Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.25.2011

Thị trường bảo hiểm Việt Nam 2009

THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM
NĂM 2009
Cuối năm 2008 có đến 18 trên 26 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bị lỗ hoặc không có lãi nghiệp vụ bảo hiểm. Đầu năm 2009 nền kinh tế xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động giảm sút hoặc cầm chừng, công nhân thiếu việc làm giảm sút thu nhập dẫn đến không có đủ khả năng tài chính tham gia bảo hiểm. Không ít khách hàng truyền thống của doanh nghiệp bảo hiểm không có tiền đóng phí bảo hiểm mặc dù nhu cầu bảo hiểm không hề giảm thậm chí tăng lên như ngành vận tải biển, vận tải hàng không, than khoáng sản….

Đặc điểm tình hình kinh tế xã hội
Cuối năm 2008 có đến 18 trên 26 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ bị lỗ hoặc không có lãi nghiệp vụ bảo hiểm. Đầu năm 2009 nền kinh tế xã hội Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng suy thoái kinh tế toàn cầu nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh hoạt động giảm sút hoặc cầm chừng, công nhân thiếu việc làm giảm sút thu nhập dẫn đến không có đủ khả năng tài chính tham gia bảo hiểm. Không ít khách hàng truyền thống của doanh nghiệp bảo hiểm không có tiền đóng phí bảo hiểm mặc dù nhu cầu bảo hiểm không hề giảm thậm chí tăng lên như ngành vận tải biển, vận tải hàng không, than khoáng sản…. Khách hàng tiềm năng của bảo hiểm nhân thọ bị thu hẹp vì khó khăn tài chính thậm chí không ít khách hàng không có khả năng đóng phí bảo hiểm để duy trì hợp đồng bảo hiểm. Trong năm 2009 nhiều thiên tai giông tố lũ lụt xảy ra nhất là cơn bão số 9 & 11 liên tiếp gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh miền Trung. Thị trường chứng khoán đã có thời điểm xuống chỉ còn 235 điểm (ngày 24/2), thị trường bất động sản, ngoại tệ mất ổn định ảnh hưởng lớn tới hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm.

Trước tình hình trên các DNBH đã tìm cách tháo gỡ khó khăn vươn lên bằng nội lực củng cố xếp sắp lại quản lý kinh doanh, cải tiến sản phẩm bảo hiểm hiện hành, nghiên cứu phát triển sản phẩm mới, mở rộng và nâng cao chất lượng kênh phân phối, chung tay với khách hàng giải quyết khó khăn và tài chính như giãn thời hạn nộp phí, cho vay để đóng phí bảo hiểm…

Bắt đầu từ Quý II/2009 chính phủ thực hiện hàng loạt giải pháp kích cầu cho vay hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh đầu tư công, giảm thuế VAT, thuế trước bạ cho một số mặt hàng, giảm và giãn thuế TNDN 2008, miễn thuế TNCN 6 tháng đầu năm 2009, Những giải pháp trên đã phát huy tác dụng tích cực. Tăng trưởng kinh tế GDP năm 2009 đạt 5,32%, đầu tư toàn xã hội chiếm 42,5% GDP, FDI thu hút được 20 tỉ USD, ODA thu hút 8,1 tỉ USD, xuất khẩu đạt 56,6 tỉ USD, nhập khẩu đạt 68,8 tỉ USD. Ngành bảo hiểm nắm bắt những cơ hội trên để vươn lên hoàn thành nhiệm vụ là tấm lá chắn kinh tế của nền kinh tế xã hội trước những rủi ro thiên tai tai nạn sự cố bất ngờ được bảo hiểm..

