Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







11.17.2011

Bác sĩ làm sai, bệnh nhân được đền bù

Từ ngày 1-1-2012, Nghị định 102/2011/NĐ-CP ngày 14-11 của Chính phủ quy định về bảo hiểm trách nhiệm trong khám bệnh, chữa bệnh sẽ có hiệu lực.
Theo nghị định này, bệnh nhân sẽ được bảo hiểm chi trả đối với tai biến trong khám, chữa bệnh do sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra bởi lỗi sơ suất, bất cẩn của người hành nghề tại cơ sở khám, chữa bệnh.
>> Click vào đây để tải Nghị định 102/2011/NĐ-CP

Bên thứ ba giải quyết
BS Nguyễn Hữu Tùng, Tổng Giám đốc BV Đa khoa Hoàn Mỹ, cho biết việc Chính phủ ban hành nghị định này có nhiều điểm có lợi cho cả bệnh nhân và BV, nhân viên y tế.
Đối với bệnh nhân, khi bị tai biến và khiếu nại BV, nếu chưa được BV giải quyết thỏa đáng thì họ sẽ tiếp tục khiếu nại, khi đó bảo hiểm sẽ vào cuộc. Bảo hiểm là bên thứ ba phân định, giải thích chuyên môn nguyên nhân rủi ro do đâu, mức độ ra sao và mức bồi thường như thế nào. Tất cả chứng cứ này dựa trên bảng kiểm điểm của BV, đánh giá của hội đồng khoa học của ngành y tế. Nếu hồ sơ đánh giá việc rủi ro do bệnh lý hay do bệnh nhân thì tất nhiên bệnh nhân sẽ không được bồi thường.
“Ba năm qua, chúng tôi đã mua bảo hiểm cho cả hệ thống BV là 8 tỉ đồng/năm, mức bồi thường tối đa là 2 tỉ đồng/năm. Khi có rủi ro xảy ra, trước tiên chúng tôi thương thảo, thỏa thuận với bệnh nhân trước. Nếu mức bồi thường dưới 40 triệu đồng thì BV lo, còn trên đó thì bảo hiểm chi” - BS Tùng nói. Tuy nhiên, theo BS Tùng, việc mua bảo hiểm với mục đích là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quản lý để đội ngũ y tế yên tâm làm việc chứ không phải để nhân viên ỷ lại. Trong trường hợp nếu xảy ra lỗi chuyên môn được đánh giá là do nhân viên y tế cố ý thì người này phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bệnh nhân.
“Ngày trước chúng ta mù mờ, khi bệnh nhân khiếu nại, BV sợ mất uy tín, mất bệnh nhân nên thương thảo tháng này qua tháng kia. Còn xử lý bác sĩ thì không ai làm. Giờ có bên thứ ba độc lập, vấn đề sẽ được giải quyết rõ ràng và trong thời gian nhất định” - BS Tùng nói.


Bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp cho nhân viên y tế là cần thiết, tuy nhiên nguy cơ họ bị kiện tụng sẽ tăng lên. Ảnh: DUY TÍNH
Bảo hiểm phải có kiến thức về y khoa
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo các BV vẫn còn băn khoăn với nghị định này.
TS Trần Thị Phương Thu, Giám đốc BV Mắt TP.HCM, cho biết: “Tai biến trong y khoa là điều không ai mong muốn, có thể do rủi ro hay do tay nghề kém. Do đó, chúng tôi rất mong muốn có bên thứ ba giải quyết để bác sĩ yên tâm làm việc và bác sĩ với bệnh nhân không đứng ra kiện tụng. Tuy nhiên, 10 năm qua, từ khi thành lập khoa Bán công kỹ thuật cao, chúng tôi đã thử mua bảo hiểm cho 10 bác sĩ ở khoa này, chi phí 17-20 triệu đồng/năm nhưng thực tế không có lợi ích gì cả”.
Cũng theo BS Thu, BV đã gặp một vụ, khi BV đưa hồ sơ qua, phía bảo hiểm nói đây là rủi ro do thuốc chứ không phải do bác sĩ nên không bồi thường, cuối cùng BV phải chịu. “Chúng tôi thấy thủ tục chưa hợp lý, bảo hiểm né trách nhiệm và thiếu nghiệp vụ. Do đó, bảo hiểm cần có nghiên cứu, hợp tác và thông thạo nghiệp vụ y tế là điều rất quan trọng” - TS Thu nói.
Theo giám đốc một BV khác, với nghị định này, bệnh nhân không có cái lợi gì khác ngoài việc được bồi thường. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ bị sai sót nhiều hơn nếu bác sĩ thiếu y đức cứ nghĩ đã có bảo hiểm lo nên an tâm làm bậy. Mặt khác, sẽ có nhiều lời xui khiến bệnh nhân đi kiện. Cũng theo vị lãnh đạo này, trong nghị định quy định chỉ thanh toán bảo hiểm khi đó là lỗi của bác sĩ. Vậy có điều khoản khi mua bảo hiểm ra sao nếu bác sĩ cố tình làm bậy? Liệu bác sĩ mua bảo hiểm, khi xảy ra kiện tụng thì bệnh nhân có đến tìm bác sĩ hay không?

