Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.25.2011

Lịch sử bảo hiểm thương mại


LỊCH BẢO HIỂM THƯƠNG MẠI

Tài liệu số 1:
Đế chế bắt đầu từ quán cà phê
Nếu có dịp ghé đến tòa nhà trụ sở của Lloyd’s hôm nay, tại London (Anh), khách tham quan sẽ có dịp chiêm ngưỡng quyển nhật ký từ năm 1912, trưng bày trong tủ kính, được mở tại trang ghi lại sự kiện con tàu huyền thoại Titanic bị đắm.
Đó thực sự là một mốc lịch sử bi hùng của Lloyd’s, khi phải chi trả đến đồng bảng cuối cùng cho thảm họa, và lại bắt đầu vươn lên từ hoang tàn thành một thị trường bảo hiểm lớn nhất thế giới như ngày nay. Edward Lloyd (1648-1713), là một thuyền trưởng về hưu, cùng gia đình chuyển về London và mở quán cà phê Lloyd vào năm 1680 tại phố Tower. Cuối năm 1691, Edward Lloyd chuyển về nhà số 16 phố Lombard, ngay tại trung tâm của giới kinh doanh.
Tất cả bắt đầu từ quán cà phê
Vào thế kỷ 16-17, London như một trung tâm thương mại. Tại thời điểm đó rất ít doanh nhân tại London có văn phòng riêng. Họ thường tiến hành kinh doanh tại Sở giao dịch. Tuy nhiên các tin tức và thông tin lại được thu thập tại các quán cà phê. Quán cà phê Lloyd chuyên về các thông tin liên quan đến vận tải biển. Nhờ có uy tín bởi các thông tin rất tin cậy về hoạt động hàng hải có được từ các khách hàng và bạn bè, là các thuyền trưởng, thương nhân và chủ tàu, quán cà phê Lloyd’s đã trở thành địa điểm nổi tiếng về dịch vụ bảo hiểm hàng hải.
Các thương nhân, chủ tàu, nhà bảo hiểm, đã chọn quán cà phê Lloyd’s để gặp gỡ, tìm hiểu thông tin và làm thủ tục bảo hiểm cho các con tàu và hàng hóa của mình. Trước đó, các hoạt động dịch vụ bảo hiểm hàng hải tại London diễn ra khá lộn xộn cho đến khi quán cà phê của Edward Lloyd phát triển nó thành một sàn giao dịch chính thức cho các thương nhân và nhà bảo hiểm kinh doanh sự rủi ro.
Năm 1696, Lloyd quyết định đáp ứng nhu cầu về thông tin của khách hàng bằng việc xuất bản tờ báo ra 3 số một tuần có tên là “Lloyd’s News”, cung cấp các thông tin ngắn gọn về sự kiện ở các nước, chiến tranh, các vụ xử án, hành quyết, và hoạt động của nghị viện. Tuy nhiên báo không có sự nhấn mạnh đặc biệt về các thông tin hàng hải. “Lloyd’s News” đột ngột đình bản tại số 76, ra ngày 23/2/1697, khi đăng một thông tin không chính xác do nhà in tự ý đưa vào. Người ta yêu cầu Lloyd đăng tin cải chính ở số báo sau. Nhưng Lloyd tuyên bố sẽ không ra báo nữa.
Trước khi mất, Edward Lloyd đã kịp bàn giao việc kinh doanh quán cà phê cho William Newton, trưởng nhóm bồi bàn, và tổ chức lễ cưới cho con gái Handy với Newton. Chỉ 18 tháng sau, ở tuổi 21, Handy đã trở thành quả phụ và cô cũng không mất nhiều thời gian để tìm được người chồng mới là Samuel Sheppard, là chủ của một cửa hàng, nằm dưới quán cà phê Lloyd’s. Hạnh phúc không kéo dài, Handy mất vào năm 1720.
