Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







7.21.2012

Rộ tin HSBC muốn thoái hết vốn khỏi Bảo Việt

Thông tin được loan đi ngày 18/7, chưa đầy 2 tháng trước khi HSBC hết thời hạn bắt buộc nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt. Tuy nhiên, các bên liên quan hiện vẫn từ chối bình luận về khả năng thoái vốn.> HSBC muốn mua trên 25% cổ phần của Bảo Việt

Tại đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance vẫn khẳng định muốn nâng tỷ lệ sở hữu tại tập đoàn này lên 25%. Ảnh: Nhật Minh

Thông tin về việc HSBC có ý định thoái vốn khỏi Bảo Việt rộ lên sau khi hãng tin Reuters, trong bản tin phát đi trưa 18/7, cho biết ngân hàng lớn nhất châu Âu đang tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng toàn bộ 18% cổ phần tại tập đoàn này. Thông tin được xác nhận bởi một nguồn giấu tên, nhưng liên quan trực tiếp tới thương vụ.
Ngoài ra, Reuters còn tiết lộ thêm giá trị chuyển nhượng được HSBC dự kiến ở mức 400 triệu USD, trong khi giá trị thị trường của 18% cổ phần Bảo Việt mà ngân hàng này đang sở hữu ước khoảng 250 triệu USD. Kỳ vọng dựa trên vị thế thị trường của Bảo Việt trên thị trường bảo hiểm tại Việt Nam hiện nay, cũng như khả năng gia tăng sở hữu lên tối đa 25% dành cho bên nhận chuyển nhượng. Bản tin này cũng cho biết đối tác tiềm năng nhất của HSBC trong thương vụ chuyển giao cổ phần Bảo Việt là Sumitomo Life, một trong 4 hãng bảo hiểm nhân thọ lớn nhất Nhật Bản. Tuy nhiên, HSBC vẫn bỏ ngỏ các cơ hội khác.
Trao đổi với VnExpress.net chiều 18/7, HSBC Việt Nam cũng như Bảo Việt đều cho biết không bình luận gì về các “tin đồn trên thị trường”.
HSBC trở thành cổ đông chiến lược của Bảo Việt vào giữa tháng 9/2007, sau khi mua 10% cổ phần của tập đoàn này với giá trị khoảng 225 triệu USD. Theo thỏa thuận tại thời điểm đó, HSBC cam kết nắm giữ cổ phiếu BVH tối thiểu 5 năm. Sau khi Bảo Việt niêm yết tại sàn TP HCM năm 2009, HSBC tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu lên 18%.
Đầu năm 2011, HSBC cũng đưa thêm một đại diện là ông Charles Gregory - Trưởng đại điện HSBC Insurance tại Việt Nam vào Hội đồng quản trị Bảo Việt, cùng với thành viên trước đó là ông David Fried. Phát biểu tại Đại hội cổ đông năm 2011 của Bảo Việt, bản thân Giám đốc Châu Á - Thái Bình Dương của HSBC Insurance - David Fried vẫn cho biết đang tiến hành thương thảo với lãnh đạo của Bảo Việt về lộ trình nâng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu BVH lên 25%.
Nguồn: Nhật Minh - VnExpress

Vụ HSBC thoái vốn: Bảo Việt nói gì?
Đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì. “Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.

Khi ký hợp đồng, cả hai bên đều khẳng định cam kết đầu tư lâu dài. Vì vậy cũng dễ hiểu sự tò mò chuyện hậu trường khi HSBC "đánh tiếng" thoái vốn tại BVH.


Sau thông tin HSBC có ý định tìm kiếm đối tác để chuyển nhượng phần vốn nắm giữ tại Tập đoàn Bảo Việt (BVH) được một số báo trích dẫn nguồn từ Hãng thông tấn Reuters, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, ông Lê Quang Bình cho hay: đến thời điểm này, phía Bảo Việt chưa nhận được thông tin gì.“Thông qua liên lạc của các bộ phận, phía HSBC cũng cho biết chưa có thông tin gì về thương vụ này”, ông Bình nói.



