Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







10.08.2011

Chuỗi bài về mô hình tập đoàn ở Việt nam

Luật gia Vũ Xuân Tiền
Giám đốc Công ty tư vấn VFAM VN
Hiện nay, việc thành lập các tập đoàn kinh tế và mô hình "Công ty mẹ - Công ty con" đang diễn ra khá sôi động ở nước ta. Đã có không ít bài viết, bài phát biểu đặt đầy "niềm tin và hi vọng" vào mô hình được gọi là mới này. Song, sự hình thành các tập đoàn kinh tế ở nước ta trong thời gian qua còn nhiều điều đáng bàn.
Điều đầu tiên là cho đến nay, những nghiên cứu cơ bản về tập đoàn, về mô hình công ty mẹ - công ty con ở nước ta còn rất ít. Còn rất nhiều vấn đề về mặt lý luận chưa được trao đổi và thống nhất với tinh thần thẳng thắn, khách quan và khoa học. Chẳng hạn, thế nào là một tập đoàn kinh tế? Gọi là tập đoàn kinh tế hay tập đoàn DN? Tập đoàn có phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân hay không? Khi chưa hiểu thấu đáo về tập đoàn và công ty mẹ - công ty con mà đã "cho ra" hàng loạt thì chắc chắn sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong điều hành. Một vấn đề rất cơ bản là: tập đoàn không phải là một tổ chức có tư cách pháp nhân. Các doanh nghiệp tự nguyện gia nhập tập đoàn đều có tư cách pháp nhân đầy đủ và hoạt động độc lập. Vì vậy, không có một mệnh lệnh hành chính nào có hiệu lực trong tập đoàn. Cũng vì vậy, không có một quyết định hành chính của bất kỳ cấp quản lý nào về việc thành lập tập đoàn. Trong các tập đoàn trên thế giới, không tồn tại chức danh Tổng Giám đốc tập đoàn mà chỉ có Chủ tịch tập đoàn do Hội đồng chủ tịch của các công ty con bầu ra. Ngay ở nước ta hiện nay, trong khu vực kinh tế dân doanh, một số tập đoàn đã hình thành và hoạt động có hiệu quả như: Tập đoàn PG tại Hải Phòng; Việt Á; Sunfat, Hòa Phát, Nam Cường, v.v… Các tập đoàn này không có quyết định thành lập của cấp chính quyền nào và cũng không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho toàn tập đoàn. Vừa qua một số tập đoàn được thành lập trên cái nền là các TCty nhà nước lại được thành lập theo một quyết định hành chính, chỉ rõ tập đoàn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Đồng thời, lại có quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc tập đoàn. Liệu việc hình thành các tập đoàn trong DNNN ở nước ta hiện nay mới chỉ là việc đổi tên từ TCty thành tập đoàn? Vào năm 1990 - 1991, chúng ta cho ra đời các TCty 90/91 và khi đó không ít người hi vọng rằng, đó sẽ là những "quả đấm thép" của nền kinh tế VN các TCty này sẽ cạnh tranh ngang ngửa với các tập đoàn lớn trên thế giới. Song, qua gần 16 năm, "quả đấm thép" chưa thấy xuất hiện. Từ đó, câu hỏi được đặt ra là, nếu chúng ta cứ tiếp tục đổi tên các TCty thành tập đoàn hoặc tập hợp các DN độc lập vào một cái với tên gọi là "tập đoàn" thì nền kinh tế có được sự thay đổi gì về chất? Hôm nay, ông X là Tổng giám đốc TCty, ngày mai, cũng chính ông ấy được gọi là Tổng giám đốc tập đoàn thì liệu có vì thế mà ông X giỏi hơn, liêm khiết hơn trước không? Thiết nghĩ, " dục tốc bất đạt", cần có những nghiên cứu thật thấu đáo về mô hình cùng với sự lựa chọn những DN thật sự có khả năng liên kết để cho các tập đoàn ra đời phát huy được sức mạnh bản chất của nó.




Nước ta đang chủ động và tích cực đàm phán gia nhập WTO, trong đó vấn đề sống còn được đặt ra là năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào. Trong những yếu tố nhằm nâng cao nâng lực cạnh tranh thì việc đổi mới tổ chức quản lý của tất cả các doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn đóng vai trò quyết định. Thực tế cho thấy những tập đoàn kinh tế mạnh là “đội quân chủ lực” đảm bảo quá trình hội nhập thành công. Nhiều TCT của Việt Nam đã và đang xây dựng mô hình tập đoàn kinh tế. Một cuộc hội thảo 2 ngày (31/5 và 1/6/2005) do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương tổ chức là dịp để các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách cùng nhau bàn về “hình hài” của các tập đoàn kinh tế tương lai của Việt Nam.
“Mẹ” không bảo được “con”.
TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trước đây khi Thủ tướng ký quyết định 91 thành lập 18 TCT là đã ềcó ýể xây dựng theo mô hình tập đoàn kinh tế như ở Hàn Quốc; nhưng về quy mô, vốn, tổ chức... chưa phải là tập đoàn. Vốn là vấn đề “cốt tử”, nhưng hầu hết các TCT chưa phải “mẹ - con” thực sự vì “mẹ” không có vốn nên không chi phối được “con”. Theo TS. Trần Tiến Cường, Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay TCT 91 chiếm tới 70% thu ngân sách của toàn bộ khu vực DNNN, tuy nhiên trình độ tích tụ và tập trung còn chậm, yếu so với khu vực và so với yêu cầu hình thành tập đoàn kinh tế. Những TCT được Nhà nước quan tâm hỗ trợ và đầu tư đạt trình độ tích tụ và tập trung cao hơn hẳn các TCT khác. Chỉ riêng 3 TCT Điện lực, Dầu khí, Bưu chính Viễn thông đã chiếm xấp xỉ 65% tổng vốn tự bổ sung của tất cả các TCT 91. Còn có tình trạng nguồn vốn của các TCT phụ thuộc vào vốn NSNN, trong khi nguồn vốn trong xã hội bị hạn chế do cơ cấu đơn sở hữu là chủ yếu. Số TCT có phân công chuyên môn hoá, hợp tác hoá mạnh mẽ còn quá ít (trừ TCT Điện lực, Bưu chính Viễn thông... đã hình thành các khối doanh nghiệp gắn bó hữu cơ về chức năng, nhiệm vụ). Nhiều TCT mang tính tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm, đối tượng khách hàng và thị trường nên dẫn đến xung đột về lợi ích. Liên kết giữa các doanh nghiệp trong TCT trên cơ sở hành chính của các quyết định “thu gom” các doanh nghiệp đã tồn tại trước khi có TCT với tính chặt chẽ của liên kết hành chính nhưng lỏng lẻo về quan hệ kinh tế và phân chia lợi ích như các tập đoàn. Về cơ bản đó là liên kết của các đơn vị thành viên thuộc một sở hữu duy nhất (Nhà nước), trong khi các tập đoàn trên thế giới có đan xen và đa dạng về sở hữu.
Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai xây dựng đề án hình thành tập đoàn dầu khí, điện lực, than, công nghiệp xi măng, dệt may, bưu chính viễn thông. Đây là những TCT có quy mô lớn, mạng lưới thành viên có quan hệ mật thiết, liên doanh và hợp tác với nhiều đối tác. Tuy nhiên, lúng túng trong giải quyết các vấn đề cụ thể khi xây dựng đề án hiện nay là mối quan hệ và liên kết giữa các đơn vị trong tập đoàn, cơ chế thực hiện liên kết; cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý (thành phần, quyền, trách nhiệm và mối quan hệ giữa các bộ phận quản lý trong bộ máy quản lý tập đoàn); thương hiệu của tập đoàn; quy mô vốn điều lệ và các tiêu chí khác để xác lập tập đoàn; cơ chế chính sách đối với tập đoàn. Ngay như địa vị pháp lý của tập đoàn vẫn còn những ý kiến khác nhau như tập đoàn có hay không tư cách pháp nhân, đăng ký hay không đăng ký, có hay không bộ máy quản lý riêng. Hiện vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về nguyên tắc hình thành tập đoàn trên cơ sở TCT Nhà nước: thuần tuý thị trường hay chỉ cần quyết định hành chính hay kết hợp cả 2 nguyên tắc trên.  
Không có mô hình duy nhất cho tất cả
Nhiều chuyên gia của các Bộ, ngành cho rằng không nên ềáp đặtể cứng nhắc một mô hình tập đoàn cụ thể nào đối với tất cả các TCT. “Một mô hình thành công đối với TCT khai khoáng là TCT Than chẳng hạn chưa chắc đã hiệu quả đối với TCT sản xuất như Xi măng” - Bà Allanda McConnell, Công ty Ernst & Young Việt Nam nói vậy và khẳng định các TCT cần phân tích thấu đáo chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó mà lựa chọn hướng đi cho mình. Theo TS. Nguyễn Thanh Thực, Bộ Khoa học Công nghệ thì mô hình tập đoàn sắp tới sẽ phải là “phi chủ quản”, không nên để cơ chế hành chính “tràn” sang cơ chế tài chính trong quản lý. Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính bên cạnh việc nhất trí mỗi TCT có thể lựa chọn cho mình một mô hình riêng nhưng những nguyên lý, cơ chế vận hành... vẫn phải tuân theo nguyên tắc chung của tập đoàn kinh tế. Chẳng hạn, một trong những hạn chế lớn nhất hiện nay của các TCT là cơ chế hạch toán độc lập, khiến các doanh nghiệp thành viên thoát khỏi sự quản lý của TCT, nay nếu các tập đoàn chỉ có các thành viên hạch toán phụ thuộc thì liệu có hình thành tập đoàn hay không? Mặt khác, tập đoàn là tổ hợp các thành viên có tư cách pháp nhân nhưng bản thân nó lại không có tư cách pháp nhân, nếu coi tập đoàn cũng có tư cách pháp nhân như trước đây thì vấn đề sẽ trở nên rất phức tạp. Đây là điều mà các TCT cần cân nhắc kỹ. TS. Trần Tiến Cường, tác giả của đề án xây dựng tập đoàn kinh tế ở Việt Nam giải thích, tuy không áp dụng một cơ cấu đồng nhất, nhưng “mẹ - con” phải là cơ cấu chủ đạo, trong đó công ty mẹ có vốn đầu tư đa dạng ở các dạng hình công ty con. Công ty mẹ là DNNN (Nhà nước giữ 100% vốn hoặc có cổ phần, vốn góp chi phối), trực tiếp hoặc không trực tiếp sản xuất kinh doanh hoặc chỉ đầu tư tài chính. Việc hình thành các công ty con bằng chuyển đổi sở hữu và hình thức pháp lý của các công ty thành viên của TCT, trong đó công ty mẹ giữ cổ phần, vốn góp chi phối hoặc toàn bộ vốn điều lệ. Riêng đối với công ty thành viên hạch toán độc lập, tiến tới chuyển đổi toàn bộ sang các dạng hình công ty TNHH, CTCP, trong khi chưa chuyển đổi thì phải coi công ty mẹ là chủ sở hữu vốn Nhà nước tại các đơn vị này. Ở một khía cạnh khác, đại diện WB (Ngân hàng Thế giới) cho rằng tât cả các TCT 91 ở Việt Nam đều mang tính chất độc quyền, vậy làm thế nào giải quyết vấn đề độc quyền trong các mô hình tập đoàn tương lai?
“Hình hài” của tập đoàn kinh tế ở Việt Nam sẽ như thế nào tiếp tục được các chuyên gia trong và ngoài nước bàn luận cả ngày hôm nay 1/6, nhưng có một thông tin mà Ths. Phạm Tuấn Anh, Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ đưa ra chắc sẽ khiến các TCT trong nước không thể không quan tâm, đó là Chính phủ vừa cho phép một tập đoàn kinh tế nước ngoài được hình thành một tổ hợp các tập đoàn 100% vốn nước ngoài ngay tại Việt Nam.
TBTCVN số 65 


Khi một sự kết hợp thương hiệu mạnh có thể làm gia tăng giá trị tập đoàn và thiết lập kế hoạch lâu dài, tạo dựng một vị thế độc đáo trên thị trường và đánh bóng tên tuổi công ty và đặc biệt là làm tăng tiềm năng lãnh đạo trong tập đoàn. Bởi thế sự kết hợp thương hiệu có thể làm gia tăng ảnh hưởng lên tài sản hữu hình và tài sản vô hình dẫn tới việc thương hiệu sẽ vượt trội thông qua tập đoàn.
Người sáng lập Sony-Akio Morita từng nói:” Tôi luôn tin rằng tên của một công ty là cả một cuộc đời của công ty đó. Nó bao gồm cả trách nhiệm và cả sự bảo đảm chất luợng sản phẩm.” Một sự hợp tác thương hiệu tốt, mạnh sẽ đưa đến kết quả ngoài mong đợi.
Sự kết hợp thương hiệu thường được hiểu nhầm là quá trình thay đổi logo, thiết kế, màu sắc. Thông thường, đây là những yếu tố quan trọng để đánh giá thương hiệu và có khả năng thay đổi khi kế hoạch được quyết định. Sự kết hợp này đi kèm với việc kết hợp những câu slogan để tạo ra một kết quả như mong đợi. Quá trình kết hợp thương hiệu là một quá trình nghiêm túc bao gồm nhiều kỹ năng và họat động chứ không chỉ đơn giản là những chương trình tiếp thị bóng bẩy bề ngoài cùng với những từ ngữ sáo rỗng.
Khi một sự kết hợp thương hiệu mạnh có thể làm gia tăng giá trị  tập đoàn và thiết lập kế hoạch lâu dài, tạo dựng một vị thế độc đáo trên thị trường và đánh bóng tên tuổi công ty và đặc biệt là làm tăng  tiềm năng lãnh đạo trong tập đoàn. Bởi thế sự kết hợp thương hiệu có thể làm gia tăng ảnh hưởng lên tài sản hữu hình và tài sản vô hình dẫn tới việc thương hiệu sẽ vượt trội thông qua tập đoàn.
Một tập đoàn mạnh là tập đoàn luôn tạo được hình ảnh trong tâm trí người dùng. Những tập đoàn tài chính quốc tế như HSBC và Citibank cho biết trong những năm gần đây có những tập đoàn phát triển mạnh trong  một thời gian rất ngắn. Hiện nay trên thế giới có những tập đoàn đáng được học tập như Microsoft, Intel, hàng không Singapore, CNN, Samsung, Mercedes v.v.... để làm được điều này tốn rất nhiều thời gian và nguồn lực.
Một tập đoàn có thể khai thác nhiều quyền lợi từ một chiến lược thương hiệu. Đầu tiên, một sự kết hợp thương hiệu mạnh là bề mặt của chiến lược kinh doanh, thể hiện được mục đích mà tập đoàn nhắm tới và điều mà tập đoàn muốn mọi người biết về mình trên thương trường. Nói một cách ví von đó là cái dù cho hoạt động của cả tập đoàn, bao gồm tầm nhìn, giá trị, tính cách, vị trí và hình ảnh của tập đoàn. Ví dụ như HSBC một tập đoàn đã áp dụng một chiến lược tập đoàn hết sức bài bản. HSBC sử dụng một thông điệp chung cho toàn thế giới dựa trên câu slogan đơn giản”Ngân hàng của thế giới”. Nền tảng đó cho phép tập đoàn HSBC đã có thể vượt qua những rào cản khi xâm nhập vào những nền văn hóa khác nhau.
Chiến dịch thương hiệu kết hợp không đơn giản, nó đứng đầu các danh mục chiến lược của toàn công ty như một dấu hiệu nhận biết của tập đoàn. P&G được biết đến là một tập đoàn có nhiều chiến lược thương hiệu và thương hiệu P&G bao trùm tất cả các hoạt động của công ty. Dựa theo chiến lược kinh doanh về nhu cầu tiềm ẩn cho nhiều thương hiệu như trường hợp của P&G, có rất nhiều thương hiệu dưới một cái dù, một thương hiệu chung cho cả tập đoàn thường trợ giúp rất nhiều cho tập đoàn, sự quản lý thường chú trọng vào thương hiệu chung đó và giá trị của tập đoàn. Một khi nền tảng cốt lõi được thành lập và đưa vào thực hiện, đó là một bậc thang quan trọng khiến khách hàng sử dụng những sản phẩm khác nhau trong cùng một tập đoàn và khiến cho họ có cái nhìn tổng quát hơn về các thương hiệu khác nhau đó. Điều này tạo ra  cấu trúc về thương hiệu kết hợp, đồng thời cũng cần có một chiến lược để đạt được mục tiêu chung của tập đoàn.
Ngày nay trong nhiều ngành công nghiệp, để duy trì được khả năng sản xuất, khả năng cạnh tranh về sản phẩm mới và dịch vụ tốt thì đòi hỏi có nhiều đầu tư hơn nữa. Chu trình để sản xuất một sản phẩm ngày càng được rút ngắn dần vì vậy các công ty tập đoàn cũng phải tìm ra chiến dịch tiếp thị phù hợp. Những đòi hỏi trên yêu cầu tập đoàn phải xem xét lại chi phí và chiến lược thương hiệu kết hợp. Các nhà quản lý có thể đạt được giải pháp tối ưu bằng cách nối kết các sản phẩm cũng như dịch vụ lại với nhau. Chi phí tiếp thị và quảng cáo sẽ giảm rất nhiều vì không còn phải tập trung cho riêng lẻ từng sản phẩm. Và việc xây dựng thương hiệu sẽ thống nhất hơn.
Apples là thương hiệu đi tiên pong trong việc đưa ra nhiều sản phẩm và dịch vụ dưới một thương hiệu. Thương hiệu Apples bao gồm cả thể xác và linh hồn của công ty. Những thương hiệu nhánh sẽ giúp định hình sản phẩm.
Trong những năm vừa qua, những thương hiệu kết hợp đã trở thành những ông chủ tài chính mạnh trên thế giới. Và thương hiệu tự mình trở thành những tài sản giá trị trong công ty mà giá trị thị trường vượt xa ngoài dự đóan.
Thục Đoan – Công ty Thương Hiệu LANTABRAND (Sưu tập tài liệu nước ngoài)

“Tập đoàn” đang sống ngoài vòng pháp luật!
Khái niệm tập đoàn đang gây tranh luận trong giới kinh doanh đầu tư. Việt Nam có tập đoàn kinh tế đúng nghĩa hay không? Dân trí đã phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Quang A, chuyên gia cao cấp kinh tế & ngân hàng về vấn đề này.
Sự ra đời những tập đoàn là điều chứng minh cho sự phát triển của nền kinh tế vì ngay từ đầu thế kỷ 20, các nước tư bản đã hình thành những tập đoàn xuyên quốc gia. Nhưng thưa ông, hình như khái niệm “tập đoàn” không phải như ta đang quan niệm?
Tôi nghĩ “tập đoàn” không phải là một pháp nhân. Không có một thực thể pháp lý gọi là “tập đoàn”. Nó là một nhóm công ty liên kết với nhau về sở hữu, về sản phẩm hoặc chiến lược…
Vì vậy, nó chỉ được hình thành chứ không thể được thành lập. Không thể kiện một tập đoàn, không thể cho một tập đoàn phá sản cũng như không có chủ tịch hoặc tổng giám đốc tập đoàn… Việt Nam cũng vậy mà thế giới cũng vậy.
Việc gọi là thành lập các tập đoàn là một chuyện vô nghĩa. Khi thí điểm thành lập các tập đoàn, mình không thấy Luật công ty có quy định. Ngay cả Luật Doanh nghiệp năm 2005 cũng không thấy quy định về tập đoàn.
Còn nếu các công ty góp vốn với một vài công ty khác hình thành một nhóm các công ty và gọi đó là tập đoàn thì không sao. Nhưng đi thành lập một tập đoàn là một điều vô nghĩa. Nó chỉ là một cái tên tự xưng, tự phong cho nó oai thôi.
Ông nói, khái niệm tập đoàn không được quy định trong luật?
Luật Doanh nghiệp 2005 có nêu khái niệm tập đoàn bao gồm một nhóm công ty và cũng thống nhất với cách hiểu của thế giới: bản thân nó không phải là pháp nhân. Mà không phải là pháp nhân thì việc thành lập là vớ vẩn.
Như vậy theo ý ông, chúng ta gọi tập đoàn Dầu khí quốc gia, tập đoàn Dệt may, tập đoàn Điện lực… là không đúng pháp luật?
Tôi nghĩ không có cái như thế mà đi thành lập pháp nhân như thế thì không đúng luật.
Thưa ông, báo cáo của Quỹ phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chỉ ra rằng quy mô của các tổng công ty ở Việt Nam cũng chỉ ở mức bình thường.
Đúng thế. Nghiên cứu này nói trong 200 tổng công ty, công ty lớn nhất Việt Nam cũng chỉ nằm ở cỡ vừa, thậm chí cỡ nhỏ tầm quốc tế. Đấy là điều đáng buồn.
Xin ông cho biết những đặc điểm của “cái gọi là tập đoàn” ở Việt Nam hiện nay.
Như tôi nói, tập đoàn là một nhóm công ty về một lĩnh vực nào đó như dầu khí, dệt may, đóng tàu… nói chung, đó là những công ty có vốn và doanh thu tương đối lớn.
Ông đánh giá thế nào về tác động, ảnh hưởng của những “tập đoàn” này trong nền kinh tế hiện nay?
Trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội, có quy luật xác suất, tức là 20% tạo ra 80% giá trị và ngược lại. Vai trò của các công ty lớn trong nền kinh tế rất quan trọng. Việc hình thành những công ty lớn là cần thiết, càng lớn thì họ càng tiết kiệm, hiệu quả càng cao... vấn đề là tạo điều kiện cho nó thôi.
Trân trọng cám ơn ông.

Tập đoàn kinh tế: Cần tính lại
Lần đầu tiên, Quốc hội lên tiếng về “phong trào” thành lập tập đoàn kinh tế, cho thấy tầm quan trọng của vấn đề đang rất nóng này...
Có đến tám tập đoàn đã được thành lập cho đến nay, trong khi chủ trương ban đầu là “việc thành lập tập đoàn kinh tế chỉ thực hiện thí điểm, sau khi tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm mới xây dựng phương hướng triển khai đồng loạt”.
Bên cạnh đó, một loạt tổng công ty nhà nước khác cũng đang “xin được lên tập đoàn”. Ít nhất bốn tập đoàn, gồm tập đoàn thuốc lá và ba tập đoàn trong ngành xây dựng đang trong giai đoạn xây dựng đề án.
Nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội do Chủ nhiệm Hà Văn Hiền đọc tại phiên khai mạc Quốc hội đầu tuần này nói rằng “cần phải sớm có tổng kết đánh giá việc thành lập các tập đoàn kinh tế”, gián tiếp khẳng định rằng đây là một vấn đề cần được xem xét một cách nghiêm túc.
Điều gì đã khiến Quốc hội phải lo lắng? Một chuyên gia đang làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết thời gian gần đây, trong các hội nghị hay diễn đàn, liên tục có những kiến nghị liên quan đến vấn đề này. Nhiều chuyên gia và nhà quản lý có trách nhiệm đã nói rằng nếu không thận trọng, phong trào “tập đoàn hóa” sẽ đưa đến những hệ lụy mới cho nền kinh tế. Một trong những vấn đề được mổ xẻ nhiều nhất là tính hiệu quả của các tập đoàn khi mở rộng hoạt động ra những lĩnh vực không phải sở trường.