Sự kiện này đồng thời cũng chấm dứt việc kinh doanh của gia đình Lloyds tại quán cà phê. Sau khi Samuel Sheppard mất vào năm 1727, quán cà phê được chuyển về tay người chị của ông là Elizabeth và người chồng là Thomas Jemson. Chính Jemson đã xuất bản tờ báo “Lloyd’s List” vào năm 1734. Tờ báo này, khác với tờ “Lloyd’s News”, chuyên cung cấp các thông tin liên quan đến vận tải hàng hải, một dấu hiệu khởi đầu cho sự ra đời của Lloyd’s sau này.
Sau khi Jemson mất được 8 năm, hoạt động kinh doanh của quán cà phê bắt đầu đi xuống. Điều này đã dẫn đến việc một người bồi bàn, Thomas Fielding, ra đi và mở một quán mới tại số 5 ngõ Pope’s Head, vào ngày 21/3/1769, gọi là quán cà phê Tân Lloyd, một tuần sau tờ báo Tân “Lloyd’s List” được phát hành.
Trong nhiều năm cả hai quán cà phê Lloyd và hai tờ báo Lloyd’s List cùng tồn tại. Tuy nhiên quán cà phê Tân Lloyd nổi tiếng hơn vì Hiệp hội Lloyd’s, do những người bảo hiểm thường tụ tập tại quán cà phê Lloyd lập ra, đóng trụ sở tại đây. Năm 1771, 79 nhà thanh toán bảo hiểm và môi giới quyết định đóng góp mỗi người 100 bảng để xây trụ sở mới. Lloyd’s không còn là quán cà phê nữa mà trở thành trụ sở đăng ký của những người thanh toán bảo hiểm.
Ngày 7/3/1774, các thành viên của Lloyd’s chuyển về Sở giao dịch Hoàng gia. Từ 1928- 1958, Lloyd’s chuyển trụ sở về phố Leadenhall và ngay từ 8/4/1958 đến nay Lloyd’s đóng trụ sở tại phố Lime, London.
Lloyd’s là ai?
Lloyd’s không phải là một công ty bảo hiểm mà là một thị trường bảo hiểm với các thành viên của mình, bao gồm cả pháp nhân và thể nhân. Các thành viên của Lloyd’s (hay còn gọi là người cung cấp vốn) thực hiện giao dịch bảo hiểm thông qua 66 nghiệp đoàn. Các hoạt động kinh doanh bảo hiểm của nghiệp đoàn do các đại lý đảm nhiệm. Ngoài ra, còn có 168 công ty môi giới bảo hiểm được Lloyd’s chứng nhận. Trong số đó có nhiều công ty chuyên sâu về từng lĩnh vực.
Ngoài lĩnh vực hàng hải truyền thống, các hoạt động của Lloyd’s hiện đã vươn sang hầu hết các lĩnh vực khác như hàng không, thiên tai, tai nạn nghề nghiệp, động lực. Các công ty hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực sản xuất ôtô, dược phẩm, hàng không, ngân hàng, điện tử, chế tạo hiện đều là khách hàng của Lloyd’s. Với tổng giá trị tài sản hơn 35 tỷ USD, hàng năm Lloyd’s nhận bảo hiểm với tổng số giá trị của hợp đồng lên đến hơn 25 tỷ USD.
Lloyd’s còn sở hữu một hệ thống máy tính hiện đại xử lý hàng triệu hợp đồng bảo hiểm mỗi năm. Thông qua trang web của Lloyd, các nhà môi giới bảo hiểm và chuyên môn trên toàn thế giới có thể thu thập được các thông tin về giá trị của hợp đồng bảo hiểm mà Lloyd có thể thanh toán.
Khi nói đến Lloyd’s, không thể không nhắc đến chiếc chuông Lutine, nặng 106 pao (khoảng 48kg) và có đường kính 18 inch (45,72cm), gắn liền với lịch sử của Lloyd’s. Chiếc chuông này lần đầu tiên được treo trên tàu khu trục La Lutine (Tiên nữ) của Pháp, đã bị đắm ngoài bờ biển Hà Lan khi đang vận chuyển các thỏi vàng bạc với tổng giá trị khoảng 1 triệu bảng Anh thời đó, được tìm thấy vào năm 1859.
