Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







7.22.2012

Bài dự thi “BẢO HIỂM NHÂN THỌ & TÔI”: SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI


Cuộc thi “Bảo hiểm Nhân thọ & Tôi” do ACE Life Việt Nam tổ chức đã nhận được rất nhiều bài dự thi của độc giả từ các tỉnh, thành trên khắp cả nước kể từ khi khởi động vào tháng 5/2012. Trong số này, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu đến Quý bạn đọc bài dự thi của chị LÊ THỊ NAM PHƯƠNG, Văn phòng Hỗ trợ thanh niên công nhân Chơn Thành, Bình Phước.


SỰ LỰA CHỌN CỦA TÔI
“Chị mà có tiền chị gửi ngân hàng cho chắc ăn chứ dại gì mua bảo hiểm”. Đó là câu nói mà tôi hay nghe mỗi khi mấy chị em trong văn phòng bàn đến chuyện mua bảo hiểm. Có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Người cho là nên mua để khi gặp rủi ro còn có cái mà bấu víu, người lại bảo mua bảo hiểm thì khả năng rủi ro có khi lại cao hơn vì bị lừa và tới lúc cần tiền thì không lấy lại được. Riêng tôi, trước đây quan điểm cũng là: “Có tiền gửi ngân hàng chắc ăn hơn”. Nhưng sau này một sự cố xảy ra đã thay đổi hoàn toàn ý nghĩ của tôi về việc mua bảo hiểm nhân thọ.
Với đồng lương của một viên chức, chuyện tích lũy một số tiền lớn đối với tôi quả là không đơn giản. Khi bạn tôi ngỏ lời mời tôi tham gia bảo hiểm nhân thọ (BHNT) nơi công ty bạn đang làm, tôi đã cười khẩy và bảo: “Nếu tớ có đủ số tiền để mua BHNT của cậu thì chẳng thà gửi thẳng ngân hàng kiếm lãi còn hơn. Có khối người bị lừa vì cái vụ BHNT đấy thôi. Đóng tiền đầy đủ, chỉ còn thời hạn ngắn nữa là lấy lại tiền thì người thu tiền của mình biến mất, gọi tới công ty bảo hiểm thì họ mới cho biết nhân viên đó đã nghỉ việc... Thôi tớ chả dại!”
Một thời gian sau, tôi cũng đã tiết kiệm được một khoản tiền kha khá thì xảy ra sự cố đáng tiếc. Anh rể tôi trong một lần đi giao hàng bị tai nạn giao thông và đã không qua khỏi, còn tài sản thì hư hỏng. Lái xe gây tai nạn cũng đã bỏ trốn. Nỗi khốn cùng thêm chồng chất vì lúc ấy chị gái tôi mới sinh con. Bao nhiêu khó khan vây bủa và chị tôi không biết kiếm đâu ra một khoản tiền lớn ngay lập tức để xoay sở cho kịp. Tôi đành phải lấy số tiền mình dành dụm được giúp chị qua cơn nguy khó. Tôi chợt nghĩ giá mà anh rể có BHNT thì lúc này khó khăn sẽ vơi đi rất nhiều. Tôi bắt đầu nghĩ tới đứa bạn bán BHNT của mình.