Thị trường bảo hiểm phi nhân thọ
1.      Tình hình chung
Các DNBH đã rà soát để sửa đổi bổ sung quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm của các sản phẩm bảo hiểm hiện hành, phát triển sản phẩm mới mang tính đặc thù của doanh nghiệp, hoàn thiện quy trình quản lý nghiệp vụ, quy trình thủ tục giải quyết bồi thường vừa mang tính cải cách thủ tục hành chính vừa hướng tới phục vụ khách hàng khẩn trương và tốt nhất, vừa quản lý chặt chẽ từ khâu khai thác đến giải quyết bồi thường. Hầu hết các DNBH đã tập trung xây dựng cơ sở công nghệ thông tin nâng cao chất lượng quản lý nghiệp vụ kinh doanh và phục vụ khách hàng. Nhiều DNBH đã tập trung phát triển khâu chăm sóc khách hàng xây dựng trung tâm giải quyết bồi thường, trung tâm cứu nạn cứu hộ, trung tâm tư vấn khách hàng. Nhiều DNBH đưa ra chỉ tiêu phải có lãi từ nghiệp vụ bảo hiểm hoặc từng bước giảm tỉ lệ bồi thường hàng năm xuống bằng tỉ lệ bồi thường chung của toàn thị trường. Tình trạng cạnh tranh vẫn còn gay gắt nhưng mức độ cạnh tranh phi kỹ thuật (mở rộng điều kiện điều khoản, giảm phí bảo hiểm không tương xứng với trách nhiệm bảo hiểm) đỡ quyết liệt hơn.
 Các DNBH bằng nội lực của mình đã vượt qua khó khăn thách thức của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nắm nhanh cơ hội khi nền kinh tế phát triển để đẩy mạnh khai thác phát triển thị trường bảo hiểm. Năm 2009 doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 13.616 tỉ đồng tăng 2.738 tỉ đồng đồng so với năm 2008 tương đương 25,16%. Top 10 doanh nghiệp có doanh thu cao là Bảo Việt 3.659 tỉ đồng (tăng 10,22%), PVI 2.770 tỉ đồng (tăng 37,1%), Bảo Minh 1.824 tỉ đồng (giảm 3,19%), PJICO 1.271 tỉ đồng (tăng 19,84%), PTI 449 tỉ đồng (tăng 1,33%), BIC 367 tỉ đồng (tăng 38,79%), MIC 341 tỉ đồng (tăng 138,34%), AAA 334 tỉ đồng (tăng 64,98%), Bảo Long 325 tỉ đồng (tăng 27,91%), VNI 298 tỉ đồng (tăng 312,92%). Tổng số tiền bồi thường toàn thị trường 5.094 tỉ đồng, tỉ lệ đã bồi thường (chưa tính dự phòng phí chưa được hưởng, dự phòng dao động lớn, dự phòng bồi thường) 37,5%. Doanh nghiệp có tỉ lệ bồi thường cao là Chartis 62,58%, Bảo Minh 59,98%, QBE 50,45%, Liberty 47%, SVI 46,22%. Bảo hiểm xe cơ giới đạt doanh thu 4375 tỷ đồng (tăng 36%), bồi thường 2087 tỷ đồng. Bảo hiểm tai nạn và chăm sóc y tế đạt 1960 tỷ đồng (tăng 22%), bồi thường 917 tỷ đồng. Bảo hiểm tàu thuỷ và trách nhiệm dân sự chủ tàu đạt 1545 tỷ đồng (tăng 21%), bồi thường 437 tỷ đồng. Bảo hiểm tài sản và thiệt hại đạt 2861 tỷ đồng (giảm 6%), bồi thường 645 tỷ đồng. Bảo hiểm cháy nổ và mọi rủi ro đạt 1164 tỷ (tăng 15%), bồi thường 545 tỷ . Bảo hiểm hàng hoá vận chuyêrển đạt 952 tỷ (giảm 2,1%), bồi thường 495 tỷ. Tổng số vốn chủ sở hữu là 13 647 tỷ đồng, đầu tư nền kinh tế quốc dân 20 447 tỷ đồng.