Chiếc chuông này, sau đó đã được treo tại phòng thanh toán bảo hiểm của Lloyd’s ở Sở giao dịch Hoàng gia, sẽ vang lên mỗi khi nhận được thông tin về các con tàu không cập cảng theo đúng lịch trình. Các nhà bảo hiểm, trong trường hợp này sẽ yêu cầu các nhà môi giới tái bảo hiểm một phần rủi ro dựa trên khả năng con tàu có thể bị đắm.
Khi đã có các thông tin đáng tin cậy về việc con tàu bị đắm, tiếng chuông sẽ thông báo cho mọi người có liên quan biết về sự kiện này. Chuông Lutine đã liên tục được treo tại Sở giao dịch Hoàng gia từ 1890 -1928, phố Leadenhall từ 1928-1958, phố Lime 1958 -1986 và tại tòa nhà hiện nay của Lloyd’s từ 1986.
Ngày nay, chuông Lutine không còn vang lên mỗi khi tàu cập cảng chậm mà chỉ vào những dịp nghi lễ long trọng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt ngoại lệ, tiếng chuông vẫn vang lên, chẳng hạn như trường hợp vụ khủng bố 11 tháng 09 năm 2001 tại Mỹ hay vụ nổ tàu con thoi Challenger.
Lloyd’s ngày nay
Ngày nay, Lloyd’s đã trở thành thị trường bảo hiểm lớn nhất thế giới, nhưng vẫn duy trì mối liên hệ với quá khứ khiêm tốn của mình, tọa lạc trong một tòa cao ốc bằng kính và kim loại có hình dáng giống bình pha cà phê. Lloyd’s có thể bảo hiểm hầu như mọi thứ.
Chẳng hạn, người mẫu Petra Morgan trả mỗi năm 86.000 USD để bảo hiểm bộ ngực của mình. Trong trường hợp nếu bộ ngực bị tổn thương hoặc biến dạng, dẫn đến việc phải chấm dứt sự nghiệp, cô sẽ được bồi thường 16 triệu USD. Khoảng 40.000 người đã bảo hiểm ngôi nhà của mình khỏi bị ma ám; 250.000 người khác bảo hiểm trường hợp bị người tuyết hoặc người khổng lồ tấn công và 60.000 người bảo hiểm trong trường hợp bị biến thành ma cà rồng hoặc ma sói.
Lloyd’s còn bảo hiểm các căn cứ quân sự của Mỹ ở nước ngoài trước nguy cơ bị khủng bố tấn công. Tuy nhiên, Lloyd’s chỉ bảo hiểm các tòa nhà, không bảo hiểm trang thiết bị quân sự và nhân mạng, đồng thời cũng không bảo hiểm các cuộc tấn công bằng chất độc hóa học hoặc bom nguyên tử.
Với sự kiện 11 tháng 9 tại Mỹ, Lloyd’s đã phải thanh toán tổng cộng gần 3 tỷ USD bảo hiểm cho thảm họa này. Trong thập kỷ 80 Lloyd’s đã phải thanh toán khoảng 12 tỷ USD cho các thiệt hại gây ra bởi các trận bão, động đất và những cái chết liên quan đến chất amiăng. Một số khoản thanh toán đã suýt nhấn chìm Lloyd’s như vụ nổ giàn khoan tại Biển Bắc và vụ dầu tràn Exxon Valdez.
Tài liệu số 2:
Lịch sử của bảo hiểm hàng hải
Trước lợi nhuận mà ngành thương mại hàng hải mang lại cũng như mức độ và số lượng rủi ro phải ứng phó, các chủ tàu, các nhà buôn bán, những người vận tải luôn luôn tìm kiếm những hình thức bảo đảm an toàn cho quyền lợi của mình.
