong nước bị thất thu. Điều này cho thấy, doanh nghiệp trong nước cần phải có những thay đổi lại tư duy và nhận thức”, ông Lộc nói. “Nhiều lần tôi có dịp nói chuyện với những nhà hoạt động xuất nhập khẩu, sinh viên các trường đại học đã nhấn mạnh rằng phải mua bảo hiểm và thuê tàu trong nước. Đây phải là một ý thức để phát triển nền kinh tế Việt Nam”.

Bà Vũ Hồng Vân, Giám đốc Bảo hiểm Hàng hải và tín dụng thương mại Chartis Việt Nam giải thích, việc ngại bán giá CIF của các doanh nghiệp Việt Nam là do khó tìm được một nhà vận chuyển quốc tế phù hợp và công ty bảo hiểm có mạng lưới rộng lớn theo yêu của nhà nhập khẩu nước ngoài. Trong khi đó, đội tàu của Việt Nam chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà các nhà xuất khẩu mong muốn, và cũng không nhận được hàng nhập khẩu về Việt Nam tại cảng mà nhà nhập khẩu trong nước cần nên doanh nghiệp không đàm phán phí chuyên chở.

Theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo, doanh nghiệp Việt Nam mua bảo hiểm ở nước ngoài khi xảy ra rủi ro rất khó đòi hỏi được bồi thường bảo hiểm. Nguyên do là doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài đòi hỏi giấy tờ, thủ tục với yêu cầu cao, khắt khe.

Đơn cử như chứng thư giám định phải là một tổ chức giám định độc lập, chứ không phải chứng thư giám định do doanh nghiệp cấp. Hay những giấy tờ cảng vụ tàu doanh nghiệp làm không đồng bộ, lệch nhau về ngày giờ, số liệu, số container, số chủng loại, mã hàng hóa cũng đủ bị từ chối bồi thường. Nhưng doanh nghiệp chọn mua bảo hiểm cho hàng hóa xuất nhập khẩu của đơn vị cung cấp bảo hiểm trong nước, nếu giấy tờ sai sẽ được sửa lại cho đúng dưới sự tư vấn của doanh nghiệp bảo hiểm.

Vì thế, mua bảo hiểm ở nước ngoài thì thế yếu thuộc về doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam. Còn mua bảo hiểm của các đơn vị kinh doanh bảo hiểm trong nước sẽ an toàn hơn do các doanh nghiệp chịu sự can thiệp của Luật Kinh doanh Bảo hiểm.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng chia sẻ với cộng đồng doanh nghiệp xuất nhập khẩu về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu theo chủ trương mới của Thủ tướng Chính phủ nhằm khuyến khích, động viên doanh nghiệp tìm được các khách lớn và thị trường mới và cạnh tranh được với thương nhân nước ngoài bằng biện pháp bán hàng trả chậm, tức là cung cấp tín dụng cho nhà nhập khẩu. Theo đó, nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp mua bảo hiểm tín dụng xuất khẩu 20% phí bảo hiểm, doanh nghiệp chỉ phải chi trả 80%.

Nguồn: VnEconomy

Át chủ bài của bảo hiểm nhân thọ

Đối với thị trường bảo hiểm nhân thọ, khách hàng chủ chốt vẫn là cá nhân. Bởi vậy, kênh phân phối qua đại lý vẫn chiếm ưu thế chủ đạo

Nhiều kênh phân phối được các công ty bảo hiểm nhân thọ (BHNT) sáng tạo và thực hiện, song với đặc thù của ngành, đại lý bảo hiểm vẫn là kênh quan trọng nhất và không thể thay thế. Trong đó, một số mô hình phát triển đại lý bước đầu đã thành công.
 
Vừa có chuyến khảo sát chất lượng đại lý tại một số công ty BHNT, ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, chia sẻ với Báo Người Lao Động.
* Phóng viên: Cơ hội  để phát triển ngành BHNT tại Việt Nam còn rất lớn, trong đó, yếu tố quyết định quan trọng nhất là đội ngũ đại lý bảo hiểm. Vậy trong chiến lược phát triển ngành, chúng ta có định hướng nâng cao chất lượng đại lý bảo hiểm ra sao, thưa ông?
Chính vì thế những năm gần đây, chính Bộ Tài chính kiểm soát chất lượng việc thi tuyển và cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Sắp tới, khi thực hiện Luật Sửa đổi Bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm còn giúp chuẩn hóa hơn nữa chất lượng đội ngũ đại lý: Sẽ có những quy chuẩn khác nhau dành cho đại lý bảo hiểm cơ bản và đại lý bảo hiểm chuyên sâu.
Để khớp với các quy định của bộ, từng doanh nghiệp bảo hiểm cũng phải chuẩn hóa lực lượng đại lý của mình bởi chất lượng đại lý ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của từng doanh nghiệp. Có những doanh nghiệp chọn con đường riêng để nâng tầm các đại lý của mình, như AIA Việt Nam là một ví dụ. Họ duy trì và phát triển CLB Bàn tròn Triệu đô (MDRT).
Ngay từ năm 2005, họ đã tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm cho hơn 600 thành viên MDRT của khu vực châu Á mà tôi được tham dự. Đó là một việc làm rất tốt. Chiến lược mới nhất của AIA về kênh phân phối là tập trung phát triển đội ngũ đại lý ngoại hạng, những người có chất lượng chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.  Tôi rất tán thành việc xây dựng lực lượng đại lý này thành chuẩn mực và là tấm gương tạo ra sự khao khát cho các đại lý khác phát triển nghề nghiệp.
* Cách làm việc của nhiều doanh nghiệp khiến chúng tôi nghĩ rằng ai cũng có thể trở thành đại lý bảo hiểm chỉ sau 5-6 buổi đào tạo, để rồi sau đó rất nhiều người trong số họ bỏ cuộc. Ông nhìn nhận tình trạng này dẫn tới bất cập gì và cần được khắc phục ra sao trong thời gian tới?
- Nhìn vào lợi ích trước mắt, số lượng đại lý bảo hiểm lớn có thể đem lại nguồn doanh thu cho các công ty ngay lập tức nhưng về lâu dài, chúng ta cần xem doanh thu này có ổn định không, khả năng tham gia của khách hàng có lâu dài hay hợp đồng có bị chấm dứt giữa chừng hay không.
Tôi đã hỏi rất nhiều đại lý bảo hiểm và rất nhiều người cho biết vẫn còn cảm thấy tự ti khi phải thừa nhận họ là đại lý bảo hiểm vì họ cảm thấy công việc này thấp kém. Suy nghĩ này rất sai lầm vì đại lý bảo hiểm là nghề rất cao quý, bảo hiểm giúp khách hàng được bảo vệ về tài chính trước những bất trắc khó lường của cuộc sống. Tôi cho rằng giáo dục lại nhận thức của các đại lý về lòng yêu nghề là trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm và tôi hy vọng AIA Việt Nam thành công với quyết tâm này.
* Mỗi doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phân phối sản phẩm, tiếp cận khách hàng khác nhau và xây dựng đội ngũ kinh doanh bảo hiểm khác nhau. Theo ông, đâu là mô hình tối ưu?
- Nghề đại lý bảo hiểm đòi hỏi người đại lý phải có trình độ nhất định, phải hiểu biết sản phẩm thấu đáo và có khả năng thuyết phục khách hàng cao. Tuy nhiên, mỗi đại lý có thể có những khiếm khuyết nhất định,  vì thế doanh nghiệp cần đào tạo, lấp đầy các khoảng trống chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng cần thiết cho đại lý, quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho đại lý. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần tạo cơ hội đem lại thu nhập cao cho đại lý thì mới mong hấp dẫn được người lao động.
Các công ty bảo hiểm cần xây dựng và đào tạo lực lượng đại lý một cách bài bản để thay đổi hình ảnh còn hạn chế về đại lý BHNT hiện nay thành hình ảnh người đại lý trang trọng, giỏi thuyết trình, có kiến thức, có tâm huyết… Điều này sẽ kích thích sự trân trọng của khách hàng đối với đại lý bảo hiểm và chính các đại lý bảo hiểm cũng trân trọng nghề nghiệp mà mình đang theo đuổi.
Bài và ảnh: Lệ Hằng (Người Lao Động)

