Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.29.2012

Ba giải pháp cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam

Nhiều cảnh báo về thảm họa thiên tai dưới góc nhìn của nhà bảo hiểm đã được đưa ra tại Hội nghị bảo hiểm thảm họa thiên tai vừa diễn ra tại Hà Nội, khiến nhiều người phải giật mình.
Trong khi trên thực tế, bảo hiểm thiên tai vẫn chỉ là sản phẩm khuyến mại, bán kèm với một sản phẩm bảo hiểm khác.
Báo động về thiên tai và thảm họa
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ Tập đoàn Swiss Re, tập đoàn tái bảo hiểm hàng đầu thế giới báo động về tình hình thảm họa thiên tai trên thế giới, với những thiệt hại khủng khiếp về người và tài sản, đẩy lùi nền kinh tế của các nước này; đồng thời, cũng nêu những bài học, kinh nghiệm giải quyết hậu quả thảm họa của các nhà bảo hiểm và Chính phủ các nước xảy ra thiên tai lớn.
Cụ thể, trận lũ lụt ở Brisbane, Australia tháng 2/2011 gây ra tổn thất 6,4 tỷ USD, các nhà bảo hiểm bồi thường ước 2,3 tỷ USD; trận động đất ở Christchurch, Newzeland tổn thất ước 15 tỷ USD, được bảo hiểm 12 tỷ USD; trận lụt tại Thailand tháng 11/2011 gây tổn thất khoảng 40 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường ước 12 tỷ USD. Thảm họa động đất và sóng thần tại Tohoku, Nhật Bản hồi tháng 3/2011 gây tổn thất lên đến 310 tỷ USD, được các nhà bảo hiểm bồi thường trên 35 tỷ USD…
Việt Nam nằm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi phải gánh chịu đến 70% các thảm họa thiên nhiên trên thế giới, và là 1 trong 3 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á chịu tổn thất thiên tai nhiều nhất. Hàng năm, nước ta phải hứng chịu 6 – 7 cơn bão, hàng chục trận lũ quét… Mười năm trở lại đây, tổn thất kinh tế do thiên tai gây ra hàng năm tương đương với 1,2 – 1,5% GDP.
Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cảnh báo, Việt Nam là quốc gia đứng thứ hai trong năm quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của tác động biến đổi khí hậu. Trong tương lai, những nguy cơ như nước biển dâng, biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, trong đó có Việt Nam, từ đó có thể tăng mạnh số lượng thảm họa thiên tai.
Xây dựng gấp quỹ bảo hiểm thiên tai
Ngành bảo hiểm đóng một vai trò quan trọng trong việc bù đắp thiệt hại thiên tai, ổn định sản xuất và đời sống, hỗ trợ tái thiết nền kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Mặt khác, chính ngành bảo hiểm/tái bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng của những thảm họa này.
Thế nhưng, trái ngược với mức độ cảnh báo về nguy cơ thiên tai, thảm họa, các nhà bảo hiểm Việt Nam dường như đang thờ ơ đối với loại hình bảo hiểm này. Nhiều năm qua, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam vẫn coi bảo hiểm thiên tai chỉ như là một điều khoản khuyến mại hoặc được bảo vệ tự động trong hợp đồng bảo hiểm cháy, đơn bảo hiểm mọi rủi ro (CAR, EAR, CPM) hoặc nếu có tính phí thì cực kỳ thấp. Điều này sẽ cực kỳ nguy hiểm, gây phản ứng dây chuyền khi sự cố xảy ra. Theo khảo sát của Vinare, chỉ tính riêng 2 nghiệp vụ là bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật, số tiền bảo hiểm giữ lại của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam trong năm 2012 ước khoảng gần 20 tỷ USD. Nếu như thảm họa thiên tai xảy ra tại vùng kinh tế trọng điểm (Hà Nội, TP. HCM…) thì đây thực sự là thảm họa cho ngành bảo hiểm Việt Nam.