Đầu tiên là vào khoảng thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên người ta đã tìm cách giảm nhẹ tổn thất toàn bộ một lô hàng bằng cách san nhỏ lô hàng của mình ra làm nhiều chuyến hàng. Đây là cách phân tán rủi ro, tổn thất và có thể coi đó là hình thức nguyên khai của bảo hiểm. Sau đó để đối phó với những tổn thất nặng nề thì hình thức “cho vay mạo hiểm” đã xuất hiện theo đó trong trường hợp xảy ra tổn thất đối với hàng hoá trong quá trình vận chuyển, người vay sẽ được miễn không phải trả khoản tiền vay cả vốn lẫn lãi. Ngược lại họ sẽ phải trả một lãi suất rất cao khi hàng hoá đến bến an toàn, như vậy có thể hiểu lãi suất cao này là hình thức sơ khai của phí bảo hiểm. Song số vụ tổn thất xảy ra ngày càng nhiều làm cho các nhà kinh doanh cho vay vốn cũng lâm vào thế nguy hiểm và thay thế nó là hình thức bảo hiểm ra đời.
Vào thế kỷ XIV, ở Florence, Genoa nước Ý, đã xuất hiện các hợp đồng bảo hiểm hàng hải đầu tiên mà theo đó một người bảo hiểm cam kết với người được bảo hiểm sẽ bồi thường những thiệt hại về tài sản mà người được bảo hiểm phải gánh chịu khi có thiệt hại xảy ra trên biển, đồng thời với việc nhận một khoản phí. Hợp đồng bảo hiểm cổ xưa nhất mà người ta tìm thấy có ghi ngày 22/04/1329 hiện còn được lưu giữ tại Florence. Sau đó cùng với việc phát hiện ra Ấn Độ dương và tìm ra Châu Mỹ, ngành hàng hải nói chung và bảo hiểm hàng hải nói riêng đã phát triển rất nhanh.
Về cơ sở pháp lý thì có thể coi chiếu dụ Barcelona năm 1435 là văn bản pháp luật đầu tiên trong ngành bảo hiểm. Sau đó là sắc lệnh của Philippe de Bourgogne năm 1458, những sắc lệnh của Brugos năm 1537, Fiville năm 1552 và ở Amsterdam năm 1558. Ngoài ra còn có sắc lệnh của Phần Lan năm 1563 liên quan đến hợp đồng bảo hiểm hàng hoá.
Tuy nhiên, phải đến thế kỷ XVI - XVII cùng với sự ra đời của phương thức sản xuất TBCN thì hoạt động bảo hiểm mới phát triển rộng rãi và ngày càng đi sâu vào nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế – xã hội. Mở đường cho sự phát triển này là luật 1601 của Anh thời Nữ hoàng Elisabeth, sau đó là Chỉ dụ 1681 của Pháp do Colbert biên soạn và Vua Louis XIV ban hành, đó là những đạo luật mở đường cho lĩnh vực bảo hiểm hàng hải.
Đến thế kỷ XVII, nước Anh đã chiếm vị trí hàng đầu trong buôn bán và hàng hải quốc tế với Luân Đôn là trung tâm phồn thịnh nhất. Tàu của các nước đi từ Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Phi đều về cập bến hai bờ sông Thame của thành phố Luân Đôn. Các tiệm cà phê là nơi gặp gỡ của các nhà buôn, chủ ngân hàng, người chuyên chở, người bảo hiểm … để giao dịch, trao đổi tin tức, bàn luận trực tiếp với nhau.
