Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







2.28.2012

Thị trường bảo hiểm năm 2011 qua góc nhìn của CEO bảo hiểm

Thị trường bảo hiểm năm 2011 còn khó khăn, chịu ảnh hưởng không nhỏ từ lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, trong “rủi” có “may”, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về bảo hiểm lại gia tăng. Đó là một phần cơ sở cho sự lạc quan của các CEO DN bảo hiểm khi nhìn về triển vọng thị trường năm 2012.
Ông Nguyễn Đức Tuấn, Tổng giám đốc Bảo Việt Nhân thọ: “Cần tăng cường phổ biến ý nghĩa nhân văn của bảo hiểm nhân thọ”
Dù nền kinh tế 2011 còn khó khăn, mức độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm nhân thọ vẫn tương đối khả quan, sản phẩm liên kết chung trên thị trường chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ khác trên thị trường. Trong vài năm qua, thị trường bảo hiểm Việt Nam đã đạt tốc độ phát triển hai con số và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của thị trường bảo hiểm Việt Nam sẽ đạt khoảng 22% trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2014.
Bảo hiểm nhân thọ là một ngành dịch vụ đặc biệt. Dịch vụ này mang lại cho khách hàng sự cam kết bảo vệ trong một thời gian dài, vì vậy, niềm tin và chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng là yếu tố cốt lõi để gây dựng uy tín. Lợi ích của bảo hiểm nhân thọ được cảm nhận rõ nhất khi người tham gia nhận được tiền chi trả bảo hiểm. Tiềm năng thị trường bảo hiểm nhân thọ hiện còn rất lớn, nhưng mức độ phổ cập của bảo hiểm nhân thọ đến người dân còn hạn chế. Để mang bảo hiểm nhân thọ đến gần hơn với người dân Việt Nam, DNBH nhân thọ cần chú trọng chất lượng phục vụ từ khâu tư vấn, quản lý hợp đồng, giám định và chi trả các quyền lợi cho khách hàng; cần đào tạo các đại lý hay các tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp để đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa nhân văn và giá trị bảo vệ của bảo hiểm nhân thọ.
Ông Young Goo Kang, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch Viện Phát triển bảo hiểm Hàn Quốc (KIDI): “Bảo hiểm cần sự quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ Chính phủ”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam cần thêm nhiều sự quan tâm, hỗ trợ nữa từ Chính phủ, cơ quan hữu quan, nhằm tạo điều kiện phát triển thị trường. Bởi, như tôi thấy, trong khi tại các nước, trong đó có Hàn Quốc, sự thành công trong hoạt động bảo hiểm được bắt đầu từ sự hỗ trợ của Chính phủ, thì đây lại là những yếu tố còn hạn chế tại Việt Nam. Cụ thể, tại Hàn Quốc, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm năm 2011 lên tới 98%, và tất nhiên là nhờ có sự hỗ trợ không nhỏ từ Chính phủ. Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc xác định rõ chính sách ưu đãi về thuế có ảnh hưởng đến sự gia tăng và phát triển của ngành bảo hiểm giai đoạn đầu. Các chi phí bảo hiểm cá nhân chi trả theo năm sẽ được trừ thuế, nhằm tăng lợi tức cho các khoản tích lũy từ bảo hiểm của người dân (người dân tham gia tích lũy bảo hiểm trên 10 năm, tiền lời từ khoản tích lũy đó sẽ không phải nộp thuế).
Ngoài ra, Chính phủ cũng đã triển khai triệt để hình thức bắt buộc toàn dân tham gia bảo hiểm y tế.
Ông Võ Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty BHNT Vietinbank Aviva: “Năng lượng từ ‘mỏ trầm tích’ bancassurance”
Thị trường bảo hiểm Việt Nam đã ra đời và phát triển từ khá lâu, nhưng tỷ trọng trên thị trường vẫn còn nhỏ so với nhu cầu của một đất nước hơn 90 triệu dân. Thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn để khai thác và vẫn còn cơ hội cho những DNBH mới. Sự đa dạng về thu nhập, ngành nghề, độ tuổi, sở thích của dân cư đòi hỏi các DNBH phải nắm bắt và thiết kế được những danh mục sản phẩm bảo hiểm phù hợp. Cơ hội sẽ dành cho những công ty khai thác đúng nhu cầu của thị trường. Rõ ràng, thị trường bancassurance Việt Nam còn rất rộng mở, bao gồm cả thách thức lẫn cơ hội cho cả các DNBH. Có thể ví von, bancassurance của Việt Nam như những “mỏ trầm tích” thô và sâu, cần phải được khai phá. Thách thức đặt ra cho các DNBH là phải xây dựng được chiến lược nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi được bảo hiểm; phải hoàn thiện hệ thống đào tạo cũng như chất lượng phục vụ khách hàng để thực sự tạo ra sự tin tưởng của người dân; nhằm tạo ra xu thế trong tương lai.
Công ty BHNT Vietinbank Aviva cũng có chiến lược tạo ra những thị trường ngách và năng lực cốt lõi của mình. Trong đó, kênh phân  phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng bancassurance là lợi thế lớn của công ty.
Bà Đỗ Thị Kim Liên, Tổng giám đốc CTCP Bảo hiểm AAA: “Lạc quan với ‘may’ trong ‘rủi’”
Lạm phát không chỉ tác động giảm doanh thu từ nghiệp vụ bảo hiểm, mà mảng đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm phi nhân thọ cũng bị ảnh hưởng, bởi TTCK từ đầu năm tới nay vẫn ảm đạm, thị trường bất động sản “đóng băng” và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tuy nhiên, ở khía cạnh khác, lạm phát làm tăng rủi ro cho nền kinh tế và khi đó, nhu cầu về bảo hiểm lại gia tăng. Nhìn lại bức tranh tăng trưởng của thị trường trong những năm qua: năm 2006, lạm phát 7,7%, bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16,78%; năm 2007, lạm phát 12,63%, bảo hiểm nhân thọ vẫn tăng trưởng 28%; năm 2008, lạm phát tăng tới 22%, tăng trưởng của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ tăng đột biến 33,52%; năm 2010, lạm phát của Việt Nam là 11,5%, tăng trưởng của các DNBH phi nhân thọ là gần 25%, một tín hiệu lạc quan và đầy khởi sắc. Trong năm 2011, số lượng DNBH thua lỗ về nghiệp vụ ngày càng giảm; hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh bằng hạ phí, mở rộng điều kiện, điều khoản bảo hiểm phi kỹ thuật sẽ hạ nhiệt. Nhiều DNBH đã quản lý tốt rủi ro, chú trọng đến hiệu quả kinh doanh hơn là tăng doanh thu bằng mọi giá.
Cho dù năm 2011 còn nhiều khó khăn, nhưng với kết quả đạt được trong năm 2011 cùng với sự đồng lòng của toàn ngành bảo hiểm, thị trường bảo hiểm năm 2012 được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định và an toàn.