Thoái vốn, cơ sở nào?

Những tin đồn về khả năng HSBC thoái vốn đầu tư tại Bảo Việt đã xuất hiện cách đây khoảng 1 năm và gây sự chú ý lớn cho thị trường, dù báo chí khi đó không đăng tải. Hiện tại, thông tin này một lần nữa lại rộ lên, sau khi Reuters trích dẫn nguồn tin của mình, nhưng không được xác nhận một cách chính thống bởi bất kỳ 1 trong 3 đơn vị có liên quan: HSBC, Bảo Việt và Sumitomo (đơn vị được thị trường đồn thổi là đang đàm phán với HSBC để mua lại cổ phần của Bảo Việt).

Trao đổi với ĐTCK, ông Bình cho biết: “Đến thời điểm này, thông tin thoái vốn của HSBC chỉ là tin đồn. Bảo Việt là công ty niêm yết, nên chúng tôi sẽ thực hiện công bố đầy đủ thông tin cho NĐT ngay khi phát sinh các sự kiện như trên. Chúng tôi không muốn NĐT đón nhận thông tin không chính thống, để tránh việc ra các quyết định sai lầm”.

Theo thỏa thuận đối tác chiến lược giữa HSBC và Bảo Việt từ năm 2007 (khi HSBC bắt đầu sở hữu hơn 10% vốn điều lệ của Bảo Việt), HSBC cam kết sẽ nắm giữ cổ phiếu Bảo Việt trong vòng 5 năm. Như vậy, 2012 là thời điểm kết thúc cam kết nắm giữ cổ phiếu. Trước đó, HSBC toàn cầu đã thoái một phần vốn khỏi lĩnh vực bảo hiểm hồi tháng 2/2012.



Đầu tư vào BVH, HSBC đang có lãi?

Sau phiên tăng giá trần ngày 19/7, tổng giá trị cổ phiếu BVH mà HSBC nắm giữ theo giá thị trường là gần 270 triệu USD, thấp hơn nhiều so với số tiền xấp xỉ 360 triệu USD mà HSBC đã bỏ ra để trở thành đối tác chiến lược tại Bảo Việt.

Tuy nhiên, cái giá của việc trở thành đối tác chiến lược của một đơn vị có vị thế lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam là không nhỏ, nên kỳ vọng bán với giá 400 triệu USD, tức bằng khoảng 150% giá thị trường hiện tại như nguồn tin cung cấp cho Reuters là có thể.

Khi đó, việc HSBC nắm giữ cổ phiếu BVH trong khoảng thời gian 3 - 5 năm qua, mang lại 10% lợi nhuận kỳ vọng không phải là lớn, nhưng cũng có thể coi là thành công trong bối cảnh thị trường tài chính bấp bênh như thời gian vừa qua.

Đối với Bảo Việt, trong thỏa thuận đối tác chiến lược với HSBC, tập đoàn này được cam kết hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực, quản trị rủi ro, hệ thống công nghệ… Hàng năm, Bảo Việt cũng cử nhân sự đi tham gia các chương trình đào tạo của HSBC. Năm 2011, Bảo Việt chi 65 tỷ đồng chi phí dự án hỗ trợ và chuyển giao năng lực kỹ thuật cho HSBC. Ngoài ra, HSBC là đối tác phân phối sản phẩm bảo hiểm do Bảo Việt cung cấp.

Ông Lê Quang Bình cho hay, trong việc phát triển các hệ thống phần mềm, quản trị rủi ro…, HSBC chỉ đóng vai trò tham vấn và là đối tác cung cấp dịch vụ thương mại. Đối với việc phân phối sản phẩm qua HSBC, HSBC cũng chỉ là một đối tác.

“Chúng tôi không tách doanh thu cung cấp thông qua HSBC, nhưng cũng giống như nhiều ngân hàng khác, HSBC chỉ là một đối tác phân phối sản phẩm”, ông Bình nói.

Theo Bùi Sưởng - ĐTCK