Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







10.08.2011

Doanh nhân bảo hiểm Việt Nam với việc hội nhập quốc tế

DOANH NHÂN VIỆT NAM VỚI VIỆC HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Phùng Đắc Lộc - Tổng Thư ký Hiệp Hội Bảo Hiểm Việt Nam

Không phải chỉ đợi đến khi Việt Nam WTO, Việt Nam mới mở cửa thị trường, Doanh nhân Việt Nam (DNVN) mới tham gia vào hội nhập quốc tế mà ngay từ khi Việt Nam trải thảm đón các nhà đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Việt Nam và DNVN đã được biết, được hiểu thế nào là hội nhập cạnh tranh quốc tế. Quá trình mở cửa từ từ cho doanh nghiệp nước ngoài vào sản xuất kinh doanh tại Việt Nam thời gian qua đã đem lại nguồn vốn đầu tư lớn, công nghệ kỹ thuật tiên tiến, kinh nghiệm quản lý kinh doanh hiệu quả thúc đẩy nền kinh tế xã hội phát triển lên tầm cao mới, không ít doanh nghiệp Việt Nam đã học tập được doanh nghiệp nước ngoài, tự bổ sung khiếm khuyết của mình để vươn lên cùng cạnh tranh một cách sòng phẳng. Song cũng không ít doanh nghiệp đã phải ra khỏi thị trường trên con đường sáp nhập, giải thể, phá sản khi không đưa ra được sản phẩm mới hấp dẫn, giá cả cạnh tranh, không đổi mới được máy móc thiết bị công nghệ tiên tiến, không đào tạo và gìn giữ được đội ngũ cán bộ công nhân chuyên nghiệp. Đó là bài học mà chúng ta đã đúc kết được khi Việt Nam gia nhập WTO thì cánh cửa thị trường Việt Nam sẽ được mở rộng hơn nữa, sẽ có nhiều nhà kinh doanh, hàng hoá dịch vụ của nước ngoài được phép tràn ngập vào Việt Nam. Điều này gần như đương nhiên khi cả thế giới mở cửa cho doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam thì không lẽ gì ta lại đóng cửa hoặc thu hẹp cửa đối với họ. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức, chúng ta sẽ được rất nhiều nhưng mất cũng không phải là ít. Nếu chúng ta thích ứng nhanh thì chúng ta sẽ thu được những “cái được” nhiều hơn và hạn chế những “cái mất” ít hơn. Điều này có nghĩa là:
1. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung xây dựng thương hiệu mạnh cho mình: Chúng ta biết rằng thương hiệu mạnh là tài sản vô hình của doanh nghiệp, đó là uy tín chất lượng sản phẩm và dịch vụ hoàn hảo cho khách hàng. Thương hiệu càng mạnh càng được khách hàng lựa chọn trên cơ sở đó dù có bán đắt hơn sản phẩm cùng loại nhưng khối lượng sản phẩm vẫn được tiêu thụ nhanh. Để giữ được thương hiệu doanh nghiệp luôn luôn làm tốt công tác nghiên cứu thị trường phát hiện nhu cầu mới của khách hàng để đưa ra sản phẩm mới phù hợp. Khi nghiên cứu ra được sản phẩm phải tổ chức sản xuất và phát triển kênh phân phối sao cho đưa được sản phẩm đến người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất đi liền với chiến lược quảng bá giới thiệu sản phẩm mới. Doanh nghiệp cần có một quy trình công nghệ và quy trình kiểm soát chất lượng sản phẩm một cách nghiêm ngặt. Nhà chế biến xuất khẩu tôm, cá không thể đổ lỗi cho người nông dân nuôi cá làm tăng dư lượng thuốc kháng sinh trong sản phẩm mà họ có cả trách nhiệm kiểm soát sản phẩm cá từ lúc đang nuôi đến khi thu mua để chế biến. Song hiện nay chúng ta còn rất ít doanh nghiệp làm được vấn đề này. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp chưa muốn xây dựng thương hiệu hoạt động vài ba năm hưởng chính sách miễn giảm thuế rồi giải thể để đầu tư thành lập doanh nghiệp mới. Nói tóm lại chúng ta không nên có suy nghĩ cách làm tiểu vùng, tham bát bỏ mâm mà cần có chiến lược phát triển lâu dài bền vững.
2. Một doanh nghiệp cần phát triển đa dạng hoá sản phẩm: Kinh doanh đầu tư nhiều ngành hàng hoá khác nhau trên thế mạnh của mình để dàn trải lợi nhuận, chia sẻ rủi ro với những mặt hàng gặp khó khăn nhất thời, đồng thời hướng tới một tương lai là tập đoàn kinh tế. Để làm được việc này các doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì cạnh tranh lẫn nhau hoặc cạnh tranh với doanh nghiệp lớn thường chọn con đường sáp nhập, mua lại, bán lại doanh nghiệp mình để hình thành một doanh nghiệp có quy mô lớn hơn kinh doanh đa ngành nghề hơn. Chúng ta không nên coi sáp nhập mua bán doanh nghiệp là sự thất bại của doanh nghiêp bị sáp nhập, hoặc bị bán, mà coi đây là một biện pháp đổi mới doanh nghiệp đi đến một hướng kinh danh quy mô lớn hơn, đa dạng hơn và lợi nhuận cao hơn.