Edward Lloyd’s là một thuyền trưởng về hưu bắt đầu mở quán cà phê ở phố Great Tower ở Luân Đôn vào khoảng năm 1692. Các các nhà buôn, chủ ngân hàng, người chuyên chở, người bảo hiểm…thường đến đó để trao đổi các thông tin về các con tầu viễn dương, về hàng hóa chuyên chở trên tàu, về sự an toàn và tinh hình tai nạn của các chuyến tàu…. Ngoài việc quản lý quán cà phê, năm 1696 Edward Lloyd’s còn cho ra một tờ báo tổng hợp các tình hình tàu bè và các vấn đề khác nhằm cung cấp thông tin cho các khách hàng của ông. Tuy nhiên việc làm chính của ông vẫn là cung cấp địa điểm để khách hàng đến giao dịch bảo hiểm, hội họp. Sau khi Edward Lloyd’s qua đời người ta thấy rằng cần phải có một nơi tương tự như vậy để các nhà khai thác bảo hiểm hàng hải tập trung đến giao dịch bảo hiểm và năm 1770, “Society of Lloyd’s” với tư cách là một tổ chức tự nguyện đã thành lập và thu xếp một địa điểm ở Pope’s Head Alley cho các thành viên của họ. Sau đó tổ chức này rời địa điểm đến trung tâm hối đoái của Hoàng gia và ở đó đến năm 1828 thì rời đến toà nhà riêng của họ tại phố Leaden Hall. Tổ chức này hoạt động với tư cách là tổ chức tư nhân đến năm 1871 thì hợp nhất lại theo luật Quốc hội và trở thành Hội đồng Lloyd’s và sau này đã trở thành nơi giao dịch kinh doanh bảo hiểm và hãng bảo hiểm lớn nhất thế giới.
Sau bảo hiểm hàng hải là sự xuất hiện của bảo hiểm hoả hoạn, đánh dấu bằng vụ cháy thảm khốc ở Luân Đôn nước Anh ngày 2/9/1666 hủy diệt 13.000 căn nhà trong đó có hơn 100 nhà thờ trong 4 ngày để lại một sự thiệt hại quá lớn không thể cứu trợ được. Sau đó những nhà kinh doanh ở nước Anh đã nghĩ ra việc cộng đồng chia sẻ rủi ro hoả hoạn bằng cách đứng ra thành lập những Công ty bảo hiểm hoả hoạn như: " Fire Office" (năm 1667), "Friendly Society" (năm 1684), "Hand and Hand" (năm 1696), "Lom Bard House" (năm 1704) ... Lúc đó Công ty bảo hiểm Lloyds đã ra đời nhưng chỉ hoạt động trong lĩnh vực hàng hải. Mãi tới thế kỷ XX mới chuyển sang hoạt động cả lĩnh vực nội địa và tái bảo hiểm.
Nước Pháp do ảnh hưởng của vụ hỏa hoạn ở Luân Đôn, nên năm 1786 công ty bảo hiểm hỏa hoạn đầu tiên mới được thành lập đó là “Company L'assurance Centree L'incendie” và “Company Royade” (năm 1788). Sự kiện đáng được lưu truyền thời gian này và trong lịch sử bảo hiểm là công trình toán học của Pascal về "Hình học của rủi ro " (Lageometric Du Hasard) năm 1654 đã đưa đến toán học xác suất. Đó là cơ sở thống kê xác suất phục vụ cho hoạt động bảo hiểm và ngày nay vẫn được coi là kỹ thuật cơ bản của ngành bảo hiểm.
Còn ở Việt Nam, bảo hiểm xuất hiện từ bao giờ? Không có tài liệu nào chứng minh một cách chính xác mà chỉ phỏng đoán vào năm 1880 có các Hội bảo hiểm ngoại quốc như Hội bảo hiểm Anh, Pháp, Thụy sĩ, Hoa kỳ... đã để ý đến Đông Dương. Các Hội bảo hiểm ngoại quốc đại diện tại Việt Nam bởi các Công ty thương mại lớn, ngoài việc buôn bán, các Công ty này mở thêm một Trụ sở để làm đại diện bảo hiểm. Vào năm 1926, Chi nhánh đầu tiên là của Công ty Franco- Asietique. Đến năm 1929 mới có Công ty Việt Nam đặt trụ sở tại Sài Gòn, đó là Việt Nam Bảo hiểm Công ty, nhưng chỉ hoạt động về bảo hiểm xe ô tô. Từ năm 1952 về sau, hoạt động bảo hiểm mới được mở rộng dưới những hình thức phong phú với sự hoạt động của nhiều Công ty bảo hiểm trong nước và ngoại quốc.