Sản phẩm bảo hiểm cụ thể còn chờ thông tư
Theo lộ trình thực hiện, chậm nhất đến cuối tháng 12-2015, BV đa khoa, chuyên khoa, BV y học cổ truyền phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Đến cuối tháng 12-2017, các cơ sở khám, chữa bệnh phải mua bảo hiểm trách nhiệm trong khám, chữa bệnh. Chúng tôi đã trao đổi với ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam,xung quanh vấn đề mới mẻ này:
. Trường hợp nào bảo hiểm bồi thường, trường hợp nào không, thưa ông?
+ Phải chờ thông tư của Bộ Tài chính. Tôi được biết hiện nay Bộ Y tế đang soạn thảo dựa theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, sau đó xin ý kiến Bộ Tài chính và bộ này giao cho Cục Bảo hiểm soạn thảo. Nhưng cụ thể chi tiết nhất vẫn nằm ở sản phẩm bảo hiểm, còn nghị định chỉ là khung để thực hiện.
. Có ý kiến cho rằng bảo hiểm phải có nghiệp vụ y khoa để thẩm định độc lập?
+ Bảo hiểm là bộ phận hòa giải giữa BV và người bệnh trong khi một bên là BV muốn giảm bồi thường, còn bệnh nhân thì muốn tăng. Do đó, bảo hiểm phải khách quan nhưng muốn khách quan thì phải có nghề. Nếu hòa giải không thành thì bệnh nhân kiện ra tòa.
Bảo hiểm không phân xử mà do tòa quyết bồi thường bao nhiêu cho bệnh nhân thì bảo hiểm trả trong phạm vi trách nhiệm bồi thường, còn vượt quá hợp đồng thì BV phải trả. Thí dụ hợp đồng giữa BV và bảo hiểm là 500 triệu đồng/vụ, tòa xử đền 600 triệu đồng thì BV phải trả thêm 100 triệu đồng. Hiện các công ty bảo hiểm đã có người làm trong ngành y phục vụ nhưng còn ít. Muốn phát triển phải chuyên nghiệp hơn.
Những vụ kiện tiền tỉ
Tháng 6-2009, bệnh nhân HHT (Việt kiều Mỹ) mổ đục thủy tinh thể tại BV Mắt Sài Gòn, sau đó bị viêm nhiễm giác mạc mà trong nước không thể điều trị được nên ông sang Mỹ thay giác mạc với chi phí lên đến 50.000 USD. Bệnh nhân trở lại Việt Nam yêu cầu BV bồi thường 85.000 USD nhưng BV nói mình không sai nên đề nghị hỗ trợ 8.500 USD.
Từ ngày 17 đến 18-2-2010, 22 bệnh nhân bị đục thủy tinh thể mổ phaco tại BV Mắt TP.HCM bị nhiễm trùng, không thấy ánh sáng do chất chỉ thị màu bị nhiễm khuẩn. BV đã thỏa thuận bồi thường 8-10 triệu đồng/người. Có 12 người không đồng ý nên kiện ra tòa. Sau khi hòa giải, bảy bệnh nhân chịu nhận bồi thường 15-40 triệu đồng và rút đơn kiện, còn năm bệnh nhân khác đòi 70-120 triệu đồng.
DUY TÍNH

11.16.2011

TCQLDNBH: ĐỀ CƯƠNG CHƯƠNG 4

MODULE 4
SẢN PHẨM BẢO HIỂM
A. Đề cuơng chi tiết và mục tiêu nghiên cứu
NỘI DUNG NGHIÊN CỨU
4.1. Sản phẩm bảo hiểm
4.1.1. Khái niệm sản phẩm bảo hiểm
4.1.2. Đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm
a. Đặc điểm chung của dịch vụ
b. Đặc trưng của sản phẩm bảo hiểm
4.1.3. Phân loại sản phẩm bảo hiểm
a. Sản phẩm nhân thọ
- Theo sự kiện bảo hiểm
- Theo mục đích đảm bảo
- Theo loại hình chính – bổ trợ
- Theo nhóm khách hàng
- Theo kênh phân phối
b. Sản phẩm phi nhân thọ
- Theo đối tượng bảo hiểm
- Theo nhóm khách hàng
- Theo gói sản phẩm
- Theo kênh phân phối
4.1.4. Chu kỳ sống của sản phẩm
a. Giai đoạn giới thiệu
b. Giai đoạn tăng trưởng
c. Giai đoạn trưởng thành
d. Giai đoạn suy giảm
4.1.5. Nhãn hiệu sản phẩm
a. Ý nghĩa
b. Đặt tên cho sản phẩm
Câu hỏi nghiên cứu
        Hãy trình bày khái niệm sản phẩm bảo hiểm dưới nhiều giác độ khác nhau:
§  Khách hàng;
§  Quản trị kinh doanh bảo hiểm;
§  Marketing
        Hãy trình bày những đặc điểm của sản phẩm bảo hiểm?
        Hãy phân loại sản phẩm bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ theo các tiêu chí khác nhau?
        Hãy phân tích các giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm bảo hiểm (giới thiệu, tăng trưởng, trưởng thành, suy giảm)?
        Hãy phân tích ý nghĩa của nhãn hiệu sản phẩm bảo hiểm?
4.2. Phát triển sản phẩm mới
3.2.1. Khái niệm sản phẩm mới
3.2.2. Sự cần thiết
3.2.3. Quy trình phát triển sản phẩm mới
a. Hình thành và sàng lọc ý tưởng
b. Phân tích kinh doanh tổng thể (đánh giá thị trường tiềm năng)
c. Thiết kế kỹ thuật
d. Xin giấy phép và thử nghiệm
e. Theo dõi – đánh giá và hoàn thiện sản phẩm
        Thế nào là sản phẩm mới? Vì sao cần thiết phải phát triển sản phẩm mới?
        Trình bày nội của các giai đoạn trong quy trình phát triển sản phẩm mới?
4.3. Giá cả sản phẩm bảo hiểm
4.3.1. Vai trò và yêu cầu
4.3.2. Các nhân tố ảnh hưởng đến giá cả sản phẩm bảo hiểm
a. Mục tiêu định giá
b. Chi phí
c. Khách hàng
d. Sự cạnh tranh
e. Sự can thiệp của Chính phủ
f. Các nhân tố khác
4.3.3. Chiến lược định giá sản phẩm bảo hiểm
a. Định giá theo chi phí
b. Định giá cạnh tranh
c. Định giá theo khách hàng
4.3.4. Tăng giảm phí bảo hiểm
a. Rủi ro tiêu chuẩn
b. Theo số lượng
c. Theo giới tính
d. Theo thị trường
        Hãy phân tích vai trò và yêu cầu của việc xác định giá cả của sản phẩm bảo hiểm?
        Các loại mục tiêu định giá ảnh hưởng như thế nào đến việc xác định giá cả sản phẩm bảo hiểm?
        Vì sao nói giá cả sản phẩm bảo hiểm được xác định dựa trên chi phí dự tính chứ không phải dựa trên chi phí thực tế?
        Cầu về sản phẩm, Sức mua của khách hàng, Nhận thức của khách hàng và mong muốn về sự linh hoạt giá của khách hàng có ảnh hưởng như thế nào đến việc xác định giá cả sản phẩm bảo hiểm?
        Sự cạnh tranh có tác động như thế nào đối với việc định giá sản phẩm bảo hiểm? Khi nào thì tác động này bị triệt tiêu?
        Trình bày các chiến lược định giá sản phẩm bảo hiểm: theo chi phí, cạnh tranh, theo khách hàng?
        Trình bày các trường hợp sử dụng tăng giảm phí bảo hiểm: Theo rủi ro ưa chuộng, số lượng, giới tính, thị trường?