 2.      Nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới
Do chính sách kích cầu của chính phủ giảm thuế ô tô nên số lượng xe tiêu thu tăng nhanh kể cả xe nhập khẩu, TT 126 bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới cho phép tăng phí từ 10% - 20% so với QĐ 23 ngày 9/4/2007 là những yếu tố khách quan phát triển thị trường và tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm xe cơ giới. Toàn thị trường đạt 4.326 tỉ đồng (tăng 36,28%), Top đầu doanh thu gồm có Bảo Việt 1.139 tỉ đồng, PJICO 652 tỉ đồng, Bảo Minh 583 tỉ đồng, PVI 533 tỉ đồng, MIC 200 tỉ đồng, PTI 196 tỉ đồng. Đặc biệt công ty bảo hiểm Liberty mới gia nhập thị trường đã đạt doanh thu bảo hiểm xe cơ giới 132 tỉ đồng đứng thứ 10 của thị trường bảo hiểm xe cơ giới. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra và xử phạt chủ xe cơ giới. Bộ Tài chính đã chỉ đạo kiểm tra giám sát các DNBH thực hiện TT 126 Quy tắc điều khoản biểu phí và bảng trả tiền bảo hiểm bắt buộc TNDS chủ xe cơ giới. HHBHVN được giao quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đã đưa Quỹ bảo hiểm xe cơ giới đi vào hoạt động và đang triển khai các công việc đề phòng hạn chế tổn thất, tuyên truyền giáo dục, hỗ trợ nhân đạo, bước đầu mang lại hiệu quả thúc đẩy phát triển bảo hiểm xe cơ giới.

3.      Nghiệp vụ bảo hiểm tai nạn và chăm sóc y tế:
Các DNBH đã đưa ra nhiều sản phẩm bảo hiểm mới thay thế sản phẩm bảo hiểm truyền thống đã có từ đầu những năm 1990 như sản phẩm bảo hiểm quân nhân, bảo hiểm trách nhiệm trả nợ tiền vay khi người đi vay bị tử vong hoặc mất khả năng lao động, bảo hiểm điều trị y tế cao cấp... Toàn thị trường đạt doanh thu 1.954 tỉ đồng (tăng 22,32%). Top đầu doanh thu là Bảo Việt 899 tỉ đồng, Bảo Minh 364 tỉ đồng, PVI 132 tỉ đồng, PJICO 115 tỉ đồng, Chartis 55 tỉ đồng, AAA 54 tỉ đồng.

4.      Nghiệp vụ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự của chủ tàu
Năm 2009, vượt qua thách thức khủng hoảng kinh tế toàn cầu ảnh hưởng lớn đến vận tải biển và đóng tàu Việt nam, các DNBH vẫn tiếp tục tích cực khai thác bảo hiểm tàu thủy và đạt doanh thu 1.521 tỉ đồng (tăng 21,37%). Top đầu doanh thu PVI 464 tỉ đồng, Bảo Việt 458 tỉ đồng, Bảo Minh 245 tỉ đồng, PJICO 139 tỉ đồng, GIC 49 tỉ đồng.
  
5.      Nghiệp vụ bảo hiểm Tài sản thiệt hại:
Đạt doanh thu 2.822 tỉ đồng (giảm 6%) so với năm 2008. Top đầu các doanh nghiệp về doanh thu là PVI 1.191 tỉ đồng, Bảo Việt 438 tỉ đồng, Bảo Minh 209 tỉ đồng, PTI 149 tỉ đồng, AAA 139 tỉ đồng, BIC 124 tỉ đồng.

-       Bảo hiểm Xây dựng lắp đặt: Đạt doanh thu 1.242 tỉ đồng (giảm 9,1%), các doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu là PVI 421 tỉ đồng, Bảo Việt 260 tỉ đồng, Bảo Minh 187 tỉ đồng,
-       Bảo hiểm kỹ thuật: đạt doanh thu 81 tỉ đồng tăng 75,98%,

-       Bào hiểm thiết bị điện tử: Đạt doanh thu 93 tỉ đồng,

-       Bảo hiểm năng lượng: đạt doanh thu 757 tỉ đồng, tăng trưởng 51,1%.

6.      Bảo hiểm Cháy nổ và mọi rủi ro tài sản
Bảo hiểm cháy nổ đã có hiệu lực hơn 2 năm, doanh thu có cao hơn năm trước nhưng các cơ sở thuộc đối tượng phải mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc tham gia bảo hiểm chưa nhiều. Mặt khác còn nhiều cơ sở thuộc đối tượng trên chỉ tham gia bảo hiểm cháy nổ bắt buộc không tham gia các rủi ro đặc biệt hoặc mọi rủi ro (nhất là khu vực miền Trung) nên khi thiệt hại do giông tố, bão lốc, lũ lụt gây nên lại thuộc rủi ro không được bảo hiểm, không được giải quyết bồi thường. Doanh thu toàn thị trường đạt 1.191 tỉ đồng (tăng trưởng 15,63%), Top các doanh nghiệp đứng đầu về doanh thu bao gồm PVI 299 tỉ đồng, Bảo Minh 282 tỉ đồng, Bảo Việt 134 tỉ đồng, PJICO 71 tỉ đồng, UIC 61 tỉ đồng, SVI 51 tỉ đồng.  

7.      Bảo hiểm hàng hóa vận chuyển
Năm 2009, kim ngạch xuất nhập khẩu giảm ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo hiểm hàng hóa, nhưng các doanh nghiệp vẫn tích cực khai thác để đạt doanh thu toàn thị trường được 952 tỉ đồng (giảm 2,1%) so với cùng kỳ 2008. Top đầu doanh thu Bảo Việt 267 tỉ đồng, tiếp đến PJICO 130 tỉ đồng, PVI 90,3 tỉ đồng, Bảo Minh  90,2 tỉ đồng, VIA 49 tỉ đồng. Toàn thị trường đã bồi thường 494 tỉ đồng tương đương 51,86%.

Ngoài ra Bảo hiểm hàng không đạt doanh thu 434 tỉ đồng, giảm 23,8% so với cùng kỳ năm 2008 trong đó Bảo Việt 203 tỉ đồng, Hàng không 187 tỉ đồng, Bảo Minh 20 tỉ đồng.  

Bảo hiểm trách nhiệm chung đạt doanh thu 352 tỉ đồng, tăng 92,73%. Top đầu doanh thu Bảo Việt 109 tỉ đồng, PJICO 49 tỉ đồng, PVI 44 tỉ đồng.

Thị trường Bảo hiểm nhân thọ
1.      Tình hình chung
Đầu năm 2009, ngân hàng thương mại hạ thấp lãi suất tiết kiệm còn 4% - 5%/năm, thị trường bất động sản đóng băng, thị trường chứng khoán tiếp tục mất điểm, trong khi đó, các DNBH vẫn thực hiện cam kết trả bảo tức cho khách hàng từ 5% - 8% trong suốt thời hạn hiệu lực hợp đồng. Điều này làm cho người dân thấy được ý nghĩa tác dụng của bảo hiểm nhân thọ trong thời kỳ khủng hoảng. Một số lượng không nhỏ muốn kiếm thêm thu nhập từ nghề đại lý khi công việc hiện tại của họ có thu nhập không ổn định. Đây là lực lượng lao động đã đứng tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong giao tiếp, thuyết phục nên chuyển sang nghề đại lý sẽ đạt hiệu quả cao.
Các DNBH đã đưa ra thị trường nhiều sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của các tầng lớp dân cư: bảo hiểm nhân thọ truyền thống, bảo hiểm liên kết chung, bảo
hiểm vi mô, bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn, với số tiền bảo hiểm thấp…
Đặc biệt, sản phẩm bảo hiểm liên kết chung đã thu hút được nhiều khách hàng trung lưu tham gia.
Những nhân tố trên đã thúc đẩy bảo hiểm nhân thọ vượt qua khó khăn suy thoái kinh tế toàn cầu và tiếp tục phát triển. Kết quả năm 2009, bảo hiểm nhân thọ đạt doanh thu phí bảo hiểm 11.857 tỉ đồng, tăng 14% với 4.259.766 hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính. Tổng số tiền bảo hiểm chi trả 5.299 tỷ đồng (tăng 25%). Số lượng đại lý 94.626 người (tăng 31%). Vốn chủ sở hữu 9.767 tỷ đồng. Đầu tư nền kinh tế quốc dân 47.597 tỷ đồng.

2.      Số lượng hợp đồng bảo hiểm
Tổng số hợp đồng bảo hiểm khai thác mới trong năm đạt 758.927 hợp đồng, tăng 34,6% so với năm 2008. Tổng số hợp đồng bảo hiểm hết hiệu lực trong năm là 594.485 hợp đồng, tăng 26,17 %, trong đó, số lượng hợp đồng hủy bỏ trước hạn là 653.599 hợp đồng, tăng 29,1% so với năm 2008.

Tổng số hợp đồng có hiệu lực đến cuối kì đạt 4.259.766 hợp đồng, tăng 10,2%. Các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều hợp đồng bảo hiểm tính theo sản phẩm chính bao gồm Prudential 1.674.326 hợp đồng, Bảo Việt 1.453.581 hợp đồng và Manulife 283.756 hợp đồng.

3.      Doanh thu phí bảo hiểm
Tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ năm 2009 đạt 11.857 tỉ đồng, tăng 15%. Dẫn đầu là Prudential 4.730 tỉ đồng, Bảo Việt 3.718 tỉ đồng, Manulife 1.257 tỉ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm năm đầu đạt 2.802 tỉ đồng, tăng 37,2%, trong đó dẫn đầu về phí bảo  Prudential 894 tỉ đồng, Bảo Việt 730 tỉ đồng, Manulife 287 tỉ đồng và ACE life 283 tỉ đồng.

Doanh thu phí bảo hiểm tái tục 8.920 tỉ đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với kết quả về doanh thu khả quan trước những khó khăn về kinh tế, có thể nói ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đã khẳng định sự phát triển bền vững.

4.      Trả tiền bảo hiểm
Năm 2009, tổng số trả tiền bảo hiểm đạt 5.299 tỉ đồng, tăng 2,5% so với năm 2008. Chi trả quyền lợi bảo hiểm là 3.474 tỉ đồng, tăng 24,6%, trong đó Bảo Việt 2.502 tỉ đồng, Prudential 540 tỉ đồng, Manulife 221 tỉ đồng.
Chi trả giá trị hoàn lại 1.393 tỉ đồng, giảm 29,5% so với năm 2008 chứng tỏ, các doanh nghiệp bảo hiểm đã và đang làm rất tốt khâu chăm sóc khách hàng. Các hợp đồng có thời hạn bảo hiểm ngắn (5 năm) đang dần bị thay thế bởi các hợp đồng bảo hiểm có thời hạn dài hơn (10, 15 năm và dài hơn) đang là xu thế chung của thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.

5.      Số lượng đại lý
Số lượng đại lý bảo hiểm (cá nhân kinh doanh) tính đến cuối kì là 94.626 người tăng 31,3%, trong đó Prudential là 33.324 người, Bảo Việt 18.149 người và Dai-ichi 14.198 người.

Số lượng đại lý mới tuyển dụng trong năm là 88.198 người, trong đó Prudential 33.878 người, AIA 13.872 và Dai-ichi 11.089 người.

6.      Năng lực tài chính
 Vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp bảo hiểm đạt 9.767 tỉ đồng, trong đó Bảo Việt là 1.500 tỉ đồng, Prudential 1.136 tỉ đồng. Tổng số vốn điều lệ là 9.553 tỉ đồng, trong đó, Bảo Việt là 1.500 tỉ đồng và Dai-ichi Life 1.141 tỉ đồng.

7.      Đầu tư của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Trong năm 2009, ngành bảo hiểm nhân thọ tiếp tục đóng góp tích cực trong sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam. Tổng số tiền đầu tư của bảo hiểm nhân thọ là 47.597 tỉ đồng, tăng 21,3% so với 2008, trong đó đáng kể nhất là Prudential với 17.048 tỉ đồng, Bảo Việt Nhân thọ đạt 15.608 tỉ đồng và Manulife 5.230 tỉ đồng. Đóng góp ngân sách từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và đầu tư trong năm 2009 của các DNBH Nhân thọ đạt 1.039 tỉ đồng

Nguồn:  Tổng quan thị trường bảo hiểm năm 2009 (Theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam), truy cập tại http://www.avi.org.vn/News/Item/614/202/vi-VN/Default.aspx, ngày 25/9/2011