Ở Miền Bắc, ngày 15/01/1965 Công ty Bảo hiểm Việt Nam (gọi tắt là Bảo Việt) mới chính thức đi vào hoạt động. Trong những năm đầu, Bảo Việt chỉ tiến hành các nghiệp vụ về hàng hải như bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu viễn dương….
Phan Tiến Nguyên (sưu tầm)

Tài liệu số 3:
Lịch sử phát triển của dịch vụ bảo hiểm nhân thọ
Con người cùng các thể chế chính trị từng tồn tại trong lịch sử luôn đặt nhiệm vụ hạn chế rủi ro lên hàng đầu. Dịch vụ bảo hiểm ra đời chẳng qua chỉ để làm nhiệm vụ hạn chế rủi ro ấy.
Ở Trung Hoa cách đây hơn 5.000 năm, bảo hiểm được xem là biện pháp ngăn ngừa nạn cướp biển. Lúc bấy giờ bọn cướp biển hoành hành khắp nơi; do vậy để hạn chế rủi ro, khi ra khơi người ta thường bố trí cho nhiều tàu chia nhau chở kèm một phần hàng hóa của một chiếc tàu khác, phòng khi có một chiếc tàu bị bọn cướp biển tấn công thì phần hàng còn lại chở trên những chiếc tàu kia không bị cướp.
Cách nay gần 4,500 năm, ở một nơi khác là đế quốc Babylon cổ, các thương nhân thường phải du thương (buôn bán ở những nơi xa) khá nhiều, và họ đã đối phó với các rủi ro bằng cách đem tiền cho người khác vay. Khi việc vận chuyển hàng hóa đã hoàn tất một cách an toàn, các thương nhân này sẽ bắt người vay tiền hoàn trả khoản vay, kèm theo đó là tiền lời. Vào năm 2100 trước Công Nguyên, đạo luật Hammurabi ra đời đã đặt hoạt động cho vay của các doanh nhân vào khuôn khổ pháp luật. Đạo luật này đã chính thể hóa các khái niệm “bottomry” (chỉ việc mượn tiền trên cơ sở lấy tàu làm bảo đảm) và “respondentia” (chỉ hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy). Các khái niệm này đã đặt nền móng cho thực hiện các hợp đồng bảo hiểm hàng hải. Các hợp đồng loại này gồm 3 yếu tố: khoản vay căn cứ vào giá trị tàu, hàng hóa hay cước vận chuyển; lãi suất; khoản phụ thu cho các trường hợp mất mát có thể xảy ra. Trên thực tế, khi tham gia hợp đồng bảo hiểm, chủ tàu là người được bảo hiểm còn chủ cho vay là người đánh giá rủi ro.
Bảo hiểm nhân thọ xuất hiện ở đế quốc La Mã cổ đại không lâu sau đó. Tại đây người ta đã lập nên các hội mai táng để lo chi phí tang ma cho các thành viên, ngoài ra hội cũng hỗ trợ tài chính cho thân nhân người chết. Khoảng năm 450 sau Công Nguyên, đế quốc La Mã sụp đổ dẫn đến việc hầu hết các khái niệm của bảo hiểm nhân thọ bị lãng quên. Tuy nhiên các mặt, tính chất của nó thì vẫn không hề thay đổi trong suốt thời Trung Cổ, nhất là đối với các phường hội thủ công và thương nghiệp. Các phường hội này đã lập nên nhiều hình thức bảo hiểm thành viên để bù đắp thiệt hại các vụ hỏa hoạn, lũ lụt, trộm cướp; ngoài ra còn có bảo hiểm thương tật, tử vong và thậm chí là bảo hiểm tù ngục (bảo hiểm cho trường hợp người mua bảo hiểm phải vào tù).