3. Các doanh nghiệp lớn Việt Nam và vốn nước ngoài sẽ là những đầu tàu kinh tế Thúc đẩy kinh tế phát triển, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ là sân sau đẩy các đầu tàu tiến nhanh về phía trước. Hay nói 1 cách khác các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nước thuỷ triều với những cơn sóng lăn tăn trên mặt nước tạo nền cho doanh nghiệp lớn làm những con sóng cả trên đại dương. Đây là mối quan hệ khăng khít hữu cơ doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ cung cấp phụ tùng, lắp ráp từng công đoạn, thực hiện từng dịch vụ cho doanh nghiệp lớn. Thậm chí doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sản xuất kinh doanh những sản phẩm và những vùng địa lý mà doanh nghiệp lớn không có điều kiện vươn tới hoặc chưa để ý tới.
4. Các doanh nghiệp Việt Nam cần có tầm nhìn vượt ra khỏi thị trường Việt Nam Tìm hiểu thị trường luật pháp của các nước để cung cấp sản phẩm dịch vụ thậm chí đầu tư ra nước ngoài khi được dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Hiện nay chúng ta đã có hơn 50% GDP từ nguồn hàng xuất khẩu. Nền kinh tế Việt Nam sẽ hướng ngoại nhiều hơn nên buộc doanh nghiệp phải hướng ngoại không thể sản xuất cái gì mà mình có mà phải sản xuất kinh doanh những gì mà từng thị trường, từng nước trên thế giới cần. Với thị trường rộng mở toàn cầu thì doanh nghiệp cũng phải tham gia luật chơi toàn cầu với sự kiểm soát nghiêm ngặt về luật pháp, tiêu chuẩn chất lượng, tập quán thương mại, điều kiện về sản xuất (quy mô, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động)…
5. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ khuyến khích động viên doanh nghiệp
Trước hết trong thời gian còn lại của lộ trình thực hiên WTO mà Việt Nam đã cam kết song phương và đa phương, Chính phủ cần có sự trợ giúp đắc lực cho các doanh nghiệp Việt Nam với những chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, đào tạo nguồn nhân lực, sử dụng viện trợ ODA thúc đẩy nhanh cổ phần hoá để nâng cao năng lực cạnh tranh. Cần ưu tiên các doanh nghiệp lớn, đi đầu trong các ngành nghề nhất là trong ngành kinh tế mũi nhọn để giữ được thế mạnh trong hội nhập.
Thứ hai là cần có chính sách ưu đãi với những doanh nghiệp thuộc các ngành nghề theo lộ trình cam kết WTO, Việt Nam buộc phải mở cửa sớm hơn các ngành nghề khác nhất là trong lĩnh vực kinh tế tài chính (Bảo hiểm – Ngân hàng – Chứng khoán) đang nắm giữ dòng vốn (mạch máu) của nền kinh tế quốc dân, kể cả việc tập trung hình thành một số tập đoàn Tài chính Việt Nam đủ mạnh ngang tầm với khu vực và quốc tế.
Thứ ba là cần có những danh hiệu xứng đáng tôn vinh các doanh nghiệp lớn đi đầu trong các ngành kinh tế, doanh nghiệp có ý tưởng sáng tạo đưa ra sản phẩm hàng hoá dịch vụ mới, doanh nghiệp làm kinh tế giỏi.
Những danh hiệu này nên được Chính phủ hoặc Nhà nước trao tặng thay vì để Hội doanh nghiệp trẻ, Hội doanh nghiệp vừa và nhỏ trao tặng như một số danh hiệu hiện nay không xứng với tầm cỡ quy mô của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam
Thứ tư là cần thay đổi tư duy đối với doanh nghiệ có vốn đầu tư nước ngoài, phải coi họ là doanh nghiệp Việt Nam. Họ tuân thủ đầy đủ pháp luật Việt Nam, nộp thuế cho Việt Nam, sử dụng hầu hết lao động Việt Nam chẳng khác gì doanh nghiệp Việt Nam, có khác chăng phần lãi thu được là do quyền chủ doanh nghiệp sử dụng như những chủ doanh nghiệp Việt Nam khác thậm chí có cổ phần và phải chia cổ tức cho người nước ngoài (đầu tư gián tiếp). Hiện nay có một số doanh nghiệp nước ngoài bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp, cán bộ quản lý và người lao động có gần tới 100% là người Việt Nam. Trong tương lai các doanh nghiệp nước ngoài cũng muốn bàn giao vị trí lãnh đạo quản lý doanh nghiệp của mình cho người Việt Nam nắm giữ. Vì thế DNVN thành đạt tại doanh nghiệp nước ngoài là điều rất khó khăn đáng được trân trọng và đáng tôn vinh.
Cuối cùng là Nhà nước cần xây dựng nguồn ngân sách hình thành nên quỹ trợ giúp doanh nghiệp một cách gián tiếp thông qua đào tạo phát triển nguồn nhân lực và xúc tiến thương mại. Đây là hoạt động thường xuyên và lâu dài của Chính phủ.