Ngay sau đó tôi đã tìm hiểu thông tin của rất nhiều công ty bảo hiểm nhưng thật sự rất khó lựa chọn nên tôi gọi lại bạn nhờ tư vấn. Bạn giải thích rất cặn kẽ về BHNT của một công ty bảo hiểm nổi tiếng với các điều khoản ngắn gọn, phương thức thanh toán phí bảo hiểm thuận tiện và thời gian lập hợp đồng bảo hiểm nhanh chóng cùng các quyền lợi cho người mua bảo hiểm.
Tôi nhận thấy một điều BHNT chính là việc kinh doanh mặt hàng rủi ro. Chỉ khi rủi ro xảy ra thì giao dịch mới được hoàn thành. Đương nhiên tất cả mọi người tham gia BHNT đều không mong rủi ro xảy đến với mình, họ lựa chọn BHNT như một hình thức đảm bảo tài chính của mình và người thân vì BHNT là phương thức hoán chuyển rủi ro hiệu quả nhất. Cuộc sống đôi khi có những rủi ro chúng ta không lường trước được, vì vậy, tôi quyết định tham gia BHNT từ thời điểm đó. Tôi gắn bó với BHNT cho đến ngày hôm nay như một cách tích lũy tài chính và cảm thấy yên tâm hơn khi những rủi ro có thể xảy ra sẽ được chia sẻ. Mỗi người có một cách suy nghĩ khác nhau và lựa chọn cho riêng mình để đảm bảo cho cuộc sống. Còn riêng tôi, BHNT đã trở thành một phần trong cuộc sống của tôi, và tôi cũng luôn khuyến khích những người thân của mình hãy lựa chọn cách bảo vệ cuộc sống tốt nhất để hạn chế tối đa những rủi ro thông qua việc tham gia BHNT.     
Cuộc thi “Bảo hiểm nhân thọ & Tôi” đang tiếp tục nhận bài dự thi từ tất cả những ai quan tâm đến BHNT. Bài dự thi kể lại những kỷ niệm của tác giả hoặc gia đình về những hoàn cảnh, lý do thúc đẩy bản thân quyết định tham gia BHNT. Bài viết cũng có thể chia sẻ thẳng thắn những thay đổi trong cuộc sống của mình kể từ khi được bảo vệ chu toàn trước những rủi ro của cuộc sống nhờ có BHNT.
Bài dự thi tối đa 700 chữ, được viết bằng tay hoặc thư điện tử và gửi về Ban biên tập Nhịp cầu ACE Life (Lầu 21 Tòa nhà Sun Wah - 115 Nguyễn Huệ, Q.1, TP. HCM) hoặc qua email: nhipcau.vnlife@acegroup.com.
Hàng tháng, ban giám khảo sẽ chọn một bài viết hay nhất để đăng trên Nhịp cầu ACE Life. Tác giả bài viết được đăng sẽ được nhận nhuận bút là tiền mặt hoặc quà có giá trị tương đương 1 triệu đồng. Giải thưởng chung cuộc là 1 chiếc điện thoại di động iPhone 4S dành cho tác giả có bài viết hay nhất trong năm, sẽ được công bố trên Nhịp cầu ACE Life số phát hành tháng 01/2013.