B. Thời lượng nghiên cứu
B.1. Lên lớp: 5tiết, 5 tiết/ tuần
  • Trình bày lý thuyết cơ sở: 01 tiết
  • Thảo luận tình huống theo nhóm và báo cáo kết quả thảo luận: 03 tiết/ tình huống
  • Đúc kết tình hưống: 01 tiết/ tình huống
B.2. Tư nghiên cứu: 5 tiết (tự phân bố trong 1 tuần)
C. Nội dung tình huống và câu hỏi thảo luận nhóm
  • Câu hỏi thảo luận nhóm: Nắm vững, sâu hơn và có khả năng xâu chuỗi và mở rộng kiến thức của cả chương.
  • Tình huống nghiên cứu:
Mục tiêu: Vận dụng kiến thức để phân tích tình hình thực tế trên thị trường bảo hiểm Việt Nam
Nội dung tình huống:
(1)    Lựa chọn sản phẩm kinh doanh cho doanh nghiệp phi nhân thọ mới thành lập. Thiết kế mô hình phân phối sản phẩm bảo hiểm cho một doanh nghiệp bảo hiểm qua các kênh khác nhau.
(2)    Bình luận tình hình cạnh tranh của thị trườngi nhân thọ Việt Nam.
  • Các tài liệu cập nhật và đọc trong giờ tự nghiên cứu:
(1)   Giáo khoa “Sản phẩm bảo hiểm”, Nguyễn Tiến Hùng, Trường đại học kinh tế TP.HCM (Lưu hành nội bộ);
(2)   Giáo trình Quản trị kinh doanh bảo hiểm, Nguyễn Văn Định, Nhà xuất bản Thống Kê, 2003, Chương IV: Quản trị sản phẩm  bảo hiểm;
(3)   Marketing Essentials, Philip Kotler (Bản dịch của Phan Thăng, Vũ Thị Phương, Giang Văn Chiến) Nhà xuất bản Thống Kê, 2002.
D. Phương pháp đánh giá
  • Đánh giá quá trình:  Tham gia thảo luận câu hỏi theo nhóm và bài tập tình huống;
  • Kiểm tra kết thúc học phần: Nội dung phần này chiếm 5% đề thi kiểm tra cuối học phần (tương đương 1 câu hỏi (tự luận)/ 5 câu hỏi trắc nghiệm - 5 phút).
MODULE 4 CÂU HỎI THẢO LUẬN NHÓM
Trước tiên, thời gian tự nghiên cứu, mỗi cá nhân hãy đọc kỹ các bài đọc trong phần tài liệu cơ sở và các tài liệu khác. Sau đó, chia thành nhóm từ 5-7 người, thảo luận làm rõ các vấn đề sau:
1.      Thị trường bảo hiểm Việt Nam (nhân thọ và phi nhân thọ) hiện có những sản phẩm bảo hiểm nào?
2.      Có những cách đặt tên nào cho sản phẩm bảo hiểm? Hãy lấy ví dụ cụ thể để phân tích.
3.      Trong các nhân tố ảnh hưởng đến việc xác định giá cả của sản phẩm bảo hiểm, theo anh chị, nhân tố nào là quan trọng nhất? Tại sao? Cho một dẫn chứng cụ thể.
4.      Cạnh tranh về giá có là cách thức phù hợp hay không trên thị trường bảo hiểm? Tại sao có? Tại sao không? Phải làm gì để chống xu hướng giảm giá không lành mạnh?
MODULE 4 BÀI TẬP TÌNH HUỐNG 1
Trong module 2 và 3 các bạn đã quyết định khởi nghiệp kinh doanh bảo hiểm phi nhân thọ và dự án thành lập doanh nghiệp của bạn đã được Bộ Tài chính cấp giấy phép. Khi triển khai hoạt động kinh doanh bảo hiểm, Ban điều hành quyết định sử dụng một cách đa dạng các kênh phân phối.
1.      Bạn chọn những loại hình nghiệp vụ bảo hiểm nào để kinh doanh trong kế hoạch hoạt động 5 năm đầu tiên của doanh nghiệp mình? Giải thích tại sao?
2.      Nếu đó là những sản phẩm đã và đang có mặt trên thị trường được thực hiện bởi những đối thủ cạnh tranh, bạn có ý định làm mới nó không? Và làm mới nhự thế nào?
3.      Thử phát họa sơ đồ tổ chức công ty mà trong đó cho thấy sự tương tác giữa quản lý nghiệp vụ (sản phẩm) và quản lý hệ thống hệ thống phân phối sản phẩm? Chỉ ra nhưng rủi ro có thể gặp phải