5.26.2012

Tổng hợp ý kiến của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các Doanh nghiệp Bảo hiểm về dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 123, 124



1.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP  
1.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung được sửa đổi bổ sung tại điều 2a (đối tượng không tính thuế GTGT) đã được ghi rõ ràng, cụ thể hơn trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động bảo hiểm như thuê chuyên gia tại nước ngoài tư vấn xây dựng sản phẩm bảo hiểm, quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm, đánh giá rủi ro và tính phí bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, giám định tổn thất và bồi thường tổn thất (xảy ra ở nước ngoài và cho người nước ngoài và cho người nước ngoài), sửa chữa máy bay tàu biển, thậm chí sửa chữa một số chi tiết linh kiện phụ tùng ở nước ngoài...
1.2.        Đề nghị bổ sung điều 2a trường hợp sau:
¾         DNBH gốc nước ngoài nhận hoa hồng tái bảo hiểm từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trong nước và ngược lại, không nên cho rằng hoa hồng nhượng tái bảo hiểm là doanh thu. Thực chất đây là hoàn trả một phần chi phí khai thác bảo hiểm (chi phí cho nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng môi giới bảo hiểm, hoa hồng đại lý bảo hiểm, văn phòng phẩm, chi phí bưu chính viễn thông... của DNBH gốc đã chi đã nộp VAT được cấu thành nên phí bảo hiểm gốc sau nhượng tái bảo hiểm một phần phí bảo hiểm gốc cho nhà nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước).
¾         Tiền bồi thường của nhà nhận tái bảo hiểm cho DNBH gốc không phải là doanh thu vì phải trả cho người tham gia bảo hiểm bị tổn thất. Đây là thực hiện cam kết của nhà nhận tái bảo hiểm chia sẻ rủi ro cùng gánh vác trách nhiệm bồi thường cho tổn thất xảy ra đối với bảo hiểm gốc.
¾         Đề nghị bổ sung điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Doanh nghiệp chỉ thực hiện duy nhất dịch vụ đại lý bảo hiểm nhân thọ (tổng đại lý, ngân hàng và các doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ) là đối tượng không chịu thuế GTGT.”
¾         Đề nghị thêm vào điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Hàng hoá, dịch vụ DNBH nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm nhân thọ là đối tượng không chịu thuế GTGT.” Khách hàng tham gia bảo hiểm được xem là tiếp tục khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm (chi phí lưu thông đi kèm với bán sản phẩm bảo hiểm) tiếp tục khâu sản xuất kinh doanh đã nộp thuế GTGT khi mua hàng không được hoàn thuế nên không chịu thuế GTGT khi xuất kho cho công việc nói trên
¾         Tại mục các trường hợp không phải tính thuế GTGT (Điều 2a, điểm 2): đề nghị bổ sung trường hợp khách hàng nhận bồi thường bằng tiền từ DNBH khi không tiến hành sửa chữa, thay thế.
1.3.        Tại Điểm 6, Điều 15 Thông tư 153/2010/TT-BTC về hóa đơn có quy định "Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hoá đơn ủy nhiệm". Đề nghị thêm vào phần Hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ: “Bên nhận ủy nhiệm không phải báo cáo sử dụng các hóa đơn ủy nhiệm.” Đây là thủ tục không cần thiết vì cơ quan thuế của bên nhận ủy nhiệm không có thu thuế và bên ủy nhiệm đã báo cáo các hóa đơn này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp rồi.  Quy định này chỉ làm phức tạp thêm thủ tục thuế mà thực tế không có mục đích sử dụng đối với cơ quan thuế quản lý đơn vị nhận ủy nhiệm.  
1.4.        Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật trên.
Có 2 vấn đề cần quan tâm với việc đánh thuế GTGT đối với DNBH hoạt động tại nước ngoài bán bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam và chi nhánh DNBH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (tổ chức có kinh doanh nhưng không phải là một pháp nhân đầy đủ).
Với giác độ là người tiêu dùng (người tham gia bảo hiểm) có nhu cầu về dịch vụ bảo hiểm và mua bảo hiểm là người Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam khi mua bảo hiểm của DNBH đang hoạt động ở nước ngoài hoặc chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam thì họ vẫn phải nộp thuế GTGT tại Việt Nam.
Đánh thuế GTGT như trên sẽ đảm bảo quyền và lợi ích cho các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài). Nếu 2 đối tượng này không phải nộp thuế GTGT thì tạo ra lợi thế cạnh tranh với DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, phí bảo hiểm của họ ít nhất sẽ thấp hơn 10% vì không có thuế GTGT.
2.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP
2.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định thể hiện được tinh thần vừa đảm bảo nguồn thu, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa sát với đặc thù của một số ngành, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm về thuế nhà thầu đối với tái bảo hiểm ra nước ngoài 0,1% doanh thu chịu thuế thay cho 2% như quy định hiện hành. Hoạt động tái bảo hiểm có đặc thù riêng, hàng năm DNBH gốc tại Việt Nam ký hợp đồng tái bảo hiểm cho DNBH nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm gốc sẽ phát sinh trong cả một năm sau nhằm chia sẻ gánh nặng bồi thường nếu tổn thất xảy ra cho DNBH gốc và xác định mức trách nhiệm cao nhất (số tiền bảo hiểm) mà DNBH gốc được ký kết trong phạm vi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài (nếu vượt quá số này DNBH gốc phải tự gánh chịu bồi thường). Trên cơ sở có hợp đồng tái bảo hiểm ra nước ngoài làm chỗ dựa vững chắc, các DNBH gốc tại Việt Nam sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm gốc với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại Việt Nam số tiền bảo hiểm lớn có đối tượng được bảo hiểm đến hàng chục triệu USD hoặc lớn hơn nữa thì được thu xếp bằng hợp đồng tái bảo hiểm khác. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định DNBH chỉ được giữ lại mức tối đa bằng 10% vốn chủ sở hữu (theo Luật quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định 300 tỷ đ). Như vậy với công trình, đối tượng bảo hiểm có giá trị trên 30 tỷ đồng đều phải tái bảo hiểm (thực tế các DNBH Việt Nam tiềm lực tài chính có hạn nên chỉ giữ lại ở mức 300.000 USD đến 1.000.000 USD). Như vậy tái bảo hiểm là nhu cầu cần thiết không thể thiếu được của thị trường bảo hiểm. Nhưng đa số các tài sản ở mức không phải tái bảo hiểm. Các tài sản, đối tượng có giá trị lớn phải tái bảo hiểm thì trước hết là tái bảo hiểm trong nước sau đó mới tái ra nước ngoài (15%-20% phí bảo hiểm toàn thị trường). Các DNBH nhận tái bảo hiểm nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài hầu hết thuộc diện nước có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam nên thực ra nguồn thu không nhiều. Song để làm thủ tục miễn thuế quá phức tạp, ngoài hợp đồng tái bảo hiểm còn hợp đồng bảo hiểm gốc và các thủ tục buộc nhà nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài phải có nên khó thực hiện. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài không hiểu chính sách thuế này của Việt Nam (vì nước họ không đánh loại thuế này) nên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gây khó dễ hoặc ngại nhận tái bảo hiểm cho Việt Nam gây khó khăn cho khâu tái bảo hiểm ra nước ngoài. Vì vậy thực chất đánh thuế nhà thầu tái bảo hiểm ra nước ngoài là gánh nặng cho DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, làm tăng chi phí bảo hiểm cho người dân và tổ chức tại Việt Nam có nhu cầu mua bảo hiểm. Nếu đánh thuế 0,1% chắc chắn sẽ tháo gỡ khó khăn trên cho thị trường bảo hiểm, DNBH sẽ kê khai đóng thuế thay cho việc bỏ thêm chi phí phô tô công chứng và trả lương cho người làm công tác kê khai để hưởng chính sách miễn giảm thuế.
2.2.        Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Điều 3 Nghị định 124/2008/NĐ-CP về thu nhập chịu thuế, trong đó “thu nhập khác” có bao gồm quy định mới về: “Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán từ 3 năm trở lên nhưng chưa phải trả chủ nợ” (điểm h). Song Dự thảo lại không quy định trường hợp sau này nếu xác định được chủ nợ hay sau 3 năm chủ nợ lại yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ phải trả đó, thì các khoản nợ được thanh toán này sẽ được tính lại như thế nào. Đề nghị nên bổ sung quy định: “các khoản nợ phải trả này sau khi đã đưa vào thu nhập khác và chịu thuế TNDN, nếu xác định được chủ nợ hay chủ nợ có yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp đã thanh toán, thì được tính lại vào khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.
2.3.        Các sản phẩm hàng hóa khác được thực hiện khuyến mãi giảm giá để khuyến khích tiêu thụ trong khi đó sản phẩm bảo hiểm lại không được thực hiện khuyến mãi giảm giá. Đề nghị thêm vào Điều 1.2 phần Doanh thu tính thuế: “giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng của sản phẩm bảo hiểm”.  Nếu cần thiết thì quy định các công ty bảo hiểm phải đăng ký chương trình khuyến mãi theo hình thức giảm giá với Bộ Tài Chính để kiểm soát.
2.4.        Dịch vụ bảo hiểm y tế tại Việt Nam chưa phù hợp tiêu chuẩn đối với người lao động nước ngoài.  Do vậy, doanh nghiệp phải mua bảo hiểm y tế ở nước ngoài cho đối tượng này nhưng lại không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế cho dù đã có ghi rõ trong hợp đồng lao động. Đề nghị thêm vào Điều 1.6 phần Các khoản chi được trừ và không được trừ: cho tính trừ vào thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm y tế của người nước ngoài và có quy định trên Luật lao động việc mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài.
2.5.        Khoản 3 Điều 6 đề nghị bổ sung:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng, việc xác định thu nhập chịu thuế đối với một số hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định như sau:
a)     Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại điểm b khoản này) được xác định bằng tổng số tiền thu theo hợp đồng chuyển nhượng trừ (-) giá mua phần vốn được chuyển nhượng, trừ (-) chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng;
2.6.        Đề nghị bổ sung tương tự trong điều 13:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản khác gắn liền với đất đai”.
2.7.        Các khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho thời gian người lao động đã được đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được xem là chi phí hợp lý và được khấu trừ doanh thu khi tính thu nhập chịu thuế, ngoại trừ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/2009 và chưa được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm thì vẫn được được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
2.8.        Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính về việc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có ý kiến cho rằng để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế TNDN tại Việt Nam nên phải nâng tỷ lệ thuế nhà thầu khấu trừ tại nguồn theo %/ doanh thu đối với dịch vụ mua của nhà thầu nước ngoài. Theo đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã đề nghị tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua ngoài là 10% trên doanh thu thay thế tỷ lệ quy định tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP là 5% trên doanh thu. Chúng tôi nhận thấy mức tăng của thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài theo dự thảo Nghị định là quá cao, điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vì thông thường nhà thầu nước ngoài sẽ yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chịu khoản thuế nhà thầu này. Hơn nữa, việc tăng tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và hệ quả là có thể sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, thay vì chỉ sử dụng biện pháp tăng mức thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài từ 5% lên thành 10%, Bộ Tài chính nên xem xét chỉ cần tăng lên mức 7% trên doanh thu đồng thời kết hợp các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá như Bộ Tài chính đã nêu trong dự thảo Tờ trình. Ngoài ra, đề nghị đối với các dịch vụ mà các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ thuế nhà thầu là 5%.
2.9.        Hoa hồng của nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài trả cho DNBH gốc thực chất là hoàn trả chi phí cho DNBH gốc đã bỏ ra chi phí khai thác bảo hiểm (trả nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, chi phí giao dịch khác). Vì vậy đây không nên coi là khoản doanh thu mà chỉ nên cho vào giảm trừ chi phí.
2.10.     Tương tự như trên, hoa hồng nhận tái bảo hiểm của DNBH gốc nước ngoài được hưởng khi tái bảo hiểm sang Việt Nam cũng nên coi là giảm trừ chi phí.
Nguồn: Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