Trước kỳ họp Quốc hội, một hội thảo chuyên đề về tập đoàn kinh tế đã được tổ chức tại Hà Nội mà ở đó các chuyên gia kinh tế đều lên tiếng bày tỏ sự lo ngại về “phong trào tập đoàn” hiện nay.
Trả lời báo chí, bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, nói các tập đoàn có thể chọn lựa thêm nhiều lĩnh vực hoạt động khác để chia sẻ rủi ro, tuy nhiên, về nguyên tắc, việc đa dạng hóa lĩnh vực hoạt động phải nhằm hỗ trợ cho ngành nghề kinh doanh cốt lõi.
Theo dõi tình hình hiện nay, bà Lan cho rằng khi các tập đoàn đi vào những ngành không có thế mạnh, đang cạnh tranh quyết liệt thì chẳng có gì đảm bảo họ sẽ thành công. Thứ hai, các tập đoàn sẽ sao nhãng việc đầu tư vào ngành cốt lõi, những lĩnh vực này không được củng cố trong khi sức ép cạnh tranh tăng cao.
Theo bà Lan, đã đến lúc “cần xem lại khi ra quyết định thành lập tập đoàn, cần quy định họ phải dành bao nhiêu nguồn lực cho hoạt động kinh doanh cốt lõi, tối thiểu cũng phải 80% vốn”.
 Nhưng, một sự trùng hợp ngẫu nhiên là ngay sau đó, đại diện các tập đoàn đã ngồi lại cùng nhau trong một cuộc họp do Chính phủ tổ chức mà ở đó các đại biểu đều bày tỏ sự lạc quan về tương lai phát triển của mô hình mới.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), ông Phạm Thanh Bình cho biết mặc dù xác định các lĩnh vực chính vẫn là đóng tàu và dịch vụ vận tải biển song trong giai đoạn trước mắt sẽ “nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực như năng lượng, xi măng, vận tải đa phương thức, công nghiệp, hàng không, bảo hiểm, chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... để lấy ngắn nuôi dài”.
Thực tế, quan điểm “lấy ngắn nuôi dài” đã được hiện thực hóa qua nhiều kế hoạch hoạt động mới đây, chẳng hạn như việc liên doanh thành lập một công ty hàng không. Tình hình cũng đang diễn ra tương tự tại Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Dầu khí, Tập đoàn Than - Khoáng sản... Theo các báo cáo hoạt động của các tập đoàn này mà chúng tôi có được, mọi thứ có vẻ như đang diễn ra một cách hết sức tốt đẹp.
Theo một số thông tin, Chính phủ dự kiến sẽ tổ chức một hội nghị đánh giá lại việc tổ chức và hoạt động của tập đoàn kinh tế. Quan trọng nhất là sẽ đánh giá rõ hiệu quả của việc các tập đoàn kinh tế nhà nước mở rộng đầu tư kinh doanh đa ngành, đặc biệt là trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay Chính phủ sẽ vẫn “khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác liên kết kinh tế với nhau để hình thành những tổ hợp doanh nghiệp mạnh, làm tiền đề cho việc ra đời các tập đoàn kinh tế”. Gần như chắc chắn, vấn đề tập đoàn sẽ tiếp tục là một chủ đề được thảo luận kỹ trong thời gian tới.
(Theo TBKTSG)

HSBC Insurance (thuộc Ngân hàng Hồng Công Thượng Hải) và Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) vừa trở thành đối tác chiến lược của Tổng công ty Bảo hiểm Việt Nam (Bảo Việt). Như vậy, kể từ phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng từ cuối tháng 5, sau nhiều lần xét chọn, DN này đã tìm được cho mình đối tác chiến lược.
Mô hình công ty mẹ - con
Theo các hợp đồng ký kết đối tác chiến lược giữa các bên, HSBC Insurance trở thành đối tác chiến lược nước ngoài duy nhất của Bảo Việt, với tỷ lệ sở hữu 10% (hơn 57,3 triệu cổ phần), tương đương tổng giá trị đầu tư hơn 4.121 tỷ đồng.  Vinashin là đối tác chiến lược trong nước của Bảo Việt với tỷ lệ sở hữu 3,56%, tương ứng với 20,4 triệu cổ phần, tổng giá trị đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng (tương đương với hơn 90 triệu USD). Ông Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT Bảo Việt, cho biết giá bán cho đối tác chiến lược được xác định trên cơ sở giá đấu giá bình quân thực tế của đợt phát hành cổ phần lần đầu vào ngày 31-5 vừa qua là 72.000 đồng/cổ phần. Việc ký kết hợp đồng đầu tư giữa Bảo Việt với các đối tác chiến lược đánh dấu sự hoàn tất quá trình cổ phần hóa của Bảo Việt để chuyển sang công việc hình thành DN mới: “Tập đoàn Bảo Việt” hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con.
Liên kết Bảo Việt - HSBC
Ông David Fried, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc HSBC Insurance, cho rằng với mạng lưới rộng khắp Việt Nam của Bảo Việt, thương hiệu nổi tiếng và thông qua quan hệ hợp tác chiến lược với HSBC Insurance, Bảo Việt đang được định vị một cách lý tưởng để khai thác thị trường bảo hiểm đang phát triển rất nhanh tại Việt Nam - một thị trường đầy tiềm năng và quan trọng. HSBC sẽ góp sức để cùng xây dựng Bảo Việt thành tập đoàn tài chính - bảo hiểm số 1 châu Á. Sau khi hợp đồng được ký kết, HSBC Insurance sẽ triển khai những kế hoạch hỗ trợ về nhân lực, công nghệ và chuyển giao năng lực quản trị cho Bảo Việt “Chúng tôi dự kiến, đến năm 2009, lợi nhuận từ Bảo Việt sẽ chiếm 20% tổng lợi nhuận của HSBC” - ông nói. Còn theo ông Bình, Bảo Việt có nhiều công ty như chứng khoán, bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, ngân hàng, bất động sản,...
Tất cả những lĩnh vực này trong thời gian tới sẽ được tận dụng tối đa trong việc liên kết, sử dụng chéo dịch vụ của nhau, đưa ra các tiện ích để phục vụ khách hàng như: bảo hiểm phi nhân thọ với nhân thọ; bảo hiểm với ngân hàng; bảo hiểm, ngân hàng với chứng khoán và quỹ để cùng nhau khai thác tốt nhất khách hàng, nâng cao chất lượng sản phẩm.  Theo điều khoản hợp đồng, HSBC Insurance cam kết giữ cổ phần Bảo Việt tối thiểu là 5 năm. Dù mới mua 10% cổ phần của Bảo Việt nhưng trong thời gian này, HSBC Insurance sẽ có quyền mua thêm 8% nữa theo giá thị trường vào thời điểm đó.
Được biết khoảng giữa tháng 10 năm nay, Bảo Việt sẽ họp đại hội cổ đông và xúc tiến việc niêm yết vào cuối năm nay, hoàn tất việc áp dụng mô hình quản trị DN theo thông lệ quốc tế để niêm yết trên thị trường quốc tế.
   - Cơ cấu vốn hiện tại của Bảo Việt được xác định như sau: vốn điều lệ  hơn 5.730 tỷ đồng. Trong đó, ngoài hai đối tác trên, Nhà nước nắm 444,3 triệu cổ phần, tương ứng 77,54%; bán ưu đãi cho người lao động trong DN hơn 4,6 triệu cổ phần, chiếm 0,81%; bán cho đại lý bảo hiểm nhân thọ chuyên nghiệp 700.930 cổ phần, bằng 0,12%; bán đấu giá công khai 45.701.214 cổ phần, bằng 7,97% vốn điều lệ.
   - Có 26 đối tác nước ngoài nộp hồ sơ tham gia đấu thầu cổ đông chiến lược của Bảo Việt, trải qua 4 vòng tuyển chọn mới chọn được HSBC Insurance.