Trong suốt thời phong kiến, các ngành du lịch và mậu dịch ngày càng suy yếu và không còn thịnh đạt như trước, do vậy các hình thức bảo hiểm sơ khai cũng bị mai một. Tuy nhiên trong khoảng thời gian từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 16 các ngành giao thông, thương nghiệp và cả dịch vụ bảo hiểm đã phát triển trở lại.
Dịch vụ bảo hiểm ở Ấn Độ bắt nguồn từ bộ kinh Veda của nước này. Đơn cử là trường hợp của tập đoàn bảo hiểm nhân thọ Yogakshema, một Công ty trực thuộc tổng hội liên hiệp bảo hiểm Ấn Độ. Tên của Công ty này được lấy từ trong kinh Rig Veda. Cụm từ Yogakshema cho thấy ở Ấn Độ vào khoảng năm 1000 trước Công Nguyên, hình thức “bảo hiểm cộng đồng” đã phát triển rất thịnh hành và người Aryan khi đó cũng đã tham gia rất nhiều vào hình thức bảo hiểm này.
Tương tự với đế quốc La Mã cổ đại, trong giai đoạn truyền bá đạo Phật người Ấn Độ đã lập nên nhiều hội mai táng để hỗ trợ cho các gia đình xây cất nhà cửa đồng thời che chở, đùm bọc các góa phụ và trẻ nhỏ.
Dịch vụ bảo hiểm ngày nay
Sau Cách Mạng ánh sáng (Glorious Revolution) năm 1688, ở Châu Âu chỉ có Vương Quốc Anh công nhận tính pháp lý của bảo hiểm nhân thọ. Nhờ vậy mà trong suốt 3 thập kỷ sau Cách Mạng ánh sáng, ở Anh dịch vụ này đã phát triển rất mạnh mẽ. Hình thức bảo hiểm mà chúng ta thấy ngày nay có nguồn gốc từ thế kỷ 17. Khi đó ở Anh từng có một nơi gọi là Lloyd’s of London, nơi mà về sau người ta biết tới với cái tên Nhà hàng Cà phê Lloyd’s (Lloyd’s Coffee House). Các thương nhân, chủ tàu và các nhà thầu bảo hiểm khi đó hay tụ tập ở nhà hàng này để bàn công chuyện làm ăn và tiến hành các hợp đồng buôn bán.
Mặc dù được sử dụng như một công cụ hạn chế rủi ro, dịch vụ bảo hiểm nhân thọ vẫn bị cuốn vào trò đỏ đen vốn được xem là bản năng của tầng lớp tiểu tư sản Anh đang phát triển rất mạnh mẽ lúc bấy giờ. Khi đó nạn cá cược lan tràn khắp nơi. Thậm chí nếu đọc báo thấy tin có một nhân vật tiếng tăm nào đấy đang bị bệnh nặng sắp chết, người ta liền phỏng đoán ngày chết của nhân vật này, sau đó đổ về Nhà hàng Cà phê Lloyd’s để đặt cược cho ngày chết ấy. Để thể hiện sự phản đối đối với trò cá cược này, vào năm 1679 đã có 79 nhà thầu bảo hiểm quyết định ly khai ra khỏi Nhà hàng Cà phê Lloyd’s. Hai năm sau họ chung tay lập nên “Nhà hàng Cà phê Lloyd’s mới”, nơi được công chúng biết đến với cái tên “Lloyd’s chân chính”. Đến năm 1774, Quốc hội Anh ra sắc lệnh cấm tổ chức, tham gia cá cược trên ngày chết của con người, từ đó vấn nạn này mới chấm dứt.
Bảo hiểm có mặt ở Mỹ
Ngành công nghiệp bảo hiểm của Hoa Kỳ được xây dựng trên mô hình bảo hiểm Anh. Vào năm 1735, Công ty bảo hiểm đầu tiên của Hoa Kỳ đã ra đời ở Charleston, thủ phủ bang South Carolina. Vào năm 1759, Hội nghị Giáo hội Trưởng lão Philadelphia đã quyết định bảo trợ cho tập đoàn bảo hiểm nhân thọ đầu tiên của Hoa Kỳ. Tập đoàn này hoạt động vì lợi ích của các mục sư và tín đồ. Ngày 22/5/1761, tập đoàn này đã ký kết được hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đầu tiên với công chúng Mỹ.