5.18.2012

Tổng quan thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2011

I. TỔNG QUAN NỀN KINH TẾ XÃ HỘI TÁC ĐỘNG ĐẾN BẢO HIỂM
Năm 2011 nền kinh tế xã hội Việt Nam gặp nhiều khó khăn do lạm phát cao và ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng vẫn đảm bảo tăng trưởng GDP 5,89%, trong đó nông lâm ngư nghiệp tăng 4%, công nghiệp và xây dựng tăng 5,53%, dịch vụ tăng 6,99%. Đầu tư toàn xã hội 877,9 nghìn tỉ đồng tăng 5,7% bằng 34,6% GDP, thu ngân sách 674,5 nghìn tỉ đồng tăng 20,6%, dư nợ tín dụng tăng 12%, xuất khẩu đạt 96,3 tỉ USD tăng 33,3%, nhập khẩu đạt 105,8 tỉ đồng tăng 24,7%, FDI đạt 11 tỉ USD. Đó là điều kiện thuận lợi để tăng nhu cầu bảo hiểm tác động tới sự phát triển của thị trường bảo hiểm. Song những khó khăn thách thức tác động tới ngành bảo hiểm không nhỏ. Chỉ số giá cả tăng 18,13% trong đó giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu có nhóm tăng từ 50% đến 100% ảnh hưởng đời sống xã hội làm giảm số tiền tiết kiệm trong dân cư, giảm khả năng tham gia bảo hiểm hoặc duy trì hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đối với người trước đây có thu nhập trung bình trở xuống, làm tăng chi phí bồi thường của bảo hiểm phi nhân thọ. Năm 2011 Nghị quyết của Chính phủ thực hiện thắt chặt tín dụng, thắt chặt chi tiêu và đầu tư công đã giảm nhu cầu bảo hiểm tài sản, xây dựng lắp đặt và tài sản mới mua.
Giá vàng tăng 24,6% cũng làm giao động tâm lý của người tham gia bảo hiểm. Thị trường chứng khoán, bất động sản ảm đạm làm giảm cơ hội đầu tư sinh lời của các doanh nghiệp bảo hiểm, thậm chí gây khó khăn vì phải trích lập dự phòng giảm giá đầu tư tương đối lớn. Trong khó khăn người dân đã biết tiết kiệm để lo cho tương lai có thể gặp khó khăn tương tự. Thị trường tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp hơn chỉ số lạm phát, thị trường bất động sản, chứng khoán ảm đạm thu nhập kênh đầu tư của người có tiền nhàn rỗi, chính vì vậy tạo tiền đề cho bảo hiểm nhân thọ phát triển.
Năm 2011, chế độ quản lý Nhà nước được hoàn thiện hơn một bước với việc ban hành Nghị định 123 hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm và sửa đổi Nghị định 45, Nghị định 46/2007. Nhà nước triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, ban hành quy định về bảo hiểm trách nhiệm cơ sở khai thác sử dụng chất phóng xạ hạt nhân tạo điều kiện thuận lợi cho ngành bảo hiểm phát triển trên lĩnh vực bảo hiểm phi tài sản.
II. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM PHI NHÂN THỌ
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt doanh thu 20.497 tỉ đồng trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam đạt doanh thu 18.484 tỉ đồng tăng trưởng 17,56%, các doanh nghiệp bảo hiểm có vốn nước ngoài đạt doanh thu 2.013 tỉ đồng tăng trưởng 55,23%. Các nghiệp vụ đều tăng trưởng trong đó bảo hiểm nông nghiệp tăng 193%, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính tăng 87%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển tăng 43%, bảo hiểm thiệt hại kinh doanh tăng 37%, bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người tăng 34%.
Dẫn đầu là bảo hiểm xe cơ giới đạt 6.134 tỉ đồng tăng trưởng 13%, bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt 5.034 tỉ đồng tăng trưởng 24%, bảo hiểm sức khỏe đạt 3.323 tỉ đồng tăng trưởng 34%, bảo hiểm tàu thủy đạt 1.850 tỉ đồng tăng trưởng 1%, bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt 1.783 tỉ đồng tăng trưởng 43%.
Dẫn đầu doanh thu khai thác bảo hiểm gốc là Bảo Việt 4.900 tỉ đồng, PVI 4.228 tỉ đồng, Bảo Minh 2.140 tỉ đồng, PJICO 1.852 tỉ đồng, PTI 1.095 tỉ đồng.
Các doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu cao là Samsung Vina 105%, Groupama 93%, Xuân Thành 79%, PTI 61%, Fubon 53%, Hùng Vương 52%.
Đã giải quyết bồi thường bảo hiểm gốc 8.445 tỉ đồng trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam là 7.765 tỉ đồng tỉ lệ bồi thường 42%, doanh nghiệp có vốn nước ngoài 680 tỉ đồng tỉ lệ bồi thường 33%. Tỉ lệ bồi thường cao là bảo hiểm cháy nổ 68%, bảo hiểm tàu thủy 57%, bảo hiểm hàng không 54%, bảo hiểm xe cơ giới 51%, bảo hiểm sức khỏe 43%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao là Bảo Minh 57%, BIC 56%, Bảo Long 52%, Liberty 54%, Baoviet Tokyo Marine 50%, Hàng Không 44%, Phú Hưng 42%.
1. Bảo hiểm xe cơ giới
Bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 6.134 tỉ đồng tăng trưởng 13%, đã giải quyết bồi thường 3.188 tỉ đồng, tỉ lệ đã trả bồi thường 51%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 1.515 tỉ đồng, PJICO 910 tỉ đồng, PVI 566 tỉ đồng, Bảo Minh 565 tỉ đồng, PTI 524 tỉ đồng. Tỉ lệ đã trả bồi thường có rủi ro cao là Phú Hưng 308%, Bảo Long 72%, ABIC 65%, AAA 59%, Hàng Không 55%.
Bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới đạt doanh thu 1.188 tỉ đồng. Dẫn đầu là Bảo Việt 325 tỉ đồng, Pjico 244 tỉ đồng, Bảo Minh 188 tỉ đồng, PTI 131 tỉ đồng. Tổng số tiền đã bồi thường 3.188 tỉ đồng, tỉ lệ đã bồi thường 51%. Các DNBH có tỉ lệ bồi thường cao là Phú Hưng 661%, MSIG 77%, UIC 85%.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt đào tạo 2 lớp giám định hiện trường, xử lý tai nạn, thu thập phân tích hồ sơ tai nạn cho 250 cán bộ bảo hiểm. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã phát triển trung tâm phục vụ chăm sóc khách hàng 24h/ 7 ngày trong tuần. Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới có nhiều hoạt động tuyên truyền, tài trợ đầu tư công trình đề phòng hạn chế tổn thất, hỗ trợ nhân đạo, xây dựng cơ sở dữ liệu để thúc đẩy thị trường phát triển.
Tuy nhiên, Bảo hiểm xe cơ giới còn một số tồn tại: chưa quản lý chặt chẽ ấn chỉ về ghi đủ nội dung trên GCNBH, còn cạnh tranh bằng hạ phí không tương xứng với rủi ro hoặc tăng hoa hồng đại lý bằng chính sách trợ giúp kinh phí. Hiện tượng trục lợi bảo hiểm đã có dấu hiệu tăng cần kiểm soát chặt chẽ hơn nữa.