MODULE 4 BÀI TẬP TÌNH HUỐNG 2
Hãy đọc bài báo sau đăng tải trên Thời báo Kinh tế Sài gòn
BẢO HIỂM VÀ LÒNG TIN
Thị trường bảo hiểm, dù là đang tăng trưởng mạnh hay đã ổn định, luôn phải dựa vào lòng tin của khách hàng để phát triển. Lòng tin ấy phải chăng đang bị thử thách?
Sút giảm niềm tin
Theo Bộ Tài chính, giai đoạn 2005-2006 là thời điểm thị trường bảo hiểm mở cửa đón thêm nhiều doanh nghiệp mới. Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có các doanh nghiệp trong nước như BIC, AAA, Toàn Cầu, Bảo Nông, Bảo Tín; nước ngoài có AIG, QBE, ACE, Liberty. Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ là ACE Life, Prévoir...
Tuy nhiên, về kết quả hoạt động, năm 2006 thị trường bảo hiểm có những chuyển biến không thuận lợi (xem thêm số liệu cụ thể trong bài Bảo hiểm nhân thọ chưa hết khủng hoảng trên cùng chuyên đề này).
Các chuyên gia nhận định rằng thị trường bảo hiểm nhân thọ đã qua giai đoạn bùng nổ nên tốc độ tăng trưởng đã chậm lại. Thường là khi quy mô thị trường vượt 2% GDP thì tốc độ tăng trưởng chỉ còn 5-10%/năm.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến tốc độ khai thác hợp đồng bảo hiểm mới gặp khó khăn, đó là do niềm tin của khách hàng đã không còn như trước. Đó là hậu quả của việc phát triển hợp đồng bảo hiểm nhân thọ một cách ồ ạt, chụp giật, thiếu lành mạnh của một số hãng bảo hiểm trong thời gian qua. Trình độ nghiệp vụ, đạo đức của đội ngũ nhân viên chưa cao để khách hàng đặt hết niềm tin vào các doanh nghiệp bảo hiểm. Cơ chế công bố thông tin, cơ chế tính phí, chia lãi quá phức tạp, đôi khi lập lờ đã làm giảm kỳ vọng của người dân vào các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ rất nhiều.
“Thực tế, hầu như các đại lý bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam chưa coi đây là nghề chuyên môn mà chỉ nhằm khai thác những mối quan hệ cá nhân để kiếm hoa hồng. Họ chưa thực sự trở thành người tư vấn giúp khách hàng có được những sản phẩm đúng với nhu cầu”, một quan chức Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận xét.
Nguyên nhân sâu xa hơn của việc này lại xuất phát từ chính bản thân các doanh nghiệp. Lâu nay họ hầu như chỉ khai thác quanh quẩn các sản phẩm truyền thống mà tính hấp dẫn đang ngày càng giảm so với các sản phẩm tài chính khác trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán... Ngoài ra, các doanh nghiệp bảo hiểm cũng chưa đầu tư đúng mức để nâng cao chất lượng tuyển dụng, đào tạo, quản lý và sử dụng đại lý.
Cạnh tranh bằng phí hoa hồng
Trong khi bảo hiểm nhân thọ chững lại thì thị trường bảo hiểm phi nhân thọ lại tăng trưởng tốt. Theo thống kê của Bộ Tài chính, năm 2006, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 6.445 tỉ đồng, tăng 17,5% so với năm 2005. Mức tăng trưởng tuy cao, nhưng chưa đáng mừng vì thị trường bảo hiểm phi nhân thọ còn quá nhỏ, mới chiếm 0,66% GDP. Tỷ lệ này rất thấp so với các nền kinh tế có cùng điều kiện với Việt Nam.
Vấn đề lớn nhất hiện nay của lĩnh vực này là tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Các doanh nghiệp bảo hiểm không cạnh tranh bằng chất lượng dịch vụ mà bằng cách hạ phí, trả hoa hồng sai quy định, mở rộng quá mức quyền lợi bảo hiểm, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Nhiều trường hợp cạnh tranh thông qua quan hệ cá nhân và can thiệp hành chính để các doanh nghiệp khác không được tiếp cận khai thác dịch vụ.
Tổng giám đốc Bảo Việt, ông Trần Trọng Phúc, bức xúc nói có những sản phẩm bảo hiểm được doanh nghiệp giảm phí tới 30-40%, thậm chí còn hạ tới dưới mức sàn mà các công ty bảo hiểm nước ngoài đưa ra. “Đó là điều không thể chấp nhận được”, ông Phúc nói.
Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm không hề có kế hoạch đầu tư nghiên cứu để xây dựng các sản phẩm bảo hiểm mới, hoặc các loại hình bảo hiểm còn yếu như bảo hiểm thiên tai nông nghiệp, bảo hiểm tín dụng và rủi ro tài chính, hoạt động hành nghề y dược, luật sư. Các kênh phân phối bảo hiểm như ngân hàng, bưu điện gần như còn bỏ trống. “Các doanh nghiệp bảo hiểm mới chỉ lo cạnh tranh với nhau mà quên đi việc phải làm sao cạnh tranh được với các dịch vụ tài chính khác”, ông Trịnh Thanh Hoan, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận xét.
Theo quy định hiện hành, những đối tượng khác như người không phải kinh doanh đại lý, môi giới bảo hiểm; khách hàng mua bảo hiểm; cán bộ, nhân viên của doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm đều không được phép nhận chi trả hoa hồng. Bộ Tài chính có quy định về tỷ lệ phần trăm hoa hồng doanh nghiệp được phép chi, nhưng trên thực tế, hoa hồng đã biến tướng thành nhiều dạng khác nhau.
Phân tích các yếu tố trên thị trường, Bộ Tài chính cho rằng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ chưa chú trọng nghiên cứu xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí sản phẩm bảo hiểm. Phần lớn các quy tắc đều dịch lại từ sản phẩm của nước ngoài. Mỗi doanh nghiệp chưa có thương hiệu hay phân khúc thị trường rõ ràng. Một số sản phẩm bảo hiểm được lắp ghép một cách khập khiễng dẫn đến không tái bảo hiểm được toàn bộ sản phẩm hoặc chỉ tái bảo hiểm được một phần, vì vậy rủi ro cao.
Theo Bộ Tài chính, sự cạnh tranh trên thị trường bảo hiểm thời gian tới dự báo sẽ diễn ra trên quy mô rộng hơn và mức độ gay gắt hơn. Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết trong năm 2007-2008, bộ sẽ triển khai xây dựng hệ thống công nghệ thông tin kết nối các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đáp ứng yêu cầu về nghiên cứu phân tích, dự báo, xây dựng cơ chế chính sách phục vụ cho công tác quản lý giám sát và lành mạnh hóa thị trường.

Nên bỏ mức trần chi hoa hồng
“Nên dỡ bỏ quy định mức trần đối với hoa hồng trong kinh doanh bảo hiểm để có thể hạn chế tình trạng biến tướng thiếu lành mạnh như hiện nay. Khi nền kinh tế đã chuyển sang kinh tế thị trường, nhiều doanh nghiệp bảo hiểm là công ty cổ phần nên mọi việc chi tiêu liên quan đến chi phí, liên quan đến lợi nhuận đều do các chủ sở hữu quyết định. Việc quản lý trần hoa hồng xem ra không còn phù hợp, bởi mức hoa hồng đều do các doanh nghiệp bảo hiểm tự ấn định”.
(Ông Trần Vĩnh Đức - Chủ tịch HĐQT Bảo Minh)

YÊU CẦU

Đứng trên giác độ “sản phẩm bảo hiểm” hãy giải thích điều gì đang diễn ra trên thị trường bảo hiểm Việt Nam mà bài báo trên đã đề cập đến (phân tích riêng cho thị trường nhân thọ và phi nhân thọ)? Theo bạn, phải làm gì đối với sản phẩm bảo hiểm để khắc phục tình trạng trên?

11.15.2011

Những chuyển động trên thị trường bảo hiểm Việt Nam 2011

Lễ ra mắt Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva
Ngày 18/10/2011, Lễ ra mắt Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ VietinBank Aviva đã được tổ chức tại Hà Nội. Đây là liên doanh giữa Ngân hàng Công thương Việt Nam VietinBank và Tập đoàn Aviva (Anh quốc).

