Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







5.26.2012

Tổng hợp ý kiến của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các Doanh nghiệp Bảo hiểm về dự thảo nghị định sửa đổi bổ sung nghị định 123, 124



1.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 123/2008/NĐ-CP  
1.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung được sửa đổi bổ sung tại điều 2a (đối tượng không tính thuế GTGT) đã được ghi rõ ràng, cụ thể hơn trong đó có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động bảo hiểm như thuê chuyên gia tại nước ngoài tư vấn xây dựng sản phẩm bảo hiểm, quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm, đánh giá rủi ro và tính phí bảo hiểm cho một đối tượng bảo hiểm, giám định tổn thất và bồi thường tổn thất (xảy ra ở nước ngoài và cho người nước ngoài và cho người nước ngoài), sửa chữa máy bay tàu biển, thậm chí sửa chữa một số chi tiết linh kiện phụ tùng ở nước ngoài...
1.2.        Đề nghị bổ sung điều 2a trường hợp sau:
¾         DNBH gốc nước ngoài nhận hoa hồng tái bảo hiểm từ doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm trong nước và ngược lại, không nên cho rằng hoa hồng nhượng tái bảo hiểm là doanh thu. Thực chất đây là hoàn trả một phần chi phí khai thác bảo hiểm (chi phí cho nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng môi giới bảo hiểm, hoa hồng đại lý bảo hiểm, văn phòng phẩm, chi phí bưu chính viễn thông... của DNBH gốc đã chi đã nộp VAT được cấu thành nên phí bảo hiểm gốc sau nhượng tái bảo hiểm một phần phí bảo hiểm gốc cho nhà nhận tái bảo hiểm trong và ngoài nước).
¾         Tiền bồi thường của nhà nhận tái bảo hiểm cho DNBH gốc không phải là doanh thu vì phải trả cho người tham gia bảo hiểm bị tổn thất. Đây là thực hiện cam kết của nhà nhận tái bảo hiểm chia sẻ rủi ro cùng gánh vác trách nhiệm bồi thường cho tổn thất xảy ra đối với bảo hiểm gốc.
¾         Đề nghị bổ sung điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Doanh nghiệp chỉ thực hiện duy nhất dịch vụ đại lý bảo hiểm nhân thọ (tổng đại lý, ngân hàng và các doanh nghiệp có cung cấp dịch vụ Bảo hiểm nhân thọ) là đối tượng không chịu thuế GTGT.”
¾         Đề nghị thêm vào điều 1.4 phần Đối tượng không chịu thuế GTGT: “Hàng hoá, dịch vụ DNBH nhân thọ mua về dùng để khuyến mại, quảng cáo, cho, biếu tặng phục vụ cho sản xuất, kinh doanh của hoạt động bảo hiểm nhân thọ là đối tượng không chịu thuế GTGT.” Khách hàng tham gia bảo hiểm được xem là tiếp tục khâu phân phối sản phẩm bảo hiểm (chi phí lưu thông đi kèm với bán sản phẩm bảo hiểm) tiếp tục khâu sản xuất kinh doanh đã nộp thuế GTGT khi mua hàng không được hoàn thuế nên không chịu thuế GTGT khi xuất kho cho công việc nói trên
¾         Tại mục các trường hợp không phải tính thuế GTGT (Điều 2a, điểm 2): đề nghị bổ sung trường hợp khách hàng nhận bồi thường bằng tiền từ DNBH khi không tiến hành sửa chữa, thay thế.