2. Bảo hiểm tài sản kỹ thuật
Bảo hiểm tài sản thiệt hại đạt doanh thu 5.034 tỉ đồng tăng trưởng 24%. Các doanh nghiệp doanh thu cao là PVI 2.218 tỉ đồng, Bảo Việt 379 tỉ đồng, Bảo Minh 242 tỉ đồng, BIC 186 tỉ đồng, PTI 165 tỉ đồng. Đã giải quyết bồi thường gốc là 949 tỉ đồng, tỉ lệ đã bồi thường 18%. Các DNBH có tỉ lệ đã bồi thường cao là Baoviet Tokyo Marine 131%, BIC 45%, AAA 37%.
Nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và thiệt hại tính chung toàn thị trường 3 năm liền đã rơi vào tình trạng có tỉ lệ bồi thường (kể cả khiếu nại chưa giải quyết) xấp xỉ 100%. Những khuyến cáo được Hiệp hội đưa ra chưa tác động nhiều với doanh nghiệp bảo hiểm.
Bảo hiểm tài sản kỹ thuật bị ảnh hưởng nhiều của chính sách cắt giảm tín dụng, đầu tư công và giảm FDI. Các công trình xây dựng lắp đặt đa số tiến hành đấu thầu chọn doanh nghiệp bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh bằng hạ phí có trường hợp bằng 1/5 tổng dự toán cho công trình. Hiện tượng mở rộng điều khoản bảo hiểm sang cả lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới, tai nạn con người. Việc không tăng phí để giành giật dịch vụ vẫn chưa được khắc phục. Hiệp hội đã đưa ra cảnh báo Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu hàng đầu thế giới đẫn đến bảo hiểm xây dựng lắp đặt nhiều năm qua có tỉ lệ bồi thường (đã giải quyết và dự phòng bồi thường) lên tới trên 100%.
3. Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người
Bảo hiểm sức khỏe và tai nạn con người đạt doanh thu 3.323 tỉ đồng, tăng trưởng 34%. Dẫn đầu doanh thu là Bảo Việt 1.372 tỉ đồng, Bảo Minh 627 tỉ đồng, PVI 209 tỉ đồng, PTI 184 tỉ đồng, PJICO 160 tỉ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường 1.431 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 43%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao là Bảo Long 90%, Fubon 63%, Hàng Không 57%, Hùng Vương 54%, PJICO 47%. Nhiều doanh nghiệp đã chú trọng và thành công trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm mới có quyền lợi về chăm sóc y tế, thương tật, tử vong cao hơn hấp dẫn với đối tượng khách hàng có thu nhập cao. Nhiều sản phẩm bảo hiểm sức khỏe được các doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra thị trường hấp dẫn với nhu cầu xã hội.
Hiện tượng trục lợi bảo hiểm đang đặt cho các doanh nghiệp bảo hiểm phải có biện pháp quản lý chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời. Do thiếu việc làm nhiều người lao động mua bảo hiểm theo mức trách nhiệm khoán bồi thường theo số ngày nằm viện không quá 60 ngày / năm đã tranh thủ làm thủ tục nhập viện tại cơ sở điều trị quen biết để hưởng lợi bảo hiểm. Nhiều người mua bảo hiểm chăm sóc y tế chế độ cao đã trục lợi bảo hiểm bằng cách cho mượn thẻ khám chữa bệnh, thân quen y bác sĩ để có được hóa đơn điều trị thuốc men (kể cả thuốc bổ, thực phẩm chức năng, chăm sóc sắc đẹp) để đòi tiền bảo hiểm
4. Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu
Bảo hiểm thân tàu và TNDS chủ tàu đạt doanh thu 1.850 tỉ đồng, tăng trưởng 1%.. Các DNBH dẫn đầu về doanh thu gồm PVI 559 tỉ đồng, Bảo Việt 548 tỉ đồng, PJICO 235 tỉ đồng, Bảo Minh 224 tỉ đồng. Số tiền đã bồi thường 1.068 tỉ đồng, chiếm 57%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao là BIC 158%, Bảo Minh 87%, Bảo Long 77%, Bảo Việt 56%, PJICO 45%.
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã hợp tác đàm phán với Hội chủ tàu P&I quốc tế bảo vệ quyền lợi cho chủ tàu Việt Nam.
11 năm liên tiếp nghiệp vụ bảo hiểm tàu thủy có số tiền phải bồi thường lớn hơn doanh thu phí bảo hiểm, 4 năm liên tiếp các tổn thất lớn xảy ra vào tháng 11 và 12 được coi là mưa thuận gió hòa do biến đổi khí hậu. Hiện tượng nợ phí của chủ tàu đã lên một con số lớn tăng gánh nặng cho các doanh nghiệp bảo hiểm. song các doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng đón nhận những chủ tàu còn nợ phí của doanh nghiệp bảo hiểm khác, có lịch sử tổn thất nhiều thậm chí còn hạ phí hoặc tiếp tục cho nợ phí để giành giật khách hàng. Những khuyến cáo về việc mượn bằng cấp chuyên môn của thuyền bộ, không đủ trang thiết bị, biên chế thuyền bộ, mất an ninh an toàn hàng hải đưa ra cảnh báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm.
5. Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản
Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro tài sản đạt doanh thu 1.723 tỉ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ năm trước. Dẫn đầu doanh thu gồm PVI 450 tỉ đồng, Bảo Việt 354 tỉ đồng, Bảo Minh 292 tỉ đồng, PJICO 156 tỉ đồng, Samsung Vina 119 tỉ đồng. Số tiền đã giải quyết bồi thường 940 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 54%. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao gồm Bảo Long 579%, PTI 384%, Phú Hưng 126%, Bảo Minh 117%, UIC 94%.
Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc đạt doanh thu 1.020 tỉ đồng, dẫn đầu là Bảo Minh 326 tỉ đồng, Pjico 154 tỉ đồng, Bảo Việt 90 tỉ đồng, PVI 51 tỉ đồng. Bồi thường toàn thị trường 248 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 24%. DNBH có tỉ lệ bồi thường cao UIC 167%, Bảo Ngân 80%, Toàn Cầu 69%, Bảo Long 62%.