Cùng với việc cảnh báo thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam, nhiều chuyên gia bảo hiểm quốc tế đã đề ra một số giải pháp mang tính cấp bách cho thị trường bảo hiểm Việt Nam. Thứ nhất là phải xây dựng quỹ bảo hiểm thiên tai của ngành bảo hiểm Việt Nam. Để làm được điều này, trước hết là tính đúng, tính đủ lệ phí để bảo hiểm cho những thảm họa (lũ, lụt, bão,…) cho những sự kiện có thể có ít nhất trong vòng 50 – 60 năm. Thứ hai, Bộ Tài chính, các bộ, ban ngành có liên quan cần phải áp dụng những biện pháp khẩn cấp và can thiệp, hỗ trợ trực tiếp vào bảo hiểm thảm họa thiên tai. Thứ ba, phải tái bảo hiểm toàn cầu, san sẻ bớt gánh nặng nghĩa vụ bồi thường trong trường hợp xảy ra thiên tai.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng khuyến nghị nhiệm vụ trước mắt đối với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam là phải tách bạch bảo hiểm thiên tai với các loại hình bảo hiểm khác, xây dựng chương trình bảo vệ cần thiết cho các công ty trên thị trường.
Minh Đức
Báo Đầu tư – Cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm: Tự đánh mất niềm tin của khách hàng

Lôi kéo đồng nghiệp và khách hàng tại công ty cũ về “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh là một trong những vấn đề nhân sự khiến nhiều công ty bảo hiểm (BH) nhân thọ lo lắng.
Bên cạnh nguy cơ bị lôi kéo đại lý và mất khách hàng, không ít doanh nghiệp (DN)BH còn rơi vào tình trạng thông tin nội bộ bị rò rỉ, gây ra nhiều bất lợi. Trong bối cảnh thị trường BH Việt Nam ngày càng sôi động, việc các DN cạnh tranh để tồn tại là tất yếu, song những hình thức cạnh tranh không lành mạnh sẽ khiến thị trường mất đi tính minh bạch và niềm tin của khách hàng.
“Hậu trường” đại lý bảo hiểm
Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm 2012, tổng doanh thu phí BH ước đạt 20.459 tỷ đồng tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2011. Sự có mặt của 57 DNBH trên thị trường Việt Nam đã cho thấy sức hấp dẫn cũng như tiềm năng của thị trường. Theo ước tính của cơ quan chức năng, số lượng đại lý bảo hiểm (ĐLBH) đã lên tới khoảng 200.000. Khi thị trường BH ngày càng phát triển thì sự chuyển dịch lao động từ công ty BH này sang một công ty khác là chuyện không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc hàng loạt đại lý hay tổng đại lý của một DNBH bỗng nhiên ồ ạt “đầu quân” cho đối thủ cạnh tranh thì không thể coi là một  sự dịch chuyển lao động bình thường.
Bà Tina Nguyễn, Phó Tổng giám đốc điều hành Prudential Việt Nam cho biết, với kinh nghiệm hoạt động và những thành công đã thu được tại thị trường Việt Nam, Prudential được coi là một trong những DN có môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động giúp các ĐLBH phát triển. Để trở thành ĐLBH của Prudential Việt Nam, các ứng viên phải vượt qua vòng sơ tuyển và trải qua những khóa đào tạo về kinh nghiệm bán hàng, giao tiếp với khách hàng do Prudential tổ chức. Quan trọng hơn cả, mỗi ĐLBH sẽ được trang bị kiến thức liên quan đến những sản phẩm BH mà họ sẽ giới thiệu tới khách hàng của mình. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển hiện nay, mua BH còn đồng nghĩa với một khoản đầu tư tài chính mang lại nguồn lợi nhuận đáng kể cho khách hàng. Vì vậy, mỗi ĐLBH còn phải đóng vai trò tư vấn, hỗ trợ khách hàng lựa chọn một sản phẩm BH phù hợp với năng lực tài chính cũng như đáp ứng được những mục tiêu mà khách hàng mong muốn.