1.3.        Tại Điểm 6, Điều 15 Thông tư 153/2010/TT-BTC về hóa đơn có quy định "Bên ủy nhiệm và bên nhận ủy nhiệm phải tổng hợp báo cáo định kỳ việc sử dụng các hoá đơn ủy nhiệm". Đề nghị thêm vào phần Hóa đơn, chứng từ mua bán hàng hóa, dịch vụ: “Bên nhận ủy nhiệm không phải báo cáo sử dụng các hóa đơn ủy nhiệm.” Đây là thủ tục không cần thiết vì cơ quan thuế của bên nhận ủy nhiệm không có thu thuế và bên ủy nhiệm đã báo cáo các hóa đơn này cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp rồi.  Quy định này chỉ làm phức tạp thêm thủ tục thuế mà thực tế không có mục đích sử dụng đối với cơ quan thuế quản lý đơn vị nhận ủy nhiệm.  
1.4.        Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm và Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật trên.
Có 2 vấn đề cần quan tâm với việc đánh thuế GTGT đối với DNBH hoạt động tại nước ngoài bán bảo hiểm qua biên giới vào Việt Nam và chi nhánh DNBH nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (tổ chức có kinh doanh nhưng không phải là một pháp nhân đầy đủ).
Với giác độ là người tiêu dùng (người tham gia bảo hiểm) có nhu cầu về dịch vụ bảo hiểm và mua bảo hiểm là người Việt Nam hoặc đang hoạt động tại Việt Nam khi mua bảo hiểm của DNBH đang hoạt động ở nước ngoài hoặc chi nhánh DNBH nước ngoài tại Việt Nam thì họ vẫn phải nộp thuế GTGT tại Việt Nam.
Đánh thuế GTGT như trên sẽ đảm bảo quyền và lợi ích cho các DNBH đang hoạt động tại Việt Nam (kể cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài). Nếu 2 đối tượng này không phải nộp thuế GTGT thì tạo ra lợi thế cạnh tranh với DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, phí bảo hiểm của họ ít nhất sẽ thấp hơn 10% vì không có thuế GTGT.
2.             Các ý kiến đóng góp cho dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP
2.1.        Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Nghị định thể hiện được tinh thần vừa đảm bảo nguồn thu, vừa tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa sát với đặc thù của một số ngành, trong đó có hoạt động kinh doanh bảo hiểm về thuế nhà thầu đối với tái bảo hiểm ra nước ngoài 0,1% doanh thu chịu thuế thay cho 2% như quy định hiện hành. Hoạt động tái bảo hiểm có đặc thù riêng, hàng năm DNBH gốc tại Việt Nam ký hợp đồng tái bảo hiểm cho DNBH nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài cho tất cả các hợp đồng bảo hiểm gốc sẽ phát sinh trong cả một năm sau nhằm chia sẻ gánh nặng bồi thường nếu tổn thất xảy ra cho DNBH gốc và xác định mức trách nhiệm cao nhất (số tiền bảo hiểm) mà DNBH gốc được ký kết trong phạm vi nhượng tái bảo hiểm ra nước ngoài (nếu vượt quá số này DNBH gốc phải tự gánh chịu bồi thường). Trên cơ sở có hợp đồng tái bảo hiểm ra nước ngoài làm chỗ dựa vững chắc, các DNBH gốc tại Việt Nam sẵn sàng ký hợp đồng bảo hiểm gốc với các tổ chức, cá nhân đang hoạt động tại Việt Nam số tiền bảo hiểm lớn có đối tượng được bảo hiểm đến hàng chục triệu USD hoặc lớn hơn nữa thì được thu xếp bằng hợp đồng tái bảo hiểm khác. Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định DNBH chỉ được giữ lại mức tối đa bằng 10% vốn chủ sở hữu (theo Luật quy định vốn chủ sở hữu tối thiểu bằng vốn pháp định 300 tỷ đ). Như vậy với công trình, đối tượng bảo hiểm có giá trị trên 30 tỷ đồng đều phải tái bảo hiểm (thực tế các DNBH Việt Nam tiềm lực tài chính có hạn nên chỉ giữ lại ở mức 300.000 USD đến 1.000.000 USD). Như vậy tái bảo hiểm là nhu cầu cần thiết không thể thiếu được của thị trường bảo hiểm. Nhưng đa số các tài sản ở mức không phải tái bảo hiểm. Các tài sản, đối tượng có giá trị lớn phải tái bảo hiểm thì trước hết là tái bảo hiểm trong nước sau đó mới tái ra nước ngoài (15%-20% phí bảo hiểm toàn thị trường). Các DNBH nhận tái bảo hiểm nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài hầu hết thuộc diện nước có ký hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam nên thực ra nguồn thu không nhiều. Song để làm thủ tục miễn thuế quá phức tạp, ngoài hợp đồng tái bảo hiểm còn hợp đồng bảo hiểm gốc và các thủ tục buộc nhà nhận tái bảo hiểm ở nước ngoài phải có nên khó thực hiện. Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm nước ngoài không hiểu chính sách thuế này của Việt Nam (vì nước họ không đánh loại thuế này) nên cho rằng doanh nghiệp Việt Nam gây khó dễ hoặc ngại nhận tái bảo hiểm cho Việt Nam gây khó khăn cho khâu tái bảo hiểm ra nước ngoài. Vì vậy thực chất đánh thuế nhà thầu tái bảo hiểm ra nước ngoài là gánh nặng cho DNBH đang hoạt động tại Việt Nam, làm tăng chi phí bảo hiểm cho người dân và tổ chức tại Việt Nam có nhu cầu mua bảo hiểm. Nếu đánh thuế 0,1% chắc chắn sẽ tháo gỡ khó khăn trên cho thị trường bảo hiểm, DNBH sẽ kê khai đóng thuế thay cho việc bỏ thêm chi phí phô tô công chứng và trả lương cho người làm công tác kê khai để hưởng chính sách miễn giảm thuế.
2.2.        Khoản 2 Điều 1 của Dự thảo sửa đổi Điều 3 Nghị định 124/2008/NĐ-CP về thu nhập chịu thuế, trong đó “thu nhập khác” có bao gồm quy định mới về: “Khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ; khoản nợ phải trả đã quá hạn thanh toán từ 3 năm trở lên nhưng chưa phải trả chủ nợ” (điểm h). Song Dự thảo lại không quy định trường hợp sau này nếu xác định được chủ nợ hay sau 3 năm chủ nợ lại yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán các khoản nợ phải trả đó, thì các khoản nợ được thanh toán này sẽ được tính lại như thế nào. Đề nghị nên bổ sung quy định: “các khoản nợ phải trả này sau khi đã đưa vào thu nhập khác và chịu thuế TNDN, nếu xác định được chủ nợ hay chủ nợ có yêu cầu thanh toán và doanh nghiệp đã thanh toán, thì được tính lại vào khoản chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN”.
2.3.        Các sản phẩm hàng hóa khác được thực hiện khuyến mãi giảm giá để khuyến khích tiêu thụ trong khi đó sản phẩm bảo hiểm lại không được thực hiện khuyến mãi giảm giá. Đề nghị thêm vào Điều 1.2 phần Doanh thu tính thuế: “giảm giá bán, chiết khấu thương mại dành cho khách hàng của sản phẩm bảo hiểm”.  Nếu cần thiết thì quy định các công ty bảo hiểm phải đăng ký chương trình khuyến mãi theo hình thức giảm giá với Bộ Tài Chính để kiểm soát.
2.4.        Dịch vụ bảo hiểm y tế tại Việt Nam chưa phù hợp tiêu chuẩn đối với người lao động nước ngoài.  Do vậy, doanh nghiệp phải mua bảo hiểm y tế ở nước ngoài cho đối tượng này nhưng lại không được tính trừ vào thu nhập chịu thuế cho dù đã có ghi rõ trong hợp đồng lao động. Đề nghị thêm vào Điều 1.6 phần Các khoản chi được trừ và không được trừ: cho tính trừ vào thu nhập tính thuế TNDN đối với khoản chi mua bảo hiểm y tế của người nước ngoài và có quy định trên Luật lao động việc mua bảo hiểm y tế cho người nước ngoài.