Những khuyến cáo về cơ sở ngành hàng có nguy cơ cháy nổ cao đi liền với bảo hiểm gián đoạn kinh doanh mà Hiệp hội đưa ra chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Nhiều đối tượng bảo hiểm thuộc diện mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc nhưng không được cấp giấy chứng nhận an toàn PCCC đã chuyển sang mua bảo hiểm tự nguyện để hưởng phí bảo hiểm thấp hơn. Nhiều khách hàng chỉ bảo hiểm cho công trình xây dựng, không mua bảo hiểm cho giá trị nội thất hoặc hàng hóa vật tư chứa đựng bên trong. Nguy cơ cháy nổ ngày càng cao đối với một số cơ sở sản xuất kinh doanh do thiếu mặt bằng, chứa đựng cả nguyên vật liệu thành phẩm, bán thành phẩm ngay tại xưởng sản xuất. Kết quả giám định của cơ quan PCCC là cháy do chập điện chưa điều tra đến cùng tại sao lại chập điện có lỗi của chủ cơ sở hay không nên gây khó khăn cho doanh nghiệp bảo hiểm khi giải quyết bồi thường. Tranh chấp về không đóng phí bảo hiểm chỉ khi xảy ra cháy mới chuyển tiền đóng phí qua ngân hàng làm phát sinh nhiều vụ kiện tụng chi trả tiền bảo hiểm. Một số ngành hàng có tổn thất cháy nổ cao như gỗ, dệt may, giày dép, nhựa, hóa chất, công trình xây dựng đang ở giai đoạn hoàn thiện chưa lắp đặt thiết bị PCCC. Bảo hiểm cháy nổ cho chung cư và cho rủi ro cao ít có doanh nghiệp bảo hiểm vào cuộc, bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho resort cũng là tiềm năng tổn thất lớn ngay cả những rủi ro thiên tai thông thường. Các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp nhau cùng tổ chức giám định chung cho lô hàng cùng một chủ bán hàng để xác định tổn thất và phối hợp nếu cần thiết bắt giữ tái đòi bồi thường.
6. Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển
Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển đạt doanh thu 1.783 tỉ đồng, tăng 43% phù hợp với tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Các DNBH có doanh thu cao gồm Bảo Việt 393 tỉ đồng, Samsung Vina 231 tỉ đồng, PJICO 195 tỉ đồng, PVI 177 tỉ đồng, Bảo Minh 133 tỉ đồng. Tỉ lệ đã bồi thường chiếm 26% tương đương 474 tỉ đồng. Các doanh nghiệp có tỉ lệ đã bồi thường cao gồm BIC 92%, Bảo Long 54%, Bảo Ngân 49%.
Hiệp hội đang tiếp tục đàm phán tái tục hợp đồng với tổ chức Lloyd’MIU phục vụ 7 doanh nghiệp tham gia để kiểm tra thông tin cũng như lịch sử tàu để quản lý rủi ro và tư vấn cho khách hàng.
Những khuyến cáo về quản lý rủi ro phí bảo hiểm do Hiệp hội đưa ra chưa được nhiều doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện.
Hiện tượng mất hàng trong các container còn nguyên kẹp chì do trộm cắp tinh vi mất cả thanh phôi thép nặng gần 2 tấn, tổn thất đối với hàng xá, hàng bao vượt mức khấu trừ đã được khuyến cáo. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm còn chưa thu phí tàu già, chưa giám định hầm tàu khi chuẩn bị xếp hàng theo khuyến cáo của Hiệp hội.
7. Các sản phẩm bảo hiểm khác
Bảo hiểm hàng không đạt doanh thu 581 tỉ đồng, tăng 11%, đã bồi thường 316 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 54%,
Bảo hiểm gián đoạn kinh doanh đạt doanh thu 52 tỉ đồng, tăng 37%, đã bồi thường 19 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 36%,
Bảo hiểm trách nhiệm chung đạt doanh thu 437 tỉ đồng, tăng 8%, đã bồi thường 28 tỉ đồng, tỉ lệ bồi thường 6%,
8. Đánh giá chung
Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ vẫn tiếp tục phát triển nhưng cạnh tranh gay gắt. Cạnh tranh bằng hạ phí mở rộng điều khoản điều kiện bảo hiểm để giành giật khách không tương xứng với rủi ro chấp nhận bảo hiểm đã làm cho nhiều DNBH nhiều năm liên tục thua lỗ về kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm. Hiệp hội cùng các doanh nghiệp bảo hiểm đang xây dựng biểu phí cơ bản cho nhóm đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao để cảnh báo cho các doanh nghiệp bảo hiểm khi định phí bảo hiểm
Ngoài ra, Hiệp hội cùng các doanh nghiệp bảo hiểm đang triển khai chương trình xây dựng hệ thống thông tin quản lý rủi ro đối với khách hàng, đối tượng bảo hiểm có rủi ro cao: không nộp đủ phí, đã từng trục lợi bảo hiểm, có số lần tổn thất hoặc số tiền bồi thường cao trong thời gian qua.
III. THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NHÂN THỌ
Khó khăn chung của nền kinh tế năm 2011 cũng tác động tới xu hướng khai thác của các sản phẩm bảo hiểm. Sản phẩm bảo hiểm tử kỳ mang tính bảo vệ đơn thuần với chi phí hợp lý và bảo hiểm liên kết đầu tư (chủ yếu là sản phẩm liên kết chung) có phí linh hoạt hoặc các sản phẩm có mệnh giá cao hẳn là những nét chính trong hoạt động khai thác bảo hiểm nhân thọ trong năm 2011.
1. Số lượng hợp đồng bảo hiểm:
Số lượng khai thác mới đạt 880.928 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 7%, trong đó Prudential 331.725 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ 140.019 hợp đồng và Manulife 95.394 hợp đồng.
Cơ cấu số lượng hợp đồng khai thác mới: bảo hiểm hỗn hợp 41,3%; bảo hiểm tử kỳ 31,9%; bảo hiểm đầu tư 26%; bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ và sản phẩm bảo hiểm trả tiền định kỳ 0,7%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, tỉ trọng sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp trong khai thác mới có xu hướng giảm xuống, nhường chỗ cho hai dòng sản phẩm khác là sản phẩm tử kỳ và sản phẩm đầu tư (chủ yếu là sản phẩm liên kết chung).
Số lượng khôi phục hiệu lực trong năm là 84.538 hợp đồng tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Prudential: 78.072 hợp đồng, Dai-ichi 3.403 hợp đồng và AIA 1.244 hợp đồng. Nhóm sản phẩm khôi phục nhiều nhất là: Sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp và sản phẩm tử kỳ.
Số lượng hết hiệu lực trong kỳ là 715.996 hợp đồng (sản phẩm chính) tăng 12%, trong đó Prudential 294.668 hợp đồng, Bảo Việt Nhân thọ 206.361 hợp đồng và Manulife 83.296 hợp đồng
Nhóm sản phẩm hết hiệu lực nhiều nhất gồm bảo hiểm hỗn hợp chiếm 485.638 hợp đồng, bảo hiểm tử kỳ 171.114 hợp đồng, bảo hiểm đầu tư 50.551 hợp đồng.
Tổng số lượng có hiệu lực cuối kỳ là 4.459.771 hợp đồng (sản phẩm chính), tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó Prudential 1.923.571, Bảo Việt Nhân thọ 1.274.459 hợp đồng và Manulife 355.745 hợp đồng.
2. Số tiền bảo hiểm:
Tổng mức trách nhiệm mà các DNBH Nhân thọ đang nắm giữ là 465 nghìn tỉ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm ngoái trong đó mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 343 nghìn tỉ đồng tăng 35%, mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 122 nghìn tỉ đồng tăng 7%. Sản phẩm bảo hiểm có mức trách nhiệm cao nhất là sản phẩm đầu tư với 169 ngàn tỉ.
Các doanh nghiệp có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường bảo hiểm là: Prudential 139 ngàn tỉ, Dai-ichi Life và ACE Life là 72,5 ngàn tỉ đồng và AIA là 66 ngàn tỉ.
3. Phí bảo hiểm:
Phí bảo hiểm định kỳ năm đầu trong năm 2011 đạt 4.565 tỉ đồng tăng 23,5%, phí bảo hiểm đóng một lần là 52 tỉ đồng tăng 2,7%. Tổng phí khai thác mới trong năm đạt 4.617 tỉ đồng tăng 23%, trong đó Prudential 1.313 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ 1.030 tỉ đồng và Manulife 537 tỉ đồng.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ cũng cho thấy có sự phân hóa rõ rệt. Số lượng hợp đồng khai thác mới tăng ở mức thấp ngược lại phí bảo hiểm khai thác mới tăng ở mức cao cho thấy những sản phẩm giá trị cao, mệnh giá lớn, phí bảo hiểm cao dành cho các đối tượng là cá nhân có thu nhập cao được tập trung phát triển, là xu hướng chính tạo ra sức bật trong bức tranh chung của thị trường bảo hiểm nhân thọ năm 2011.
Tổng phí bảo hiểm toàn thị trường là 16.025 tỉ đồng, tăng 16,2%, trong đó Prudential 6.009 tỉ đồng chiếm 37,5% thị phần, Bảo Việt Nhân thọ 4.515 tỉ đồng chiếm 28,2% thị phần và Manulife 1.778 tỉ, chiếm 11,1% thị phần.
Nhờ có sự phát triển trong nhiều năm, nhóm sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp vẫn là nhóm sản phẩm có tỉ trọng cao nhất trong cơ cấu tổng doanh thu phí bảo hiểm, chiếm 70% (11.226 tỉ đồng), sản phẩm đầu tư là 21% (3.360 tỉ đồng), sản phẩm phụ chiếm 5,8 % (930 tỉ đồng).
4. Trả tiền bảo hiểm:
Tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm chi trả quyền lợi cho các khách hàng trong năm 2011 là 6.029 tỉ đồng, trong đó Bảo Việt 3.150 tỉ đồng, Prudential 1.679 tỉ đồng và Manulife 560 tỉ đồng.
Tổng số giá trị hoàn lại là 2.379 tỉ đồng, trong đó Prudential 1.106 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ 625 tỉ đồng và Manulife 337 tỉ đồng.
5. Số lượng đại lý bảo hiểm.
Tính đến hết năm 2011, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 202.956 người tăng 25%, trong đó Prudential 102.130 người, Bảo Việt Nhân thọ 23.725 người và Cathay Life 16.942 người.
Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm 2011 là 134.106 người tăng 24%, trong đó Prudential 42.911 người, Cathay Life 17.245 người và Dai-ichi Life 15.640 người.
6. Xu hướng thị trường trong năm 2012
Mặc dù, năm 2012 được dự đoán tiếp tục là một năm khó khăn của ngành bảo hiểm nhân thọ, nằm trong sự khó khăn chung của nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên cũng có những tín hiệu tích cực đem lại sự phát triển mới cho thị trường bảo hiểm, đem lại cơ hội mới dành cho ngành bảo hiểm nhân thọ:
- Tác động của chính sách giới hạn tăng trưởng tín dụng trong hệ thống ngân hàng là yếu tố tích cực thúc đẩy sự hợp tác sâu rộng giữa hệ thống ngân hàng với bảo hiểm, là tín hiệu khả quan cho sự phát triển mạnh các sản phẩm bảo hiểm – ngân hàng
- Chi phí chủ sử dụng lao động mua bảo hiểm cho người lao động được tính vào chi phí trước thuế sẽ tạo tiền đề cho sản phẩm bảo hiểm nhân thọ nhóm hướng tới doanh nghiệp.
- Hạn chế của hệ thống bảo hiểm y tế với quyền lợi thấp sẽ là cơ hội thúc đẩy sự phát triển hơn nữa các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có nhiều quyền lợi chăm sóc y tế chất lượng cao và các dòng sản phẩm bảo hiểm sức khỏe có giá trị cao.
IV. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM NĂM 2012
Năm 2012, những khó khăn vốn có từ năm 2011 vẫn tiếp tục diễn ra, nguy cơ lạm phát còn cao, nhà nước tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó trọng tâm tái cấu trúc ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm sẽ tác động tới thị trường bảo hiểm.
Dự báo thị trường bảo hiểm tài sản sẽ tăng chậm lại do tiếp tục thắt chặt tín dụng quản lý chi tiêu và đầu tư công buộc các DNBH Phi nhân thọ phải chuyển hướng sang phát triển thị trường, sản phẩm bảo hiểm phi tài sản.
Nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc ngừng hoạt động vì khó tiếp cận được tín dụng ngân hàng làm tăng số lượng lao động thất nghiệp và giảm thu nhập gây ảnh hưởng đến nhu cầu mua bảo hiểm nhân thọ.
Thị trường chứng khoán, bất động sản chưa có nhiều khởi sắc làm cho các DNBH thận trọng hơn với danh mục đầu tư trong lĩnh vực này.
Chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm sẽ hoàn thiện thêm một bước với việc chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020, Bộ Tài chính ban hành thông tư hướng dẫn chế độ hạch toán, kế toán trong DNBH Nhân thọ – Phi nhân thọ, thông tư sửa đổi thông tư 126, 103 và đẩy mạnh triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.
Cơ hội đang đến với DNBH cần nắm bắt để phát triển. Trước hết cần phát triển các sản phẩm bảo hiểm đã được hỗ trợ bởi các văn bản pháp quy như bảo hiểm tín dụng xuất khẩu, bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, bảo hiểm TNDS chủ xe cơ giới (có sửa đổi bổ sung), bảo hiểm nhân thọ do chủ sử dụng lao động mua cho người lao động.
Bộ Tài chính kêu gọi các DNBH thực hành tiết kiệm, cắt giảm chi phí từ 5% – 10%, sắp xếp lại DNBH, tái cấu trúc lại thị trường bảo hiểm, buộc các DNBH phải tự đổi mới, nâng cao năng lực kinh doanh bảo hiểm, quản trị điều hành, quản lý rủi ro, chăm sóc khách hàng và nâng cao năng lực cạnh tranh lành mạnh.
Nắm bắt cơ hội, vượt qua thử thách, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ có thể đạt tăng trưởng 20% (khoảng 24.200 tỉ đồng), nhân thọ tăng trưởng 15% (khoảng 18.400 tỉ đồng) và tổng đầu tư vào nền kinh tế xã hội đạt 115.000 tỉ đồng.
NGUỒN: HIỆP HỘI BẢO HIỂM VIỆT NAM (avi.org.vn)

