Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.25.2011

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 8-2011


BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 8-2011
KINH TẾ THẾ GIỚI
Kinh tế thế giới đang đứng trước nguy cơ tái khủng hoảng. Các thông tin xấu liên tiếp được công bố: sản xuất đình trệ, thất nghiệp ko suy giảm, euro zone lung lay vì nợ công, bạo động tại khu vực Trung Đông... Giá vàng tính từ đầu tháng 8 tăng mạnh nhất trong 12 năm qua, dự đoán sẽ sớm chinh phục mốc 2000USD/ounce, biến động mạnh từng ngày. USD vẫn tiếp tục là đồng tiền mạnh, bất chấp Mỹ bị Tổ chức xếp hạng tín dụng S&P 500 hạ bậc tín nhiệm xuống còn AA+ và vị thế USD ngày càng độc tôn khi đồng euro đang yếu đi bởi những khó khăn của Euro zone. Giá dầu đang dao động quanh mức 90 USD/thùng, dẫn tới lo ngại nền sản xuất chưa được phục hồi.   
Chỉ số BDI, tính toán dựa trên chi phí vận chuyển hàng hóa nguyên liệu thô bằng được biển, được nhiều chuyên gia coi như chỉ báo quan trọng của nền kinh tế tăng, 16% trong tuần đầu tháng 8 do nhu cầu Ttung Quốc tăng mạnh, nhưng tụt giảm ngay sau đó do cung vượt cầu. Hiện tại chỉ số BDI vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ: Số người đệ đơn xin trợ cấp thất nghiệp Mỹ trong tuần kết thúc ngày 13/8 tăng thêm 9.000, lên 408.000 người, mức cao nhất trong 1 tháng. FED chưa có động thái sẽ sử dụng gói QE3 để kích thích nền kinh tế, trong khi tỉ lệ thất nghiệp được duy trì 29 tháng liên tục trong khoảng 9% hoặc cao hơn. Nhà Trắng hạ dự báo GDP cuối năm 2011 chỉ đạt 1,7%, giảm 1% so với công bố vào tháng 2. Thị trường chứng khóan Mỹ liên tục giảm điểm.
EU: Lo sợ về khả năng khủng hoảng nợ công châu Âu tiếp tục lan rộng. Nỗ lực cứu Hi Lạp đang rơi vào bế tắc. Các cuộc biểu tình của người Đức phản đối chính quyền lấy tiền thuế cứu trợ cho các nước khác khiến tình hình ở Eurozone càng thêm căng thẳng. Trong khi, theo thông báo của Cơ quan Thống kê châu Âu, tăng trưởng GDP quý 2 của khu vực đồng Euro đã chậm lại ở mức 0,2%. Số liệu của Cơ quan Thống kê liên bang Đức cho thấy sự tuột dốc của nền kinh tế lớn nhất Eurozone khi GDP quý 2 chỉ tăng 0,1%, mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua và bỏ xa tốc độ tăng 1,3% ngay trong quý trước. Trước đó, Pháp cũng công bố GDP của nước này trì trệ ở mức 0%. Khả năng sụp đổ của EU càng có cơ sở.                                                        
Châu Á: Theo nhận định của chuyên gia kinh tế Robert Prior-Wanderforde tại tập đoàn tài chính Credit Suisse, nguy cơ kinh tế châu Á rơi vào suy thoái là 30 - 40%. Đồng Yên đang tăng giá mạnh thời gian qua, do các nhà đầu tư tìm kiếm tài sản đầu tư an tòan trong bối cảnh tình hình Châu Âu và Mỹ ko khả quan, dự kiến sẽ tác động sâu hơn vào xuất khẩu của Nhật Bản.
KINH TẾ VIỆT NAM
Kinh tế Việt Nam 2 tháng vừa qua tin tốt, tin xấu đan xen. Nhìn chung nền kinh tế vẫn chưa ổn định: Lạm phát giảm nhưng biên độ nhỏ; Có dấu hiệu dòng tiền bắt đầu quay lại thị trường chứng khoán; Giá vàng tăng mạnh, cao hơn giá thế giới; Tỉ giá tiềm ẩn nhiều rủi ro; Doanh nghiệp sản xuất trì trệ; Tình trạng các Tập đoàn nhà nước kinh doanh lỗ lớn, vay nợ nhiều; Thị trường tiền tệ tiếp tục được kiểm soát bằng hành chính.….Nền kinh tế Việt Nam còn quá nhiều hạt sạn.
Thực trạng các doanh nghiệp
Theo tổng hợp của VCCI: 6 tháng đầu năm, có tới 3.000 doanh nghiệp tuyên bố ngừng hoạt động, mà thực chất là phá sản, và khảo sát 400 doanh nghiệp thì phần lớn các báo cáo tài chính là dự kiến lỗ. Bản chất nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng dựa quá nhiều vào vốn đầu tư. Cơ cấu vốn doanh nghiệp không hợp lý: vốn chủ sở hữu/tổng vốn hoạt động khoảng 10-20%, lạm dụng đòn bẩy tài chính; 60% doanh nghiệp lấy vốn ngắn hạn đầu tư trung dài hạn, đa số đầu tư ngoài ngành và ko hiệu quả. Chính sách thắt chặt tiền tệ vừa qua kìm giữ dòng vốn tín dụng, doanh nghiệp tất yếu gặp khó.
7 tháng đầu năm tồn kho 13.000 tỷ đồng tính riêng cho 500 doanh nghiệp niêm yết, bằng 12%GDP 7 tháng. Có tới 2/3 trong số 136 mặt hàng tồn kho cao hơn cùng kỳ, hầu hết đều tăng trên 30%: đồ gỗ 92,4%; đồ uống không cồn: 84,4%; cáp và dây điện: 73,5%; sản xuất bia: 71,6%; giày dép: 40%; sợi và dệt vải: 34%.
Một thực trạng đáng chú ý là tình trạng thua lỗ của các Tập đoàn nhà nước và vốn tiếp tục được rót vào các Tập đoàn này. Điển hình là vụ EVN liên tục bị các chủ nợ (Tập đoàn than khoáng sản, Tập đoàn dầu khí) đòi nợ số tiền lên tới 9.660 tỷ đồng, trong khi sản xuất ko có lãi. EVN tiếp tục được ngân hàng cho vay hỗ trợ thêm 10.000 tỷ đồng để trả nợ theo chỉ đạo của Chính phủ. Vinalines 6 tháng 2011 lỗ tới 660 tỷ đồng, 90% doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty báo lỗ. Đây là những hạt sạn lớn của nền kinh tế.
Lạm phát tháng 8 đã đạt đỉnh
Một số chuyên gia dự báo lạm phát tháng 8 so với cùng kì đã đạt đỉnh, ở mức 23,02%.
Sức ép lạm phát vẫn còn rất lớn khi những tháng cuối năm theo chu kì là thời điểm CPI cao. Giá cả một số mặt hàng nhích nhẹ trong tháng 9. Những tháng tới tiếp tục là mùa mưa bão, khả năng giá lương thực, hàng hóa sinh hoạt tăng trên một số địa bàn. Dịch bệnh trên vật nuôi chưa được khống chế hoàn toàn cũng tác động tới tâm lý tiêu dùng làm tăng giá thực phẩm thay thế. Mùa Tết độc lập, Trung Thu, Khai giảng năm học mới, Lễ Tết và một số ngày lễ trong những tháng tới sẽ gia tăng nhu cầu mua sắm của người dân. Thêm nữa, sau những thông tin về thua lỗ, EVN kiên quyết tăng giá điện trong tháng 9.
Dự kiến lạm phát cuối năm 2011 vào khoảng 21%.
Tháng 8 tiếp tục nhập siêu 800 triệu USD
Từ con số xuất siêu 1,1 tỷ USD trong tháng 7, tháng 8 Việt Nam tiếp tục nhập siêu 800 triệu USD. Con số này có thể nhìn thấy rõ nhất qua kim ngạch nhóm đá quý, kim loại quý và sản phẩm: xuất khẩu chỉ đạt khoảng 200 triệu USD trong tháng 8, bằng 18% so với tháng trước, phát sinh trong nửa đầu tháng 8, khi giá vàng thế giới chưa lên đến đỉnh; trong khi nhập khẩu vào khoảng 200 triệu USD và quá nửa rơi vào cuối tháng, thời điểm giá vàng tăng mạnh và cao hơn giá thế giới.
Tính chung 8 tháng đầu năm 2011, Việt Nam đã nhập siêu tổng cộng khoảng 6,2 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ
Tổng số dư tiền gửi đến 19/8 so với cuối năm trước ước tăng 8,44%. Tín dụng theo con số công bố của Tổng cục thống kế tăng 8,15% so với cùng kì, tốc độ tăng huy động cao hơn là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, theo phát biểu có Thống đốc NHNN, tốc độ tăng trưởng tín dụng thực tế là 11,7% (bao gồm dư nợ được hạch toán dưới hình thức ủy thác/phải thu) Tín dụng bằng VND giảm và bằng ngoại tệ tiếp tục tăng.
NHNN bắt đầu có tín hiệu nới lỏng có kiểm soát chính sách tiền tệ. Thông tư 22 gỡ bỏ quy định cấp tín dụng bằng 80% vốn huy động, khơi thông nguồn vốn vay, giảm chi phí vốn cho ngân hàng. Đồng thuận giảm lãi suất xuống 14%, đi kèm với các chỉ thị phạt ngân hàng vượt trần lãi suất nghiêm ngặt. Trong ngắn hạn, doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được nguồn vốn lãi suất giảm, ngân hàng nhỏ chưa tiếp cận được vốn hỗ trợ của ngân hàng phải huy động trên thị trường 2, lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong bối cảnh các ngân hàng đáo hạn những khoản vay lớn qua nghiệp vụ tái cấp vốn với NHNN, nguồn cung trên liên ngân hàng hạn chế. Lãi suất khó giảm trong những tháng cuối năm.