Một ĐLBH hoạt động lâu năm trong lĩnh vực BH nhân thọ cho biết, trên thực tế, những đại lý xuất sắc thường có một lượng lớn khách hàng. Con số này thậm chí lên tới hàng ngàn người. Để chăm sóc chu đáo lượng lớn khách hàng như vậy, bên cạnh lòng yêu nghề còn đòi hỏi ĐLBH phải tận tụy, hết lòng với công việc mà họ đang theo đuổi. Đổi lại, không ít ĐLBH đã gặt hái được nhiều thành công. Một số ĐLBH xuất sắc đã vinh dự trở thành thành viên bàn tròn triệu đô (Million Dollar Round Table-MDRT) sự công nhận về nghề nghiệp cao nhất mà mỗi ĐLBH đều mong muốn đạt được. Để được công nhận thành viên MDRT năm 2012, ĐLBH tại Việt Nam phải đạt số phí khai thác hợp đồng mới hơn 480 triệu VND/năm kèm theo tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu đạt 80%. Con số này ở thị trường Mỹ lên tới 175 nghìn USD/năm (tương đương với khoảng 3,5 tỷ VND).
Sự xuất sắc của các ĐLBH đã trở thành mục tiêu câu kéo của nhiều DNBH và không ít công ty BH đã rơi vào tình trạng bị đối thủ cạnh tranh “mời” mất những đại lý xuất sắc. Sự cố này không chỉ để lại những lỗ hổng nhân sự tại một số DN, mà còn có nguy cơ rò rỉ những thông tin chuyên môn mang tính nội bộ mà không một DN nào muốn chia sẻ.
Cần cạnh tranh lành mạnh
Một chuyên gia lâu năm trong lĩnh BH nhận xét, việc hàng loạt đại lý hay tổng đại lý chuyển từ một công ty này sang một công ty khác có dấu hiệu của sự lôi kéo, cạnh tranh không lành mạnh. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật, mà còn gây nên sự bất bình trong khối các DNBH nhân thọ. Lãnh đạo nhiều DNBH ủng hộ cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, kể cả cạnh tranh thu hút nhân sự giỏi. Bởi, chính điều đó tạo ra sự năng động cho thị trường. Nhưng việc giành giật văn phòng tổng đại lý của công ty khác nhằm làm suy yếu đối thủ, hoặc dụ dỗ văn phòng tổng đại lý của công ty khác chuyển khách hàng sang cho công ty mình là một hành vi trái với đạo đức nghề nghiệp, cần được nghiêm khắc xử lý theo quy định của pháp luật. “Nếu những phương thức cạnh tranh này vẫn còn tiếp diễn sẽ không chỉ gây thiệt hại cho DN mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến quyền lợi khách hàng, đồng thời làm giảm niềm tin của khách hàng về các DNBH”, bà Tina Nguyễn nhận định.
Để hạn chế tình trạng lôi kéo đại lý, nhiều DNBH cho rằng, Bộ Tài chính với vai trò giám sát, quản lý thị trường cần sớm có những chế tài để ngăn chặn kịp thời hành vi này. Bên cạnh việc quy định rõ thời gian một ĐLBH sau khi nghỉ việc tại một đơn vị bao lâu mới được “đầu quân” sang đơn vị khác, cần quy định chế tài xử phạt các hành vi làm rò rỉ thông tin nội bộ của DN hay cạnh tranh nhân sự thiếu lành mạnh. Chế tài nghiêm khắc sẽ tạo ra một hành lang pháp lý đủ mạnh nhằm hạn chế những vi phạm trên thị trường BH – một thị trường đang phát triển và trở thành lĩnh vực thu hút vốn quan trọng cho nền kinh tế.
Hương Ly (Báo Hà nội mới)

Khảo sát về thị trường bảo hiểm ôtô Việt Nam

Ngày 06/08/2012, Công ty tư vấn và nghiên cứu thị trường Cimigo vừa tiến hành khảo sát ý kiến của hơn 1.000 người có tham gia bảo hiểm vật chất xe ôtô trên toàn quốc, theo yêu cầu của Công ty Bảo hiểm Liberty. Đối tượng tham gia khảo sát được Cimigo lựa chọn ngẫu nhiên và đều sở hữu xe ôtô cá nhân. Kết quả cho thấy Liberty và Bảo Việt là hai đơn vị được đánh giá cao nhất về bảo hiểm vật chất xe ôtô.
Với câu hỏi “Khi nói về bảo hiểm ôtô, bạn nghĩ đến thương hiệu nào đầu tiên?”, 24% số người được phỏng vấn nói ngay đến Bảo hiểm Liberty, tiếp theo là Bảo Việt (23%), PJICO (13%) và PVI (11%). Kết quả khảo sát cũng cho thấy Liberty mạnh nhất ở TP.HCM và đứng ngay sau Bảo Việt ở Hà Nội và các khu vực khác, trong khi các công ty bảo hiểm còn lại có mức độ nhận diện bình quân từ 10% đến 15%.
82% khách hàng của Liberty cho biết họ rất hài lòng về chất lượng dịch vụ của công ty này. Tỉ lệ này ở Bảo Việt là 60%, PVI là 56% và PJICO là 54%. Điều này ảnh hưởng đến khả năng duy trì khách hàng của các công ty bảo hiểm. Có đến 77% chủ xe đã tiếp tục mua bảo hiểm của Liberty sau khi hết hạn hợp đồng; tỉ lệ này ở PJICO là 65%, Bảo Việt 63% và PVI 60%.
Theo khảo sát, 3 yếu tố chính tác động đến quyết định của khách hàng khi chọn bảo hiểm ôtô là: dịch vụ bồi thường, được người quen giới thiệu và nghe theo lời tư vấn của nhân viên bán xe hoặc sửa xe. 53% những người đang mua bảo hiểm Liberty cho biết họ chọn công ty này vì chất lượng dịch vụ tốt. Trong khi, hai lý do chính khi mua bảo hiểm Bảo Việt là thương hiệu công ty (25%) và dịch vụ tốt (23%).
Hoàng Tùng (TTTĐ)

9.07.2012

Captive là gì?

Những đặc trưng cơ bản
Captive là một tổ chức bảo hiểm hay tái bảo hiểm do một công ty hay một nhóm công ty không hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm lập ra để bảo hiểm các rủi ro của công ty mẹ là chủ yếu. Captive đóng những vai trò sau đây: Một mặt, nó là một tổ chức tự bảo hiểm được chính thức thành lập để bảo hiểm những rủi ro tần suất cao mà bản thân công ty có thể chịu được một cách có hiệu quả; mặt khác, nó được sử dụng như một công cụ cung cấp tài chính để xử lý những rủi ro tần suất thấp nhưng cấp độ nghiêm trọng đặc biệt cao - những rủi ro không được bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm truyền thống.
Phương thức hoạt động của một captive tái bảo hiểm như sau: trước hết công ty bảo hiểm gốc nước sở tại đứng ra nhận bảo hiểm rủi ro của công ty mẹ thông qua các công ty con ở nước ngoài (công ty đứng ra nhận gọi là công ty đứng tên), sau đó chuyển toàn bộ rủi ro cho công ty captive dưới hình thức một hợp đồng tái bảo hiểm. Về phần mình, captive có thể tái nhượng tái bảo hiểm một phần rủi ro bảo hiểm cho một hay nhiều công ty tái bảo hiểm chuyên nghiệp khác.
Sở dĩ phải làm như vậy là vì công ty bảo hiểm gốc thường phải được quốc gia nơi nó hoạt động cấp giấy phép và phải tuân theo sự kiểm soát của cơ quan quản lý sở tại. Còn các công ty tái bảo hiểm (captive tái bảo hiểm) thì thường tham gia vào những hoạt động qua biên giới và tuân theo sự quản lý của nước mẹ.
Trong số 4000 captive trên toàn thế giới thì có khoảng 3000 là captive "một mẹ", tức là do một công ty mẹ lập ra và còn lại là các công ty nhiều mẹ, tức là một số công ty phối hợp với nhau lập ra (gọi là collective captive), giống như một liên danh. Gần đây nhất, cái gọi là captive-thuê (rent-a-captive) đã trở nên rất phổ biến. Thay vì thành lập một captive của chính mình, công ty có thể thuê một captive.
Để đáp lại việc được trả chi phí quản lý, bên nhận tái bảo hiểm mở cho công ty thuê captive một tài khoản để thanh toán phí bảo hiểm, tiền bồi thường và thu nhập đầu tư. Ưu điểm của cách làm này so với giải pháp captive một mẹ là ở chỗ công ty không phải cấp vốn. Ưu điểm này làm cho captive đi thuê trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với các công ty loại vừa. Dạng mới nhất của captive là ̉cỗ xe chuyên dụng̃ (Special purpose vehicle) mà chức năng của nó là tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển giao các rủi ro bảo hiểm cho thị trường vốn.
Các ưu điểm của captive đối với một công ty
Ban đầu các captive được sinh ra là vì các doanh nghiệp hoài nghi tính hiệu quả của việc bảo hiểm rủi ro có tần suất cao. Bảo hiểm các rủi ro này chẳng khác nào chuyển trả cho nhau những số tiền thấy trước được một các khá chính xác (phí bảo hiểm và tiền bồi thường), không phải là bảo hiểm. Việc bảo hiểm như vậy không đem lại kết quả  gì nhiều, mà đòi hỏi chi phí tốn kém để thực hiện. Mặt khác, giữ lại các rủi ro tốt thì sẽ được lợi trực tiếp vì tỉ lệ bồi thường của những rủi ro ấy thấp hơn tỉ lệ bồi thường trung bình (phí bảo hiểm tính trên tỉ lệ tổn thất trung bình). Giữ lại rủi ro trung bình sẽ khuyến khích giảm tỉ lệ tổn thất thông qua các biện pháp quản lý rủi ro thích hợp.
Từ thời điểm bắt đầu bùng nổ các captive cho đến cuối những năm 60 và đầu những năm 70, thuế và các lý do tài chính đã đóng vai trò quan trọng. Nếu tự bảo hiểm (không thông qua captive) thì chi phí tự bảo hiểm không được miễn thuế. Captive có ưu điểm là các khoản chi trả phí bảo hiểm được miễn thuế, và các quỹ dự trữ bảo hiểm cũng được ưu đãi về thuế đối với các captive đóng ở nước ngoài.
Ngày nay, các lý do về thuế đã tụt xuống hàng thứ hai: ở Mỹ, các khoản chi trả phí bảo hiểm chỉ được miễn thuế nếu như captive nhận bảo hiểm một tỉ lệ khá lớn các rủi ro ở bên ngoài (khoảng 30%). ở đa số các nước Châu Âu, doanh nghiệp chỉ được miễn thuế số tiền chi trả phí bảo hiểm khi chứng minh được rằng việc bảo hiểm thực sự đã được thực hiện (chứ không phải chuyển cho captive) và phí bảo hiểm đã chi trả là thoả đáng xét trên quan điểm bảo hiểm. ở  một vài nước Châu Âu, lợi nhuận của captive cũng phải chịu thuế ở nước mẹ của công ty mẹ.
Những ưu thế và tài chính của captive còn bao gồm cả việc được công khai sử dụng lãi đầu tư để trả tiền bồi thường, cũng như có khả năng tác động đến chính sách đầu tư và khả năng tiếp cận thị trường vốn. Số lượng công ty captive đã tăng lên nhanh chóng nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng trách nhiệm ở Mỹ. Điều đó xảy ra chủ yếu là do các yếu tố như định phí bảo hiểm cao và khả năng tài chính hạn hẹp trên thị trường bảo hiểm truyền thống. Thực tế đó cho thấy, có một mối quan hệ chặt chẽ giữa chu kỳ bảo hiểm ở Mỹ và số lượng các captive mới được thành lập ở Bermuda.