5.04.2012

MỜI THAM DỰ CUỘC THI VIẾT: BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ TÔI

BẢO HIỂM NHÂN THỌ VÀ TÔI

Nhân dịp Kỷ niệm 7 năm ngày thành lập ACE Life Việt Nam, Ban biên tập bản tin Nhịp cầu ACE Life khởi động cuộc thi viết “Bảo hiểm Nhân thọ & Tôi” nhằm tạo cầu nối cho Quý độc giả và Quý Khách hàng chia sẻ những suy nghĩ và trải nghiệm của bản thân với ngành BHNT. Đây cũng là một kênh thông tin hai chiều thiết thực và khách quan để bạn đọc trên cả nước hiểu thêm về BHNT, cũng là dịp cho những khách hàng từng tham gia BHNT có thể nói lên cảm nhận của mình về cách tích lũy tài chính an toàn cho bản thân để tự bảo vệ mình và gia đình.
THỜI GIAN
Cuộc thi bắt đầu nhận bài viết từ ngày 6/5/2012 và kết thúc nhận bài viết vào ngày 1/12/2012.
ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
  • Dành cho tất cả những ai quan tâm đến bảo hiểm, không hạn chế độ tuổi, giới tính và ngành nghề;
  • Nhân viên và Đại diện Kinh doanh ACE Life không được tham dự cuộc thi này.
BAN GIÁM KHẢO
  • Ông Lâm Hải Tuấn - Tổng Giám đốc ACE Life Việt Nam, Phó Chủ tịch Cấp cao ACE Life Toàn cầu;
  • Ông Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng Bộ môn Bảo hiểm, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM;
  • Ông Lê Phước Hiệp - Giám đốc cấp cao, Nghiệp vụ Bảo hiểm;
  • Bà Đoàn Tú Anh - Trưởng phòng Quan hệ Đối ngoại.
THỂ LỆ BÀI DỰ THI
  • Bài dự thi kể lại những kỷ niệm của tác giả hoặc gia đình về những hoàn cảnh, lý do thúc đẩy bản thân quyết định tham gia BHNT. Bài viết cũng có thể chia sẻ thẳng thắn những thay đổi trong cuộc sống của mình kể từ khi được bảo vệ chu toàn trước những rủi ro của cuộc sống nhờ có BHNT. Bài viết tối đa 700 chữ.
  • Nội dung bài viết phải chưa từng xuất hiện trên bất kỳ phương tiện truyền thông hoặc tham gia các cuộc thi nào khác. Tác giả chịu trách nhiệm hoàn toàn về bản quyền của bài viết dự thi nếu có bất kỳ tranh chấp, khiếu nại tác quyền nào. Ban tổ chức cuộc thi có quyền loại bỏ và tước giải thưởng khi phát hiện các bài viết đạo ý tưởng, sao chép nội dung trước khi trao giải.
  • ACE Life được sử dụng tất cả những bài viết dự thi, thông tin, hình ảnh của người dự thi để đăng tải trên Nhịp cầu ACE Life hoặc trên các phương tiện truyền thông.
  • Người dự thi gửi kèm theo bài dự thi thông tin cá nhân, bao gồm: tên, năm sinh, nghề nghiệp, số chứng minh thư, địa chỉ, địa chỉ email và số điện thoại liên hệ.
  • Bài dự thi được viết bằng thư tay hoặc thư điện tử (email) và gửi về một trong hai địa chỉ sau đây:
  • Ban biên tập Nhịp cầu ACE Life - Lầu 21 Tòa nhà Sun Wah - 115 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. HCM
  • Email: nhipcau.vnlife@acegroup.com
CƠ CẤU GIẢI THƯỞNG
  • Hàng tháng, ban giám khảo sẽ chọn một bài viết hay nhất để đăng trên Nhịp cầu ACE Life. Tác giả bài viết sẽ được nhận nhuật bút là tiền mặt hoặc quà có giá trị tương đương 1 (một) triệu đồng.
  • Giải thưởng Chung cuộc: Tác giả có Bài viết hay nhất sẽ được trao tặng 1 Điện thoại di động iPhone 4S. Giải thưởng không quy đổi ra tiền mặt. Kết quả cuộc thi sẽ công bố trên Nhịp cầu ACE Life số phát hành tháng 01/2013.
Nguồn: Nhịp Cầu ACE Life, Tuổi Trẻ Cuối Tuần (6-5-2012)