Mặc dầu vậy, mãi đến 80 năm sau (tức là sau năm 1840) dịch vụ bảo hiểm nhân thọ Mỹ mới thật sự cất cánh. Chìa khóa dẫn đến thành công chính là nhờ các Công ty bảo hiểm đã hạn chế được những sự chống đối từ các nhóm tôn giáo.
Năm 1835, ở New York đã xảy ra một vụ hỏa hoạn đầy tai tiếng. Vụ hỏa hoạn này khiến người dân ở đây lưu tâm nhiều hơn đến nhu cầu phải có nguồn dự trữ để bù đắp cho những thiệt hại nghiêm trọng không thể lường trước. Hai năm sau, Massachusetts trở thành bang đầu tiên ở Mỹ sử dụng luật pháp buộc các Công ty phải tự tích lũy nguồn dự trữ này. Vụ cháy lớn ở Chicago vào năm 1871 càng nhấn mạnh sâu sắc một thực tế: nếu hỏa hoạn bùng lên ở những thành phố đông dân, mức độ thiệt hại sẽ vô cùng to lớn.
Hình thức bảo hiểm trách nhiệm công cộng xuất hiện trong những năm 1880 và cùng với phát minh ra xe ô tô, hình thức bảo hiểm này đã được công chúng đón nhận và ngày càng thể hiện được tầm quan trọng.
Trong suốt quá trình công nghiệp hóa, dịch vụ bảo hiểm đã có rất nhiều bước phát triển. Năm 1897, chính phủ Anh thông qua “Đạo luật bồi thường cho người lao động” (Workmen’s Compensation Act). Đạo luật này buộc các Công ty phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động cho nhân viên.
Trong thế kỷ 19, người ta đã lập ra rất nhiều hội đoàn có trách nhiệm bảo hiểm nhân mạng và sức khỏe cho hội viên. Bên cạnh đó cũng có một số hội kín chỉ cung cấp dịch vụ bảo hiểm lệ phí thấp cho những ai là hội viên của họ. Ngày nay các hội kín này vẫn cứ tiếp tục bảo hiểm cho hội viên; điều này diễn ra tương tự ở hầu hết các tổ chức của người lao động. Có nhiều chủ sử dụng lao động còn lo luôn một lúc nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe cho nhân viên. Các hợp đồng này không chỉ đơn thuần bảo hiểm nhân thọ mà còn đảm bảo quyền lợi cho nhân viên khi họ bị bệnh, bị tai nạn hay về hưu. Trong các hợp đồng này thường nhân viên chỉ phải trả một phần phí bảo hiểm.
Mặc dù ngành công nghiệp bảo hiểm của Hoa Kỳ bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Vương Quốc Anh, thị trường bảo hiểm của nước này lại phát triển theo chiều hướng có phần khác với Anh. Lãnh thổ đất nước rộng lớn, sự phân bố đa dạng về mặt địa lý cùng khát vọng độc lập mãnh liệt của người Mỹ chính là những nguyên nhân góp phần tạo nên sự khác biệt này. Khi Mỹ chuyển mình từ một thuộc địa xa bờ của Anh trở thành một thế lực độc lập và từ một nước nông nghiệp thành nước công nghiệp phát triển, ngành kinh doanh bảo hiểm của nước này cũng phát triển mạnh theo hướng từ một vài Công ty ban đầu trở thành một ngành công nghiệp quy mô lớn.
Tóm lại có thể nói ngành bảo hiểm Mỹ đã phát triển rất tinh vi, sản sinh ra nhiều loại mạng lưới phục vụ và đa dạng hóa dịch vụ để phát triển hài hòa với một quốc gia đang ngày càng phức tạp.
Phạm Thị Mỹ Tiên - BVNT Miền Nam
(Theo tài liệu nước ngoài)