Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.25.2011

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ 6-2011

BÁO CÁO KINH TẾ VĨ MÔ THÁNG 6/2011
KINH TẾ THẾ GIỚI
Kinh tế thế giới 6 tháng đầu năm 2011 có dấu hiệu hồi phục so với cuối 2010, tuy không nhiều. Một số chỉ số sản xuất, bán lẻ hàng hóa… tăng; thất nghiệp giảm. Thị trường nhà đất vẫn trong tình trạng đóng băng tại nhiều quốc gia.
Lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng của nhiều nước, chính sách thắt chặt được đưa ra, kìm hãm tốc độ hồi phục nền kinh tế. Các động thái của FED, OPEC, nền kinh tế Mỹ, EU tiếp tục tác động mạnh mẽ lên giá dầu, khiến hàng hóa này biến động không ngừng, đang ở mức hơn 100 USD/thùng, dự đoán tiếp tục ở mức cao. Khủng hoảng nợ công báo trùm EU, và lây lan nhiều quốc gia trên thế giới. Nền kinh tế Châu Á đang tăng trưởng vượt bậc, dự đoán không lâu nữa vị trí các cường quốc kinh tế sẽ có sự dịch chuyển. Đồng nhân dân tệ ngày một lớn mạnh cùng ảnh hưởng lan rộng của Trung Quốc - dự báo sẽ soán ngôi hàng đầu của Mỹ. Kinh tế thế giới sẽ mất một khoảng thời gian ít nhất 2-3 năm nữa để hồi phục hoàn toàn. Các chuyên gia đang lạc quan về sự hồi phục mạnh mẽ hơn của nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm.
Một số điểm nổi bật của kinh tế thế giới tháng 6/2011:
Nợ công Hi Lạp đang là vấn đề nghiệm trong của EU và thế giới
Nợ công Hi Lạp dự đoán lên tới 155% GDP, khả năng vỡ nợ cao. Để bảo vệ đồng Euro, Đức cho biết trong châu Âu đang có sự đồng thuận về khả năng tiếp tục có chương trình giải cứu mới dành cho Hy Lạp.
Sau Hi Lạp, một loạt các quốc gia EU đang đứng trên bờ vực nợ công. Lợi suất trái phiếu Tây Ban Nha - quốc gia có quy mô lớn gấp đôi 3 nước Bồ Đào Nha, Hi Lạp và Ireland cộng lại, là 1 đường dốc đứng kể từ 2010:
Đồng tiền các nước ít biến động
Tính từ đầu tháng 4/2011 đến nay, đồng euro hạ 4,2% bởi lo lắng về khả năng Hy Lạp vỡ nợ. Tuy nhiên, so với đầu năm, giá trị đồng euro vẫn đang được duy trì. Sau khi tín hiệu tích cực từ Hi Lạp chính sách thắt chặt được thông qua, Hi Lạp được nhận gói cứu trợ mới, đồng tiền này tiếp tục đà tăng giá. CPI khu vực EU trung bình 2,7% tính đến tháng 5/2011; cao hơn mức trung bình giai đoạn 1999-2010.
Đồng USD vẫn đang là đồng tiền có sức ảnh hưởng mạnh nhất. USD đang được các nhà đầu tư hướng đền trong bối cảnh nợ công châu Âu bao trùm, khó tìm được tài sản đầu tư thực sự an toàn.
Giá dầu dao động quanh mức 100 USD/thùng, liên tục bị ảnh hưởng bởi động thái các quốc gia có trữ lượng dầu lớn
Cơ quan năng lượng quốc tế IEA xả kho dầu dự trữ của Mỹ hơn 60 triệu thùng mục đích hạ giá dầu và đáp ứng nhu cầu đang cao, nhưng chỉ làm giá dầu giảm nhẹ 9USD/thùng, xuống còn 105,1 USD/thùng. Trong khi trước đó OPEC đưa ra tuyên bố giữ nguyên mức trần sản lượng 24,845 triệu thùng/ngày đã được duy trì kể từ cuộc khủng hoảng 2008. Các chuyên gia dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng khi tình hình chính trị tại Lybia còn chưa ổn định.
Giá dầu cao đang buộc người dân Đức thắt chặt chi tiêu, chỉ số bán lẻ Đức giảm mạnh 2,8% trong khi dự báo sẽ tăng 0,5%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 ở mức 2,4% so với cùng kì.
Chương trình QE2 của Mỹ đã kết thúc, trong khi nền kinh tế Mỹ đang hồi phục chậm chạp
Mỹ đã quyết đinh dừng chương trình QE, thay vào đó FED tiếp tục mua trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, dự kiến khối lượng khoảng 25 tỷ USD. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thời hạn 10 năm đang ở mức 2,84% và lợi suất trái phiếu thời hạn 2 năm ở mức 0,329%, mức thấp nhất tính từ tháng 11/2010 do nhà đầu tư đổ tiền mua khối lượng lớn trong bối cảnh chứng khoán biến động mạnh.
Tình hình kinh tế Mỹ có nhiều thông tin trái chiều, nhìn chung vẫn phục hồi chậm chạp. Doanh số bán lẻ giảm 0,2% trong tháng 5, mức giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2010. Sản lượng công nghiệp trong tháng 6 chỉ tăng 0,1%, dưới mức kì vọng 0,3%. Tỉ lệ thất nghiệp giảm bất ngờ so với kì vọng. CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,2% so với tháng trước, mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua cho thấy áp lực lạm phát đang giảm dần. Chỉ số triển vọng kinh tế trong khoảng thời gian từ 3 đến 6 tháng tới tăng 0,8% sau khi hạ 0,4% trong tháng 4/2011.
Một số thông tin kinh tế Châu Á
CPI Trung Quốc tháng 5 tăng nhanh nhất kể từ tháng 7/2008, tăng 5,5% so với cùng kì năm ngoái. Chỉ số doanh số bán lẻ, sản xuất công nghiệp tăng trưởng so với cùng kì, nhưng mức tăng thấp hơn tháng liền kề trước đó. Nợ công Trung Quốc được chú ý đến với tỉ trọng 80% GDP đánh giá dựa trên số liệu chính phủ đưa ra. Trong đó chủ yếu là Nợ của chính quyền địa phương, khả năng trả nợ rất thấp.
Kinh tế Nhật Bản đang chật vật sau sóng thần, động đất. Tỉ lệ đơn đặt hàng máy móc giảm mức thấp nhất kể từ cuối 2010.
KINH TẾ VIỆT NAM
1.    GDP 6 tháng đầu năm đạt 5,57% - kinh tế chưa khởi sắc:
Theo số liệu của Tổng cục thống kê, GDP 6 tháng đầu năm tăng 5,57% so với cùng kì 2010, thấp hơn mức tăng năm ngoái 0,59%.
Lạm phát, lãi suất cao khiến doanh nghiệp lao đao, sản xuất trong nước gặp khó. Số doanh nghiệp đăng kí mới giảm mạnh. 6 tháng đầu năm, chỉ có 39.500 doanh nghiệp mới, giảm 1,7% so với cùng kì, tổng vốn đăng kí mới giảm 5,4%. Trong khi những năm khủng hoảng như 2008-2010 con số này đều giữ nguyên mức tăng. Theo khảo sát của VCCI, số doanh nghiệp đóng cửa, dừng hoạt động tăng gấp 2 so với cùng kì 2010. Thời điểm này doanh nghiệp bắt đầu ngấm lãi suất, nguồn nguyên liệu dự trữ đang sử dụng để sản xuất sắp hết, giai đoạn sắp tới hết sức khó khăn đối với ngành sản xuất trong nước.
2.    Lạm phát tháng 6: 1,09% - đã thực sự là dấu hiệu giảm cho 6 tháng cuối năm?
Tính chung 6 tháng đầu năm 2011, CPI tăng 13,29% so với tháng 12/2009, và tăng 20,82% so với cùng kì. Nhìn chung, mặt bằng giá đã được thiết lập 1 mức mới, ổn định, không có biến động các loại hàng hóa như xăng dầu, điện… Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tiếp tục tăng 1.79% do giá lương thực thế giới và cung trong nước yếu. Các loại hàng hóa đều có mức tăng nhẹ.
Kế hoạch cả năm lạm phát 15% đòi hỏi lạm phát 6 tháng còn lại đạt 1,71%, tức trung bình mỗi tháng chưa đến 0,3% là điều không thể thực hiện được. Các yếu tố có khả năng gây lạm phát cao những tháng cuối năm:
- Theo lệ thường, tháng 9 là bắt đầu năm học mới. Chi phí giáo dục tiếp tục được điều chỉnh nâng lên. Mức tăng khả năng không ảnh hưởng nhiều như năm 2010, nhưng đóng góp phần không nhỏ vào mức tăng chung.
- Năm nay, dịp Tết Dương lịch và Tết nguyên đán cách nhau chỉ 1 tháng, nhu cầu tiêu dùng lớn, cung tiền tăng.
- Thời tiết thất thường, ban đầu là hạn hán ở Nga, sau đó là mưa quá nhiều ở một số vùng nước Mỹ trong khi hạn hán ở vùng khác, cộng với thiếu nước trầm trọng nhất 50 năm ở Trung Quốc có thể đẩy giá lương thực thế giới tăng cao trong thời gian tới.
- Trong nước, từ tháng 7 bắt đầu vào mùa mưa bão,và trùng vào thời điểm thu hoạch. Thiên tai, mất mùa gây ra khan hiếm nguồn cung lương thực thực phẩm, thêm vào đó mặt bằng giá bị đẩy cao chóng mặt trong những ngày mưa bão.
- Tập đoàn điện lực Việt Nam EVN tiếp tục kêu khó khăn vì giá điện thấp, vốn khó khăn, chủ nợ yêu cầu trả nợ. Các cơ quan bộ ngành lên tiếng đề xuất chính phủ hỗ trợ ngành điện. Giá điện tất yếu sẽ tăng, mức cao nhất là 62% (theo đề xuất của EVN).
Theo nhận định, lạm phát trong 6 tháng tới trung bình mỗi tháng khoảng 1%, riêng tháng 11, 12 sẽ khoảng 2% hoặc hơn. Như vậy lạm phát cuối năm 2011 vào khoảng >= 20% so với cuối năm 2010.
3.    Xuất nhập khẩu tháng 6 đạt kỉ lục. Nhập siêu 6 tháng đầu năm ở mức cao:
Kim ngạch xuất khẩu tháng này ước đạt 7,8 tỷ USD tăng khoảng 7,8% so với tháng trước và trở thành tháng có kim ngạch xuất khẩu cao kỷ lục từ trước tới nay.
Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 8,2 tỷ USD, giảm nhẹ 5,2% so với tháng trước. Như vậy, nhập siêu tháng này ước khoảng 400 triệu USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2010 trở lại đây.
Đây là tín hiệu lạc quan cho kinh tế vĩ mô trong nước trong bối cảnh nhập siêu lớn đang gây quan ngại. Tuy nhiên, chưa nên chủ quan khi xuất khẩu tháng này tăng mạnh chủ yếu nhờ tái xuất vàng thời điểm giá vàng thế giới cao hơn trong nước. Là hàng hóa biến động khó dự đoán, đây khả năng chỉ là đột biến.
Nhập siêu 6 tháng đầu năm đã ở mức 6,65 tỷ đồng. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn là nông sản, hàng thô, còn công nghiệp chế biến chỉ tăng nhẹ. Cơ cấu nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tích cực: nhóm hàng “cần thiết nhập khẩu” chiếm tỉ trọng lớn nhất, tăng 16%; nhóm hàng “cần kiểm soát nhập khẩu” chỉ chiếm 7,5% tổng kim ngạch, tăng 13,2%; nhóm hàng “hạn chế nhập khẩu” chỉ tăng 1%…. Lượng ôtô nhập khẩu tăng mạnh 50,7%, tuy nhiên kể từ 1/7 thông tư số 20/2011/TT-BCT cấm nhập khẩu ôtô phi chính thức có hiệu lực, lượng xe nhập khẩu sẽ giảm mạnh.
Thông thường, tháng 5,6,7 đã là mùa xuất khẩu. Dự báo thời gian tới kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng chậm lại do tính mùa vụ nông sản Việt Nam, nhập siêu tiếp tục là vấn đề khó kiểm soát.
4.    FDI đăng kí và giải ngân đều giảm so với cùng kì:
- Trong tháng 6 đã có thêm 173 dự án FDI đăng ký mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký trong tháng đạt 979 triệu USD, cải thiện hơn so với tháng trước đó.
Tuy nhiên, lũy kế từ đầu năm đến 22/6, cả nước đã thu hút được 587 dự án cả đăng ký mới và tăng vốn với tổng vốn đăng ký đạt 5,667 tỷ USD, chỉ tương đương 62,7% cùng kỳ năm trước. Lượng vốn đăng ký mới rất thấp, chỉ bằng 1/2 cùng kỳ, trong khi dự án tăng vốn chỉ tăng nhẹ so với năm trước.
- FDI giải ngân sụt giảm kể từ tháng 3/2011. Trong tháng 6, con số giải ngân khiêm tốn 786 triệu USD, giảm 12% so với tháng 5. Vốn FDI giải ngân 6 tháng đạt 5,3 tỷ USD, giảm khoảng 1,9% so với cùng kỳ 2010 (Số liệu cục Đầu tư nước ngoài đến 22/06/2011)
Tình hình xuất nhập khẩu khu vực FDI tiếp tục tăng trưởng. Xuất siêu 1,6 tỷ USD nều tính dầu thô, nhập siêu 1,8 tỷ USD nếu không tính dầu thô. FDI xuất siêu vẫn chủ yếu dựa vào khai thác xuất khẩu tài nguyên thô, một hướng không thể phát triển mãi và cũng không nên khuyến khích.
5.    Lại nóng vấn đề tỉ giá - Liệu tỉ giá có ổn định được đến cuối năm?
Tỉ giá liên tục giảm, VND có xu hướng tăng giá so với USD kể từ tháng 3/2011. Các biện pháp ổn định thị trường ngoại hối của NHNN đã phát huy tác dụng. Tận dụng thời điểm này, NHNN tăng cường mua USD, tăng dự trữ ngoại hối.
Điểm lại các nguyên nhân giữ ổn định tỉ giá:
- Các chính sách mạnh tay của NHNN: giảm lãi suất huy động USD xuống còn 1-3%; tăng dự trữ bắt buộc USD; cấm thị trường USD chợ đen; buộc các Tập đoàn kinh tế NN bán USD cho ngân hàng…
- Trên thị trường tiền tệ, lãi suất cho vay USD thấp hơn nhiều so với VND, cộng thêm tỉ giá ổn định ở mức thấp, doanh nghiệp vay USD, đổi sang vốn VND để hoạt động hay gửi tiết kiệm. Cầu USD giảm khiến tỉ giá giảm.
Liệu tỉ giá có ổn định được đến cuối năm? Cùng nhìn nhận áp lực tỉ giá cuối năm:
- Cầu USD khả năng sẽ lớn:
+ Tín dụng ngoại tệ 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Lượng cung ngoại tệ 6 tháng đầu năm có thể trở thành cầu thực 6 tháng cuối năm, khi các DN bắt đầu mua ngoại tệ trả nợ ngân hàng.
+ Cuối năm là thời điểm thanh toán cho các nhà cung cấp của doanh nghiệp nhập khẩu. Lượng cầu này chiếm tỉ lệ không nhỏ.
+ Áp lực lạm phát cuối năm còn rất lớn, cao hơn mức 15% theo kế hoạch. Trong khi lãi suất VND có xu hướng giảm theo chủ trương của NHNN. Một khi lãi suất VND giảm, trong khi niềm tin vào VND chưa được củng cố, cầu mua USD để nắm giữ chắc chắn tăng mạnh.
- Trong khi, cung USD chưa phải là dồi dào:
+ Nhập siêu 6 tháng vẫn ở mức cao 6,654 tỷ USD, dấu hiệu tăng xuất khẩu chỉ là tạm thời.
+ Dòng vốn FDI giải ngân sụt giảm, vốn đăng kí cũng chưa đột biến.
+ FII 6 tháng đầu năm nay chỉ đạt khoảng 350 triệu USD trong khi 6 tháng đầu năm 2010, vốn đầu tư gián tiếp đạt khoảng 1,8 tỷ USD. 6 tháng đầu năm khối ngoại chỉ mua ròng 3.620 tỷ đồng trên TTCK, giảm hơn một nửa so với cùng kì 2010.
+ Lượng kiều hối quý II/2011 ước tính khoảng 1,9 tỷ USD, giảm nhẹ so với cùng kì 2010 đạt trên 2 tỷ USD
+ Điểm lạc quan là nguồn dự trữ ngoại hối tăng nhờ NHNN tích cực mua USD. Số liệu ngoại hối Việt Nam gần như không được công bố chính xác. Theo IMF con số hiện nay là 13,5 tỷ USD.
Tỉ giá 6 tháng cuối năm nhiều áp lực sẽ tăng, khả năng quanh mức 21.000 VND/USD.
6.    Cắt giảm đầu tư công vẫn còn nhức nhối - Chính sách tài khóa còn bỏ ngỏ:
Nằm trong chủ trương kiềm chế lạm phát thông qua chính sách tài khóa, giảm đầu tư công là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, tính đến giữa tháng 6, đầu tư công vẫn được thực hiện chưa kiên quyết. Số dự án cắt giảm từ ngân sách là 1.145 dự án, giá trị 3.150 tỷ đồng, chỉ bằng 23% số dự án và 14.5% số vốn cấp cho các dự án mới. Tiếp tục tăng vốn cho 283 dự án với tổng số vốn 868 tỷ đồng. Nguồn vốn này được lấy từ số vốn đã cắt giảm, đình hoãn từ các bộ ngành, địa phương. Mới đây, Bộ GTVT xin bổ sung 6.800 tỉ vốn từ TPCP để tăng vốn cho những dự án đang triển khai (Nguồn: Thời báo KTSG).
Qua các con số, có thể thấy đầu tư công đang trong tình trạng chưa thể cắt giảm mạnh. Dự án đang triển khai trong tình trạng thiếu vốn được tăng vốn. Vốn cắt giảm lại được tái đầu tư. Hiệu quả của dự án không được công bố. Chính sách tài khóa thường đi cùng một số nhóm lợi ích, rất khó để thực hiện triệt để.
7.    Tổng kết thị trường tiền tệ 6 tháng đầu năm 2011:
Thị trường tiền tệ nửa đầu năm 2011 đầy biến động. Lãi suất những tháng đầu năm tăng vọt cùng lạm phát. Thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát, nghị quyết 11 và nhiều quy định của NHNN lần lượt được đưa ra. Đến tháng 6/2011, thị trường đã có dấu hiệu hạ nhiệt. Lãi suất trung bình thời điểm cuối quý II/2011 vào khoảng 15%-17.5% các kì hạn. Tăng trưởng tín dụng 7,05%; huy động vốn tăng 2,37%; tổng phương tiện thanh toán tăng 2,33% so với cuối 2010. Các con số công bố đều thấp, dư địa vẫn còn rất nhiều, nhưng ẩn khuất đằng sau các con số thực tế ít người biết được.
Giao dịch trên thị trường mở diễn ra ảm đạm. Khối lượng giao dịch giảm mạnh. 6 tháng đầu năm NHNN đã hút ròng gần 85.000 tỷ đồng qua thị trường mở. Lãi suất trên thị trường mở được duy trì 15%/năm cho đến cuối tháng 6. Sang đầu tháng 7, NHNN đã hạ 100 điểm lãi suất thị trường mở, xuống còn 14%. Hành động này của NHNN khiến các chuyên gia nước ngoài lo lắng, cho rằng nới lỏng quá sớm sẽ khiến lạm phát quay trở lại như đầu năm 2010. Trong khi các chuyên gia trong nước nhận định đây là do thanh khoản thị trường liên ngân hàng đang tốt lên.
Hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm rủi ro cao. Tín dụng phi sản xuất vẫn là mảnh đất màu mỡ, khó cắt giảm của ngân hàng. Để giảm dư nợ tín dụng, dư nợ phi sản xuất theo chuẩn NHNN, nhiều hình thức huy động, cho vay bị bóp méo. Đơn cử, dư nợ tín dụng dưới hình thức mua trái phiếu, chiếm tỉ trọng lớn trong tổng tài sản, và thậm chí không trích lập dự phòng. Cụ thể, tính đến cuối tháng 5, tổng giá trị đầu tư tài chính của 19 ngân hàng cổ phần nhỏ và vừa (mỗi ngân hàng có tổng tài sản dưới 80.000 tỉ đồng) là 88.635 tỉ đồng. Trong đó, đầu tư vào Trái phiếu TCKT gần 42.700 tỉ đồng, chiếm 48% tổng giá trị đầu tư tài chính và chiếm tỷ lệ 17,9% tổng dư nợ của 19 ngân hàng. Có ngân hàng tỉ lệ này là 80%. Ngoài ra, ngân hàng còn ủy thác đầu tư qua công ty liên kết có chức năng đầu tư, Công ty có thể dùng nguồn ủy thác để gửi tiền tại các TCTD lãi suất cao, cho vay doanh nghiệp, cho vay chứng khoán, bất động sản, cách lách luật gây méo mó thị trường.
Nợ xấu hệ thống ngân hàng liên tục gia tăng. Theo thống kê, các ngân hàng kiểm soát tốt, nợ xấu tăng khoảng 0,5%; một số ngân hàng khác vào khoảng 1.5%, thậm chí là tăng 2%. Cuối năm 2010, nợ xấu toàn ngành ở mức 2,5% dư nợ. Tính cả Vinashin là khoảng 3,2%, tương đương 2,48 triệu tỷ đồng. Vậy, nếu nợ xấu 6 tháng đầu năm 2011 của toàn ngành khoảng 3,2%, con số nợ xấu sẽ trên 100.000 tỷ đồng (theo cách tính nợ xấu của Việt Nam).
NỢ CÔNG HY LẠP
Khi Lehman Brothers sụp đổ tháng 8/2008, nhà đầu tư tháo chạy khỏi cổ phiếu, trái phiếu. Tín dụng bị đóng băng, ngân hàng gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Thương mại suy giảm, suy thoái xảy ra, thất nghiệp lan tràn, đánh dấu sự bắt đầu của cuộc khủng hoảng tài chính được coi là nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại suy thoái năm 1930.
Ba năm sau vụ Lehman Brothers, người ta bắt đầu nói tới Hy Lạp, một đất nước, không phải một tổ chức tài chính, có thể gặp tình trạng tương tự.
Đến năm 2010, nợ công Hi Lạp đã lên tới 142,8% GDP, tương đương 469,8 tỷ USD - con số rất khủng. Trong khi GDP Hi Lạp tăng trưởng âm liên tục các năm 2008 - 2010, đến 2010 GDP là -5%. Hy Lap có tỷ lệ thâm hụt ngân sách cao nhất tại châu Âu, lên tới 15,4% GDP năm 2009, cao hơn rất nhiều so với mức trần 3% theo giới hạn của Liên minh châu Âu. Lợi suất trái phiếu Hi Lạp lên mức cao kỉ lục.
1.    Do đâu Hi Lạp lâm vào khủng hoảng nợ công?
- Tiết kiệm trong nước thấp, vay nợ nước ngoài cho chi tiêu công
Giai đoạn 2002-2007 kinh tế Hy Lạp tăng trưởng mạnh, bình quân ở mức 4.2%/năm. Lợi tức trái phiếu liên tục giảm nhờ vào việc gia nhập liên minh châu Âu (EU), tạo điều kiện cho chính phủ Hy Lạp tăng cường vay nợ tài trợ cho chi tiêu công. Trong khi, tiết kiệm nội địa của nước này sụt giảm nhanh chóng. Do vậy, đầu tư trong nước phụ thuộc khá nhiều vào các dòng vốn đến từ bên ngoài.
Năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra đã ảnh hưởng khá mạnh đến các ngành công nghiệp chủ chốt của nước này. Nguồn thu để tài trợ cho ngân sách nhà nước bị co hẹp mạnh. Hy Lạp lại phải tăng cường chi tiêu công để kích thích kinh tế, dẫn tới vay nợ cao.
- Che dấu mức thâm hụt cao trong nhiều năm liền để đảm bảo điều kiện gia nhập EU:
Tham vọng tạo ra một khối kinh tế chung có sức ảnh hưởng đã khiến cho các thành viên sáng lập EU muốn có càng nhiều thành viên càng tốt. Điều đó khiến các tham vọng chính trị va vấp với những thực trạng về nền kinh tế các quốc gia. Trong suốt thời gian dài Chính phủ Hy Lạp đã phải ngụy tạo các báo cáo về tình hình kinh tế trong nước, sắp xếp lại các giao dịch nhằm che dấu mức vay thực tế, nhằm phù hợp với các quy định gia nhập, giám sát của EU và có thể chi tiêu cao hơn. Khi thâm hụt thực tế được công bố, khủng hoảng nợ công bắt đầu từ đó.
- Hi Lạp là 1 trong những quốc gia vấn nạn tham nhũng nghiêm trọng nhất EU
Theo giới nghiên cứu, hàng năm tham nhũng đã lấy đi 10% GDP của nước này. Tỷ lệ thất thoát thuế ở Hy Lạp lên tới 25% thuộc hàng lớn nhất châu Âu và cũng là con số khá cao trên thế giới. Theo các nhà phân tích, chính sự trợ giúp của EU trong những năm qua lại là “đòn bẩy” khiến tham nhũng ở Hy Lạp tăng lên nhanh chóng. Chỉ tính trong vòng 3 thập kỷ kể từ khi Hy Lạp gia nhập EU, nước này đã nhận được tổng cộng khoảng 300 tỷ euro tiền trợ cấp từ EU. Theo đánh giá của ngân hàng thế giới WB, kinh tế không chính thức ở Hy Lạp chiếm tới 25 - 30% GDP (so với mức 15,6% GDP của Việt Nam; 13,1% GDP của Trung Quốc và Singapore; 11,3% GDP của Nhật Bản).
2.    Vì sao khủng hoảng nợ tại Hi Lạp là nghiêm trọng?
Rủi ro lớn nhất của Hy Lạp là nợ vay nước ngoài chiếm tỷ lệ lớn. Ước tính tỷ lệ trái phiếu do nước ngoài nắm giữ có thể lên tới 80% lượng trái phiếu chính phủ phát hành. Chủ nợ phần lớn là các ngân hàng châu Âu. Các nước Ý, Ireland cũng trong tình cảnh thâm hụt ngân sách và nợ công cao, nhưng không bị đánh giá nghiêm trọng bằng Hy Lạp. Sở dĩ như vậy vì các nước này có nền kinh tế tương đối lớn, ngân sách lớn và khả năng kiểm soát nợ trong nước cao hơn.
Vào tháng 04/2010, các tổ chức định mức tín nhiệm như S&P, Moody’s và Fitch Rating đã hạ bậc trái phiếu chính phủ Hy Lạp xuống mức rủi ro cao, trước nguy cơ mất khả năng thanh khoản. Lợi tức trái phiếu chính phủ Hy Lạp đã tăng mạnh. Điều này đã khiến cho chính phủ Hy Lạp gặp nhiều khó khăn hơn trong việc huy động vốn trên thị trường tài chính quốc tế để tái cấu trúc các khoản vay.
Rủi ro vỡ nợ tại Hi Lạp càng trở nên nghiêm trọng khi khủng hoảng nợ công đang bao trùm nền kinh tế EU. 14/27 nước thuộc EU có tỷ lệ nợ tương đương hơn 60% GDP, mức giới hạn an toàn mà Liên minh châu Âu đưa ra. Trong nhóm này có cả một số nền kinh tế lớn của khu vực như Anh hay Pháp.
3.    Điều gì sẽ xảy ra nếu Hy Lạp vỡ nợ?
Hy Lạp là một nền kinh tế nhỏ, hàng năm chỉ đóng góp khoảng 2% vào GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu. Tuy vậy, nếu Hy Lạp mất khả năng thanh toán thì hậu quả sẽ lan rộng khắp châu Âu và có thể gây nên một cuộc khủng hoảng nợ trên quy mô lớn.
Nếu Hy Lạp không đạt được các thỏa thuận về cứu trợ thì có thể sẽ buộc phải thông báo mất khả năng thanh toán ở một số khoản nợ. Khi đó, nước này có thể buộc phải ra khỏi EU, có nghĩa là các khoản vay sẽ không còn được NHTW châu Âu (ECB) đảm bảo.
Điều này đến lượt sẽ làm mất ổn định lãi suất liên ngân hàng của đồng Euro, khiến nhà đầu tư mất lòng tin vào đồng tiền chung Euro và có thể liên đới đến các nước có tình trạng nợ công tương tự như Bồ Đào Nha, Ý và Tây Ban Nha. Vì vậy, một đợt tháo chạy với quy mô lớn trên thị trường trái phiếu và cổ phiếu các ngân hàng khu vực châu Âu là hoàn toàn có thể. Điều này có thể gây nên hiện tượng tương tự như “hòn tuyết lăn” hay hiệu ứng sụp đổ hàng loạt ở các nền kinh tế khác.
Các chuyên gia nhận định, ảnh hưởng cú sốc Hi Lạp vỡ nợ sẽ nghiêm trọng hơn vụ Lehman sụp đổ năm 2008
S&P ước tính trong trường hợp Hy Lạp mất khả năng thanh toán, nhà đầu tư có thể mất 30-50% giá trị khoản đầu tư.
4.    Liệu Hi Lạp có vỡ nợ?
Đây là lần thứ 2 Hi Lạp cần tới gói giải cứu để tránh khả năng vỡ nợ. Để cứu đồng Euro, EU sẽ tìm mọi cách để cứu Hi Lạp. Mới đây kế hoạch thắt chặt chi tiêu của chính phủ Hi Lạp được thông qua, nước này đã nhận được 12 tỷ euro (tương đương 17 tỷ USD) trong gói cứu trợ đầu tiên trị giá 110 tỷ euro, trước mắt để thanh toán những khoản nợ đến hạn. EU và IMF nhận định sẽ cần thêm một gói hỗ trợ khoảng 100 tỷ euro để Hi Lạp được duy trì cho đến 2014 - khi quỹ cứu trợ được thành lập.
Ngân hàng Pháp lên tiếng đề nghị các chủ nợ tư nhân tái đầu tư ít nhất 70% trái phiếu Hi Lạp đến hạn vào trái phiếu mới thời hạn 30 năm, coupon 5.5%. Trong khi các tổ chức tài chính nên tái đầu tư ít nhất 90%. Ngân hàng Đức, Pháp ủng hộ kế hoạch tái cơ cấu này.
Trong khi đó, theo đánh giá của tổ chức S&P, cách làm này chính là đảo nợ, sẽ được xem như phương án cứu chữa cuối cùng, chứ không phải là cơ hội cho Hi Lạp. Trái phiếu phát hành mới sẽ khó giao dịch, khả năng giao dịch với mức giá thấp hơn giá trung bình, khó tiếp cận với thị trường tài chính với kì hạn quá dài như vậy, gây rủi ro cho nhà đầu tư. Đây không chỉ nhận định riêng của S&P, nhiều chuyên gia cũng lo ngại sớm hay muộn Hi Lạp cũng sẽ vỡ nợ.
Bộ trưởng Bộ tài chính Đức cũng tiết lộ về một kế hoạch kiểm soát nền kinh tế nếu như điều không mong muốn xảy ra là Hi Lạp vỡ nợ mặc dù ông cảnh báo không nên dồn Hi Lạp đến tình trạng vỡ nợ vì những rủi ro của nền kinh tế Hi Lạp và ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính.
Kế hoạch thắt chặt chi tiêu lần đầu không thành công. Kế hoạch lần 2 tuy được thông qua, nhưng gặp phải làn sóng phản đối trong người dân Hi Lạp, nguy cơ tăng bạo động, ảnh hưởng nền kinh tế. Kinh tế Hi Lạp ngày càng tăng trưởng kém, yếu kém nội tại nền kinh tế chưa được giải quyết triệt để, thâm hụt thương mại khó giải quyết. Với mức nợ công khả năng lên tới 155% GDP trong năm 2011, chỉ với tăng thuế, giảm chi tiêu, Hi Lạp khó để đi bằng chính đôi chân của mình.
5.    Ảnh hưởng và bài học cho Việt Nam:
Kinh tế Việt Nam đã hội nhập khá sâu vào kinh tế thế giới. Nếu cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp xảy ra sẽ làm chậm lại đà phục hồi của kinh tế toàn cầu và đặc biệt là kinh tế châu Âu, kinh tế của Việt Nam sẽ gián tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề: hoạt động xuất nhập khẩu đình trệ, dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp suy giảm, tăng trưởng chậm lại do ảnh hưởng của kinh tế thế giới… TTCK có thể tác động 2 chiều: sụt giảm do ảnh hưởng TTCK thế giới, hoặc tăng trưởng khi dòng tiền chuyển hướng tập trung vào các nước đang phát triển.
Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp cũng là một bài học cho Việt Nam khi nhìn lại vấn đề nợ công và mô hình tăng trưởng của nền kinh tế
Mô hình tăng trưởng của Việt Nam dựa quá nhiều vào nguồn vốn đầu tư bên ngoài sẽ dễ bị tổn thương nếu kinh tế thế giới ngưng trệ. Tỷ lệ đầu tư/GDP trong những năm gần đây đều ở mức trên 40% - một tỷ lệ rất cao so trung bình các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong con số 40%, khoảng 27-30% được tài trợ bởi nguồn vốn tiết kiệm trong nước. Hơn 10% còn lại là từ dòng vốn từ bên ngoài (FDI, FPI, ODA và các khoản vay khác), trong đó vốn vay chiếm một tỷ lệ không nhỏ.
Cũng tương tự như Hy Lạp, thâm hụt thương mại của Việt Nam luôn duy trì ở mức cao và kéo dài. Một tỷ lệ khá lớn vốn tài trợ cho thâm hụt cũng đến từ bên ngoài, trong đó số tiền vay nợ qua (ODA, vay thương mại, phát hành trái phiếu chính phủ quốc tế) ngày càng lớn. Tỷ lệ nợ công/GDP đang ngày càng tăng nhanh. Ba năm nay, nợ công bằng 7-8 năm trước đó cộng lại. Trong khi đó, chi phí vay ngày càng lớn, thời hạn vay ngày càng ngắn. Các nước châu Âu lâm vào khủng hoảng nợ công cũng do các khoản vay kỳ hạn ngắn và lãi suất cao như vậy.
Áp lực thâm hụt ngân sách càng nặng hơn khi sắp tới Việt Nam đang có hàng loạt dự án quy mô rất lớn như xây dựng nhà máy điện hạt nhân, dự án đường cao tốc Bắc Nam, đường vành đai... Đây là những dự án tiêu tốn chi phí cao và phần lớn số tiền không phải là tiền tiết kiệm trong nước, mà đến từ nguồn vốn vay từ nước ngoài.
Thêm vào đó là việc sử dụng nguồn vốn kém hiệu quả. Khu vực tích tụ nợ xấu nhiều, chính là doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế. Các khoản nợ này tạo ra nợ xấu cho ngân hàng và nền kinh tế. Đơn cử trường hợp Vinashine. Bất ổn vĩ mô những tháng tới và năm tới còn lớn, mà nguy cơ lớn nhất là hoạt động của các công ty nhà nước tích tụ nợ xấu. Trong khi chúng ta chưa có cơ chế để kiểm soát sự minh bạch, sự hiệu quả của khu vực này. Bảo hiểm rủi ro vỡ nợ trái phiếu (CDS) của Việt Nam từ cuối tháng 5 đến nay tăng điểm mạnh mẽ. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức rất thấp sau 3 lần bị hạ điểm.
Kinh tế Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khủng hoảng nợ công của Hy Lạp và các nước châu Âu cũng khiến Việt Nam phải suy nghĩ lại về bài toán chất lượng tăng trưởng. Giải pháp dài hạn của Việt Nam vẫn là phải nâng cao hiệu quả đầu tư, giúp giảm được hàng loạt những rủi ro đối với nền kinh tế.
Tài liệu tham khảo:
www.sbv.gov.vn