CUỘC THI VIẾT “BẢO HIỂM NHÂN THỌ & TÔI”
ĐÓN CHÀO BÀI DỰ THI CỦA BẠN

7.21.2012

Rộ tin HSBC muốn thoái hết vốn khỏi Bảo Việt

Thông tin được loan đi ngày 18/7, chưa đầy 2 tháng trước khi HSBC hết thời hạn bắt buộc nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt. Tuy nhiên, các bên liên quan hiện vẫn từ chối bình luận về khả năng thoái vốn.> HSBC muốn mua trên 25% cổ phần của Bảo Việt

Tại đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance vẫn khẳng định muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn này lên 25%. Ảnh: Nhật Minh

Thông tin về việc HSBC có ý định thoái vốn khỏi Bảo Việt rộ lên sau khi hãng tin Reuters, trong bản tin phát đi trưa 18/7, cho biết ngân hàng lớn nhất châu Âu đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ 18% cổ phần tại tập đoàn này. Thông tin được xác nhận bởi một nguồn giấu tên, nhưng liên quan trực tiếp tới thương vụ.
Ngoài ra, Reuters còn tiết lộ thêm giá trị chuyển nhượng được HSBC dự kiến ở mức 400 triệu USD, trong khi giá trị thị trường của 18% cổ phần Bảo Việt mà ngân hàng này đang sở hữu ước khoảng 250 triệu USD. Kỳ vọng dựa trên vị thế thị trường của Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay, cũng như khả năng gia tăng sở hữu lên tối đa 25% dành cho bên nhận chuyển nhượng. Bản tin này cũng cho biết đối tác tiềm năng nhất của HSBC trong thương vụ chuyển giao cổ phần Bảo Việt là Sumitomo Life, một trong 4 hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, HSBC vẫn bỏ ngỏ các cơ hội khác.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 18/7, HSBC Việt Nam cũng như Bảo Việt đều cho biết không bình luận gì về các “tin đồn trên thị trường”.
HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt vào giữa tháng 9/2007, sau khi mua 10% cổ phần của tập đoàn này với giá trị khoảng 225 triệu USD. Theo thỏa thuận tại thời điểm đó, HSBC cam kết nắm giữ cổ phiếu BVH tối thiểu 5 năm. Sau khi Bảo Việt niêm yết tại sàn TP HCM năm 2009, HSBC tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 18%.
Đầu năm 2011, HSBC cũng đưa thêm một đại diện là ông Charles Gregory - Trưởng đại điện HSBC Insurance tại Việt Nam vào Hội đồng quản trị Bảo Việt, cùng với thành viên trước đó là ông David Fried. Phát biểu tại Đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, bản thân Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance - David Fried vẫn cho biết đang tiến hành thương thảo với lãnh đạo của Bảo Việt về lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BVH lên 25%.
Nguồn: Nhật Minh - VnExpress

Vụ HSBC thoái vốn: Bảo Việt nói gì?
Đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì. “Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.

Khi ký hợp đồng, cả hai bên đều khẳng định cam kết đầu tư lâu dài. Vì vậy cũng dễ hiểu sự tò mò chuyện hậu trường khi HSBC "đánh tiếng" thoái vốn tại BVH.


Sau thông tin HSBC có ý định tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được một số báo trích dẫn nguồn từ Hãng thông tấn Reuters, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, ông Lê Quang Bình cho hay: đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì.“Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.



Thoái vốn, cơ sở nào?

Những tin đồn về khả năng HSBC thoái vốn đầu tư tại Bảo Việt đã xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và gây sự chú ý lớn cho thị trường, dù báo chí khi đó không đăng tải. Hiện tại, thông tin này một lần nữa lại rộ lên, sau khi Reuters trích dẫn nguồn tin của mình, nhưng không được xác nhận một cách chính thống bởi bất kỳ 1 trong 3 đơn vị có liên quan: HSBC, Bảo Việt và Sumitomo (đơn vị được thị trường đồn thổi là đang đàm phán với HSBC để mua lại cổ phần của Bảo Việt).

Trao đổi với ĐTCK, ông Bình cho biết: “Đến thời điểm này, thông tin thoái vốn của HSBC chỉ là tin đồn. Bảo Việt là công ty niêm yết, nên chúng tôi sẽ thực hiện công bố đầy đủ thông tin cho NĐT ngay khi phát sinh các sự kiện như trên. Chúng tôi không muốn NĐT đón nhận thông tin không chính thống, để tránh việc ra các quyết định sai lầm”.

Theo thỏa thuận đối tác chiến lược giữa HSBC và Bảo Việt từ năm 2007 (khi HSBC bắt đầu sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của Bảo Việt), HSBC cam kết sẽ nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt trong vòng 5 năm. Như vậy, 2012 là thời điểm kết thúc cam kết nắm giữ cổ phiếu. Trước đó, HSBC toàn cầu đã thoái một phần vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm hồi tháng 2/2012.



Đầu tư vào BVH, HSBC đang có lãi?

Sau phiên tăng giá trần ngày 19/7, tổng giá trị cổ phiếu BVH mà HSBC nắm giữ theo giá thị trường là gần 270 triệu USD, thấp hơn nhiều so với số tiền xấp xỉ 360 triệu USD mà HSBC đã bỏ ra để trở thành đối tác chiến lược tại Bảo Việt.

Tuy nhiên, cái giá của việc trở thành đối tác chiến lược của một đơn vị có vị thế lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam là không nhỏ, nên kỳ vọng bán với giá 400 triệu USD, tức bằng khoảng 150% giá thị trường hiện tại như nguồn tin cung cấp cho Reuters là có thể.

Khi đó, việc HSBC nắm giữ cổ phiếu BVH trong khoảng thời gian 3 - 5 năm qua, mang lại 10% lợi nhuận kỳ vọng không phải là lớn, nhưng cũng có thể coi là thành công trong bối cảnh thị trường tài chính bấp bênh như thời gian vừa qua.

Đối với Bảo Việt, trong thỏa thuận đối tác chiến lược với HSBC, tập đoàn này được cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ… Hàng năm, Bảo Việt cũng cử nhân sự đi tham gia các chương trình đào tạo của HSBC. Năm 2011, Bảo Việt chi 65 tỷ đồng chi phí dự án hỗ trợ và chuyển giao năng lực kỹ thuật cho HSBC. Ngoài ra, HSBC là đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm do Bảo Việt cung cấp.

Ông Lê Quang Bình cho hay, trong việc phát triển các hệ thống phần mềm, quản trị rủi ro…, HSBC chỉ đóng vai trò tham vấn và là đối tác cung cấp dịch vụ thương mại. Đối với việc phân phối sản phẩm qua HSBC, HSBC cũng chỉ là một đối tác.

“Chúng tôi không tách doanh thu cung cấp thông qua HSBC, nhưng cũng giống như nhiều ngân hàng khác, HSBC chỉ là một đối tác phân phối sản phẩm”, ông Bình nói.

Theo Bùi Sưởng - ĐTCK

Bảo hiểm phi nhân thọ: “cá bé nuốt cá lớn”

Những tháng đầu năm, các DN bảo hiểm phi nhân thọ có sự đổi ngôi rõ rệt, không chỉ những DN ở nhóm trên, mà ngay cả các DN nhóm dưới cũng có sự thay đổi, bứt phá mạnh mẽ.
Số liệu ước tính từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2012, dẫn đầu thị trường về doanh thu phí bảo hiểm gốc là PVI với 1.882,7 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm 2011, chiếm thị phần 23,3%. Tiếp đến là Bảo Việt, với doanh thu 1.764,03 tỷ đồng, tăng 17,8%, chiếm gần 22% thị phần.
Bảo Minh vươn lên vị trí thứ ba (quý I/2012, vị trí này thuộc về PTI), với doanh thu 840 tỷ đồng, tăng 2,4%, chiếm 10,4% thị phần. PTI đứng thứ tư, với doanh thu 763 tỷ đồng, tăng 198,7%, chiếm 9,5% thị phần. PJICO đạt doanh thu 600 tỷ đồng, tăng 9%, chiếm 7,4% thị phần, đứng thứ năm. MIC đạt doanh thu 220 tỷ đồng, vươn lên vị trí thứ sáu. Các vị trí tiếp theo lần lượt là Samsung Vina, ước đạt 205 tỷ đồng doanh thu; BIC ước đạt 199 tỷ đồng doanh thu; Liberty đạt 162,9 tỷ đồng doanh thu…
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, bảo hiểm phi nhân thọ là bán lời cam kết bồi thường, nên nhìn bề ngoài thì năng lực cung cấp lời cam kết bồi thường của một DN bảo hiểm dù lớn hay nhỏ là vô giới hạn, có thể cạnh tranh ngang ngửa với nhau và thậm chí “cá bé có thể nuốt được cá lớn”.
Trong nhóm DN thuộc Top 10, từ MIC trở xuống, sự bứt phá về doanh thu có thể là một bất ngờ thú vị cho thị trường. Nhưng với nhóm DN Top 5, sự thay đổi này không quá ngạc nhiên. Nhìn lại thống kê về doanh thu bảo hiểm gốc năm 2011 cho thấy, DN có doanh thu cao nhất vẫn là Bảo Việt với 4.877 tỷ đồng, kế đó là PVI với 4.241 tỷ đồng, Bảo Minh đứng vị trí thứ ba với 2.132 tỷ đồng, PJICO đứng thứ tư với 1.888 tỷ đồng và thứ năm là PTI với 1.084 tỷ đồng, nhưng nếu so về tốc độ tăng trưởng trung bình bảo hiểm gốc qua 3 năm gần nhất, từ 2009 đến 2011, thì tốc độ tăng trưởng của PTI là cao nhất với 29%, sau đó là PVI với 27%, PJICO 23%, Bảo Việt 16%, Bảo Minh khoảng 8%.
Khi mới thành lập, các DN bảo hiểm thường phấn đấu tăng trưởng doanh thu bằng mọi giá, trong đó chủ yếu là hạ thấp chuẩn mực kỹ thuật về quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm, khấu trừ, phí bảo hiểm… để thu hút, “giành giật” khách hàng. Điều này đồng nghĩa với việc chấp nhận bảo hiểm có rủi ro cao, thậm chí mang tính mạo hiểm, bỏ qua quy luật số đông bù số ít của nghề hoạt động kinh doanh bảo hiểm là dựa vào rủi ro nhưng phải quản lý được rủi ro và phân tán được rủi ro trong số khách hàng tham gia bảo hiểm. Điều này cũng khiến thị trường luôn cạnh tranh “điên đảo”. Đặc biệt là đối với những nghiệp vụ bảo hiểm mang lại doanh thu cao như bảo hiểm xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe con người. Đây là hai nghiệp vụ bảo hiểm có tốc độ tăng trưởng cao, số lượng khách hàng tham gia ngày càng lớn. Có DN bảo hiểm đạt tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới trên 50%/năm, tốc độ tăng trưởng nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe con người đạt 100%/năm.
Tất nhiên, không phải tất cả những DN đạt được tốc độ tăng trưởng cao đều làm “bằng mọi giá”. Đối với không ít DN bảo hiểm, tốc độ tăng trưởng doanh thu lớn đã thể hiện được tiềm năng, sức bật về hoạt động kinh doanh. Trong nhóm các DN dẫn đầu, Bảo Việt có mạng lưới phát triển rộng, nhân sự ổn định, có sự hậu thuẫn của các ngân hàng. PVI có mối quan hệ rộng của các DN dầu khí, cán bộ được trẻ hóa, thị phần khá ổn định. Bảo Minh có nhiều cán bộ kinh nghiệm, nghiệp vụ dày dặn, mạng lưới tương đối đều trên toàn quốc.
Theo ông Lộc, thực tế đã chứng minh, DN chiến thắng đối thủ cạnh tranh chính là DN có chất lượng sản phẩm tốt nhất, đồng nghĩa với thực hiện lời cam kết bồi thường cho khách hàng một cách đúng đắn nhất. Chính vì thế, gần đây, một số DN bảo hiểm chấp nhận không tăng trưởng doanh thu, thậm chí giảm doanh thu, siết chặt quản lý, không chấp nhận bảo hiểm rủi ro cao mà phí không tăng như là những bước đi của tái cấu trúc.
Khi thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt như hiện nay, các DN bảo hiểm đều phải nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc giải quyết bồi thường, để đảm bảo quyền lợi của khách hàng. Các DN bảo hiểm phi nhân thọ cũng đang phải “chạy đua” trong việc minh bạch hóa quy trình giải quyết bồi thường đối với khách hàng, để các trường hợp khách hàng phàn nàn và khiếu nại về tiến độ hay chất lượng giải quyết bồi thường trên tổng số các vụ bồi thường giảm xuống mức thấp nhất.
Nguồn: Ngọc Lan - ĐTCK