Captive lúc đầu được xem xét như một phương pháp có thể lựa chọn để thay thế bảo hiểm truyền thống đối với các rủi ro cá biệt trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và trách nhiệm. Nhưng rồi, danh mục những rủi ro chuyển cho captive ngày càng tăng lên, thậm chí những rủi ro như uy tín thấp, các rủi ro Y2K và nhiều rủi ro khác cũng được chuyển cho captive. Captive ngày càng được sử dụng như một biện pháp trung tâm để bảo hiểm nhiều rủi ro khác nhau trên thế giới và là bàn đạp cho những giải pháp tái bảo hiểm có thể xem xét lựa chọn (alternative reinsurance solutions).
Captive cũng có thể được sử dụng ngày càng rộng raĩ trong tương lai như một công cụ quản lý rủi ro tổng thể (holistic risk management instrument). Hiện nay có khoảng 4000 captive trên toàn thế giới, tạo ra một khối lượng phí bảo hiểm khoảng 21 tỉ USD, bằng khoảng 6% thị trường bảo hiểm thương mại toàn cầu. Tốc độ thành lập các captive mới trên toàn thế giới đã hơi chững lại, tuy vậy vẫn còn rất cao, khoảng 5% mỗi năm.
Sở dĩ như vậy là vì đã thấy có nhiều dấu hiệu bão hoà ở Mỹ và Anh, cũng như vì giá cả thấp trên thị trường bảo hiểm truyền thống, làm giảm sức hấp dẫn của các captive. Hơn một nửa số captive trên thế giới là thuộc về các công ty công nghiệp và dịch vụ ở Mỹ. Các nước như Mỹ, Thụy Điển và Nauy có tỉ lệ captive cao nhất thế giới xét trên quy mô của thị trường bảo hiểm ở các nước này hoặc theo tỉ lệ các nước này trong tổng số 2500 công ty lớn nhất trên thế giới.
Bermuda cho đến nay vẫn là thiên đường của các captive. Có tới 1/3 số captive đặt trụ sở ở đây. Đối với các công ty mẹ của Hoa Kỳ thì Bermuda và quần đảo Cayman vẫn là nơi ưa thích nhất. Đối với các nước Châu Âu thì Guensey và Luxembour là những khu vực được ưu tiên lựa chọn, mặc dù Ireland cũng đã trải qua sự phát triển năng động trong những năm gần đây. Mỗi năm, trong danh sách nói trên lại xuất hiện các khu vực mới hấp dẫn các captive bằng môi trường pháp lý và chế độ thuế ưu đãi.
Lloyd’s cũng là một trong những nơi đặt trụ sở lý tưởng của các captive. Sức hấp dẫn chủ yếu của Lloyd’s là ở chỗ nó có giấy phép kinh doanh bảo hiểm gốc ở trên 60 quốc gia khác nhau. Tuy nhiên, captive chưa trở thành một biện pháp quan trọng trong số rất nhiều giải pháp có thể lựa chọn để xử lý rủi ro. Nhiều ưu điểm mô tả ở trên của captive ngày nay có thể đạt được thông qua các giải pháp mới khác, chẳng hạn như sản phẩm rủi ro hạn chế (finite risk products) hoặc các giải pháp nhiều tuyến/nhiều năm (multi-line/multi-year).
Tuy nhiên, đối với nhiều công ty, captive vẫn là bước đi đầu tiên tiến vào thị trường các giải pháp chuyển giao rủi ro có thể xem xét lựa chọn, hoặc ít ra thì cũng chứng minh được  nó còn là một cỗ xe thích hợp trên con đường tiến đến chương trình quản lý rủi ro tổng thể.
Nguồn: Webbaohiem.net