Đến tham dự buổi lễ có lãnh đạo Văn phòng chính phủ, lãnh đạo Bộ Tài chính, lãnh đạo ngân hàng nhà nước, lãnh đạo Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, đại diện Đại sứ quán, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện các công ty bảo hiểm, các doanh nghiệp đối tác, các khách hàng, các cơ quan báo chí, ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên Công ty Bảo hiểm Nhân thọ VietinBank Aviva.
Công ty BHNT Vietinbank Aviva được thành lập với số vốn điều lệ là 800 tỷ đồng, trong đó VietinBank góp 400 tỷ, tương đương 50%, Tập đoàn Aviva góp 50%. Công ty có trụ sở tại tầng 10, tháp B, tòa nhà Handi Resco, số 512 Kim Mã, Q.Ba Đình, Hà Nội. Tên viết tắt của công ty là “VietinBank – Aviva Life”, tên thương hiệu là “VietinAviva”.
Công ty được phép tiến hành các hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, gồm: Kinh doanh bảo hiểm nhân thọ (Bảo hiểm trọn đời, bảo hiểm sinh kỳ, bảo hiểm tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm trả tiền định kỳ); Kinh doanh bảo hiểm sức khỏe; Kinh doanh tái bảo hiểm; Đầu tư vốn nhàn rỗi ở Việt Nam…
Phát biểu tại buổi lễ, Ông Phạm Huy Hùng – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Công thương Việt Nam VietinBank khẳng định “Việc thành lập liên doanh Vietinbank Aviva góp phần thực hiện thành công mô hình ngân hàng bán lẻ hiện đại đang áp dụng tại Vietinbank, gia tăng nguồn vốn huy động, mở rộng danh mục sản phẩm, qua đó cung cấp những dịch vụ tài chính trọn gói, chất lượng cao đáp ứng tốt nhất mọi nhu cầu của khách hàng, thực hiện đúng phương châm: Nâng giá trị cuộc sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển lĩnh vực Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) nói riêng và nền kinh tế VN nói chung”
Đại diện cho Tập đoàn Aviva, ông Eric Chang – GĐ điều hành khu vực Bắc Á của Aviva cho biết “Công ty BHNT Vietinbank Aviva ra đời trên cơ sở tận dụng và phát huy được tối đa thế mạnh năng lực chuyên môn về bảo hiểm của Aviva và tên thương hiệu hùng mạnh của ngân hàng Vietinbank với vốn hiểu biết sâu sắc về thị trường Việt Nam. Chúng tôi có niềm tin vững chắc vào tương lai của Việt Nam và chúng tôi cam kết nỗ lực đầu tư góp phần tăng trưởng, đưa Công ty Vietinbank-Aviva phát triển và góp phần thúc đẩy thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày một lớn mạnh. Để hoàn thành mục tiêu này, chúng tôi sẽ triển khai mô hình kinh doanh gắn liền với thông điệp của Aviva, đó là mang đến cho khách hàng sự thịnh vượng và an tâm với các sản phẩm ưu việt, đáp ứng nhu cầu lập kế hoạch tài chính và chăm sóc khách hàng. Điều này cũng gắn liền với mục tiêu “Nâng giá trị cuộc sống” của Ngân hàng Vietinbank”
Với tầm nhìn trở thành một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ “được ngưỡng mộ nhất” Việt Nam, mọi giá trị của VietinAviva đều được xây dựng trên cơ sở hai chữ “Niềm tin”. Đó chính là giá trị cốt lõi và bền vững nhất để VietinAviva thực hiện sứ mệnh trở thành một chỗ dựa vững chắc về tài chính cho các doanh nghiệp, cá nhân thông qua chia sẻ và bù đắp rủi ro, thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm nhân thọ, đảm bảo cho người tham gia bảo hiểm có thể tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.
VietinAviva cam kết nỗ lực hết mình trong công tác nghiên cứu và đào tạo nghề bảo hiểm, chú trọng phát triển các nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, đưa ra thị trường các sản phẩm bảo hiểm mới và luôn thay đổi linh hoạt nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và phức tạp của khách hàng, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam, đóng vai trò tích cực trong xây dựng và phát triển thị trường ngành Bảo hiểm Việt Nam.

PVI Reinsurance ra mắt Thị trường Tái bảo hiểm
Ngày 22/9/2011, tại khách sạn Hilton Hà Nội, số 1 Lê Thánh Tông, Hà Nội, Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) đã tổ chức Lễ ra mắt. Tới dự có ông Trịnh Thanh Hoan - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn – Chủ tịch HĐQT PVI Holdings, ông Bùi Vạn Thuận – Tổng giám đốc PVI Holdings, đại diện các đơn vị thuộc PVI Holdings cùng đông đảo các đối tác, khách hàng là các công ty bảo hiểm trong nước, các công ty bảo hiểm và môi giới nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Vừa qua, Công ty Cổ phần PVI (tiền thân là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam) đã hoàn thành tái cấu trúc, chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con. Công ty mẹ PVI Holdings có chức năng đầu tư vốn vào các công ty con, công ty liên kết, kinh doanh dịch vụ tài chính và các lĩnh vực tài chính khác. PVI Holdings quản lý các công ty con thông qua vốn, chiến lược phát triển, thương hiệu, thị trường và công nghệ. Một trong các đơn vị thành viên PVI Holdings đầu tư 100% vốn thành lập là Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re). 
PVI Re được Bộ Tài chính cấp Giấy phép kinh doanh số 66 GP/KDBH ngày 20/07/2011. Với số vốn điều lệ 460 tỷ VND và hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm, PVI Re ra đời với mục tiêu trở thành doanh nghiệp tái bảo hiểm chuyên nghiệp có thương hiệu quốc tế đồng thời cung cấp thêm năng lực tái bảo hiểm cho thị trường Việt Nam.
 Định hướng kinh doanh của PVI Re bao gồm:
• Cung cấp các sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao, đảm bảo tối đa an toàn thông tin và tài chính cho khách hàng. Đồng thời đem lại giá trị gia tăng cho các đối tác dựa trên kiến thức, kinh nghiệm và phát huy giá trị cốt lõi của PVI.
• Hợp tác dài hạn và các bên cùng có lợi.
• Tập trung khả năng sinh lời, tối ưu hóa sử dụng nguồn vốn.          
• Tạo lập môi trường làm việc chuyên nghiệp, gắn kết lợi ích của công ty với người lao động.
• Xây dựng hệ thống quản lý có chất lượng cao và hiệu quả.
 Phát biểu tại buổi lễ, ông Vũ Văn Thắng – Chủ tịch HĐTV PVI Re cho biết: “Kế thừa thương hiệu và khả năng tài chính của Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Dầu khí Việt Nam PVI cũng như sự ủng hộ của PVN trong việc thu xếp TBH cho các dự án, tài sản trong và ngoài nước của ngành Dầu khí, PVI Re tăng cường cung cấp các dịch vụ Tái bảo hiểm tại thị trường trong nước trên cơ sở đảm bảo lợi ích các bên, từng bước mở rộng khai thác dịch vụ trên phạm vi quốc tế.” 
Bên cạnh các sản phẩm bảo hiểm truyền thống như bảo hiểm hàng không, bảo hiểm năng lượng, hàng hải, kỹ thuật, bảo hiểm tài sản. PVI Re tiếp tục đầu tư nghiên cứu các sản phẩm bảo hiểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu và nắm bắt cơ hội mới từ thị trường.

Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành
Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn đổi tên thành Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Xuân Thành. Đây là sự kiện đã được Bộ Tài chính phê chuẩn theo quyết định số 57/GPĐC7/KDBH ngày 11/07/2011. Lĩnh vực kinh doanh chính Kinh doanh Bảo hiểm gốc phi nhân thọ; Nhận và nhượng Tái Bảo Hiểm; Hoạt động đầu tư vốn; Các dịch vụ giám định, điều tra, tính toán phân bổ tổn thất, xét giải quyết bồi thường và đòi người thứ ba
Theo đánh giá của Ông Trịnh Thanh Hoan – Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm (Bộ tài chính): “Việc chuyển đổi thương hiệu được đánh giá là bước ngoặt trong sự nâng tầm phát triển và khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường Bảo hiểm Phi nhân thọ tại Việt Nam.”
Ông Nguyễn Văn Dũng – Tổng giám đốc Tổng công ty CP Bảo hiểm Xuân Thành cũng khẳng định: “Chúng tôi cam kết sẽ kế thừa toàn bộ quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ pháp lý của Công ty cổ phần Bảo hiểm Thái Sơn – GMIC trước đây theo các thỏa thuận bảo hiểm đã, đang và sẽ được thực hiện với các khách hàng, đối tác”.

Lễ ra mắt công ty CP Bảo hiểm Phú Hưng và ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược
Ngày 29/3/2011, tại TP. Hồ Chí Minh, Công ty CP Bảo hiểm Phú Hưng (Tiền thân là Công Ty Cp Bảo hiểm Bảo Tín) đã tổ chức lễ ra mắt và ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với các đối tác chiến lược.
Tham dự buổi lễ có sự tham gia của đại diện Bộ Tài Chính, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Lãnh đạo UBND TP.Hồ Chí Minh, đại diện các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, các đối tác, các cơ quan báo chí truyền thông và Ban lãnh đạo cùng tập thể nhân viên công ty CP Bảo hiểm Phú Hưng (PAC).
Tại buổi lễ, đã diễn ra việc ký kết bản ghi nhớ hợp tác chiến lược với các đối tác như: Tập đoàn SME - hiện đang kinh doanh trong các lĩnh vực sôi động nhất của nền kinh tế như dịch vụ chứng khoán, quản lý vốn, khai thác khoáng sản, bất động sản và dịch vụ hậu cần.; Sở Giao Dịch Hàng Hóa Việt Nam (VNX) - VNX là sở giao dịch hàng hóa đầu tiên của VN được Bộ Công thương cấp phép, có vốn điều lệ là 150 tỷ đồng. Trước mắt, VNX được giao dịch 3 mặt hàng gồm cà phê, cao su và thép; Công ty CP Phát triển Nhà Thủ Đức (ThuducHouse) – là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành bất động sản; Ngân hàng Thương mại CP Kiên Long. Sự kiện này cho thấy sự tin tưởng của các đối tác vào khả năng của công ty
Công ty CP Bảo hiểm Phú Hưng tiền thân là Công ty CP Bảo hiểm Bảo Tín. Để tăng cường sức và mạnh phù hợp với tình hình hội nhập, Bảo Tín đã thu hút thêm các cổ đông có tiềm năng về vốn, khách hàng và có kinh nghiệm bảo hiểm từ Đài loan, trong đó đặc biệt có sự góp vốn của Ông Arthur Ting -  Con trai trưởng của Cố Chủ tịch Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng  Lawrence S. Ting. Nay được sự chấp thuận của Bộ Tài Chính theo quyết định số 41/GPDC3/KDBH ngày 25 tháng 01 năm 2011 cho phép Công Ty Cổ Phần Bảo Hiểm Bảo Tín được đổi tên thành Cty CP bảo hiểm Phú Hưng
Công Ty Cổ Phần Bảo hiểm Phú Hưng là công ty cổ phần bảo hiểm phi nhân thọ chuyên cung cấp những sản phẩm bảo hiểm và giải pháp để khắc phục những rủi ro cho con người và cho doanh nghiệp gồm: Tai Nạn Cá Nhân, Bảo Hiểm Sức Khỏe, Bảo Hiểm Tài Sản, Bảo Hiểm Hàng Hải, Bảo Hiểm Máy Móc, Bảo Hiểm Kỹ Thuật, Bảo Hiểm Trách Nhiệm và nhiều sản phẩm bảo hiểm khác.
Nguồn: Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam

11.06.2011

Làm sao thoát khỏi nhà cao tầng khi đang cháy

Hãy bình tĩnh, tìm lối thoát hiểm bộ, tuyệt đối không dùng thang máy vì bạn có thể bị kẹt lại khi điện cúp. Dùng chăn, áo thấm nước choàng lên người và bịt mũi để phòng khói ngạt, độc, lửa cháy lan trên cơ thể...
Ở các đô thị, nhà cao tầng ngày càng nhiều, nguy cơ "bà hỏa" luôn rình rập, song công tác phòng cháy chữa cháy vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Khi xảy ra hỏa hoạn ở nhà cao tầng, để hạn chế thương vong, Sở Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP HCM có hướng dẫn cụ thể sau:

Khi bước chân vào một ngôi nhà cao tầng, nhiều tầng, việc đầu tiên bạn cần phải để ý xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn ở đâu. Có thể bạn đi bằng lối thang máy nhưng vẫn cần đưa mắt chú ý đến vị trí đặt các phương tiện chữa cháy để khi xảy ra hỏa hoạn, các phương tiện này có thể giúp bạn thoát nạn. Hoặc đôi khi các cuộn dây vòi nước chính là các “dây” cứu nạn khi có hỏa hoạn.
Khi có cháy hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất. Dùng các thiết bị chữa cháy có sẵn dập tắt đám cháy. Nếu không dập được cháy hãy đóng cửa phòng bị cháy lại.


Tìm các lối thoát nạn sẵn có theo đèn chỉ dẫn (hoặc nghe thông báo qua hệ thống truyền thanh, vô tuyến). Có thể tìm lối thoát sang các phòng khác. Lưu ý hãy sử dụng cầu thang bộ hay theo lối đèn có chữ "EXIT" - lối ra để thoát nạn. Tuyệt đối không dùng thang máy vì khi xảy ra hỏa hoạn có thể nguồn điện bị ngắt, bạn sẽ bạn kẹt trong đó. Đồng thời trên đường đi, hãy báo cho hàng xóm hoặc những người khác ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra.

Nếu phải băng qua lửa thì hãy dùng chăn, áo thấm nước ướt trùm lên người. Bò hoặc đi khom người khi di chuyển trong vùng có nhiều khói. Nếu có điều kiện, hãy dùng khăn thấm nước để bị lên mũi sẽ giúp hạn chế hít phải khí độc. Lưu ý: nếu phải mở cửa hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở (bằng cách sờ tay vào cửa). Nếu nhiệt độ quá cao, tuyệt đối không được mở.

Khi mở cửa, nên tránh mặt, né người sang một bên đề phòng lửa tạt (để tránh tổn thương do hiện tượng chênh lệch áp suất). Khi vào phòng nếu thấy có khói lùa vào hãy dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa.

Nếu không tìm thấy lối ra cửa chính, hãy di chuyển ra ban công hoặc mở cửa sổ. Rồi từ ban công/cửa sổ hãy hô to cho mọi người biết. Sau đó gọi ngay cho lực lượng phòng cháy chữa cháy (số 114) để thông báo vị trí cụ thể của mình.

Trong khi chờ đợi lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp, hãy tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn trong tòa nhà được trang bị từ trước như thang, dây thoát hiểm để xuống.

Hãy quan sát kỹ để tìm kiếm phương tiện, đôi khi tấm rèm, ga xé dọc, quần áo gió buộc lại cũng có thể là phương tiện giúp bạn thoát nạn. Lưu ý, tuyệt đối không hoảng hốt, nhảy từ trên cao xuống sẽ rất nguy hiểm.

Khi có thang, đệm của lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn đến và được yêu cầu, bạn mới nhảy xuống.

Cách sử dụng bình chữa cháy dạng bột: (không nên dùng bình chữa cháy bằng khí CO2 vì dễ gây ngộ độc).

1. Đối với loại xách tay:
- Chuyển bình tới gẩn địa điểm cháy.
- Lắc xóc vài lần nếu là bình bột loại khí đẩy chung với bột (MFZ).
- Giật chốt hãm kẹp chì.
- Chọn đầu hướng gió, hướng loa phun vào gốc lửa.
- Giữ bình ở khoảng cách 4-1,5 m tùy loại bình.
- Bóp van để bột chữa cháy phun ra.
- Khi khí yếu thì tiến lại gần và đưa loa phun qua lại để dập tắt hoàn toàn đám cháy.
2. Đối với bình xe đẩy:
- Đẩy xe đến chỗ có hỏa hoạn, kéo vòi rulo dẫn bột ra, hướng lăng phun bột vào gốc lửa.
- Giật chốt an toàn (kẹp chì), kéo van chính trên miệng bình vuông góc với mặt đất.
- Cầm chặt lăng phun chọn thuận chiều gió và bóp cò, bột sẽ được phun ra.
Chú ý khi dùng bình chữa cháy:
- Cần xem hướng dẫn tính năng tác dụng của từng loại bình chữa cháy để bố trí dập các đám cháy cho phù hợp.
- Tuyệt đối không phun trực tiếp vào người nạn nhân.
- Khi phun giữ bình ở tư thế thẳng đứng. Người phải đứng ở đầu hướng gió (cháy ngoài); đứng gần cửa ra vào (cháy trong). Đứng chữa cháy theo hướng quay lưng lại với lối thoát
- Phun đến khi lửa phải tắt hẳn mới ngưng. Sau đó dội nước lên đám cháy.
- Khi dập các đám cháy chất lỏng, phải phun bột bao phủ lên bề mặt cháy, tránh phun trực tiếp xuống chất lỏng đề phòng chúng bắn ra ngoài, cháy to hơn.
- Tùy thuộc vào từng đám cháy và lượng khí đẩy còn lại trong bình mà chọn vị trí, khoảng cách đứng phun cho phù hợp.
- Giập lửa xong, bình chữa cháy đã qua sử dụng cần để riêng tránh nhầm lẫn.

Nguồn: VnExpress