2.5.        Khoản 3 Điều 6 đề nghị bổ sung:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng, việc xác định thu nhập chịu thuế đối với một số hoạt động sản xuất, kinh doanh được quy định như sau:
a)     Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn (trừ thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán quy định tại điểm b khoản này) được xác định bằng tổng số tiền thu theo hợp đồng chuyển nhượng trừ (-) giá mua phần vốn được chuyển nhượng, trừ (-) chi phí liên quan trực tiếp đến việc chuyển nhượng;
2.6.        Đề nghị bổ sung tương tự trong điều 13:
“Sau khi đã trừ đi chỉ số CPI (được Chính phủ công bố hàng năm) kể từ ngày sở hữu cho đến ngày chuyển nhượng. Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản bao gồm thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ cho thuê lại đất của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản theo quy định của pháp luật về đất đai không phân biệt có hay không có kết cấu hạ tầng, công trình kiến trúc gắn liền với đất; thu nhập từ chuyển nhượng nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó không phân biệt có hay không có chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng quyền thuê đất; thu nhập từ chuyển nhượng các tài sản khác gắn liền với đất đai”.
2.7.        Các khoản trích lập Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho thời gian người lao động đã được đóng bảo hiểm thất nghiệp thì sẽ được xem là chi phí hợp lý và được khấu trừ doanh thu khi tính thu nhập chịu thuế, ngoại trừ quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm cho lao động có thời gian làm việc tại doanh nghiệp trước ngày 01/01/2009 và chưa được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm thì vẫn được được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế.
2.8.        Theo dự thảo Tờ trình của Bộ Tài chính về việc Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 124/2008/NĐ-CP thì Bộ Tài chính có ý kiến cho rằng để tránh tình trạng chuyển giá, trốn thuế TNDN tại Việt Nam nên phải nâng tỷ lệ thuế nhà thầu khấu trừ tại nguồn theo %/ doanh thu đối với dịch vụ mua của nhà thầu nước ngoài. Theo đó, trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đã đề nghị tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua ngoài là 10% trên doanh thu thay thế tỷ lệ quy định tại Nghị định 124/2008/NĐ-CP là 5% trên doanh thu. Chúng tôi nhận thấy mức tăng của thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài theo dự thảo Nghị định là quá cao, điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động vì thông thường nhà thầu nước ngoài sẽ yêu cầu doanh nghiệp trong nước phải chịu khoản thuế nhà thầu này. Hơn nữa, việc tăng tỷ lệ thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài sẽ làm tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và hệ quả là có thể sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, thay vì chỉ sử dụng biện pháp tăng mức thuế nhà thầu đối với dịch vụ mua của nước ngoài từ 5% lên thành 10%, Bộ Tài chính nên xem xét chỉ cần tăng lên mức 7% trên doanh thu đồng thời kết hợp các biện pháp phi thuế quan nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá như Bộ Tài chính đã nêu trong dự thảo Tờ trình. Ngoài ra, đề nghị đối với các dịch vụ mà các bên đã ký hợp đồng trước ngày Nghị định sửa đổi, bổ sung có hiệu lực thi hành thì sẽ áp dụng mức tỷ lệ thuế nhà thầu là 5%.
2.9.        Hoa hồng của nhà nhận tái bảo hiểm nước ngoài trả cho DNBH gốc thực chất là hoàn trả chi phí cho DNBH gốc đã bỏ ra chi phí khai thác bảo hiểm (trả nhân viên trực tiếp khai thác, hoa hồng đại lý, hoa hồng môi giới, chi phí giao dịch khác). Vì vậy đây không nên coi là khoản doanh thu mà chỉ nên cho vào giảm trừ chi phí.
2.10.     Tương tự như trên, hoa hồng nhận tái bảo hiểm của DNBH gốc nước ngoài được hưởng khi tái bảo hiểm sang Việt Nam cũng nên coi là giảm trừ chi phí.
Nguồn: Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam