Danh ngôn:

"HỌC MÀ CHƯA THẤY VUI THÌ CHƯA GỌI LÀ HỌC" (Tư Mã Quang)







9.25.2011

TTBHVN: Chặng đường mười năm

NHÌN LẠI THÀNH TỰU CHẶNG ĐƯỜNG 10 NĂM
CỦA THỊ TRƯỜNG BẢO HIỂM VIỆT NAM

NGUYN TIN HÙNG
Chỉ còn 3 tháng nữa thập niên đầu tiên của thế kỷ 21 với bao đổi thay, biến động của nền kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ kết thúc. Và cũng chỉ 3 tháng nữa, thị trường bảo hiểm Việt Nam hình thành kể từ khi Chính Phủ ban hành nghị định 100CP ngày 18/12/1993 sẽ bước sang tuổi 18. Có lẽ đây là thời điểm rất thích hợp để nhìn lại chặng đường 10 năm của ngành bảo hiểm thương mại nước ta, từ một “cậu bé thiếu niên”đã  vươn mình như thế nào để trở thành một “chàng trai trưởng thành”, sẵn sàng cho hành trình “ra biển lớn”. Điểm lại những thành tựu 10 năm của thị trường bảo hiểm Việt Nam là vấn đề chúng tôi sẽ đề cập trong bài viết này và sẽ mở đầu cho chuỗi bài nghiên cứu xoay quanh chủ đề nhận định, đánh giá thực trạng và đưa ra những giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam trong giai đoạn sắp tới.
1. Môi trường pháp lý chuyên ngành được xây dựng và hoàn thiện
Nếu như giai đoạn trước (1993-1999), tất cả các hoạt động của thị trường bảo hiểm chỉ được điều chỉnh bởi một văn bản duy nhất của Chính Phủ là nghị định 100CP và các thông tư hướng dẫn. Việc điều chỉnh cũng chỉ tập trung vào việc thành lập và hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm như: việc xét cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bước đầu hình thành cơ chế quản lý tài chính phù hợp đặc thù chuyên ngành. Nhiều mảng của thị trường bảo hiểm vẫn còn bỏ trống, chưa điều chỉnh hoặc nếu có với hình thức can thiệp hành chính trực tiếp. Luật kinh doanh bảo hiểm 2000 được ban hành như là một dấu son mở đầu cho một thập niên phát triển thị trường bảo hiểm. Môi trường pháp lý ngành bảo hiểm thương mại từ đó đến nay được tiếp tục xây dựng và ngày càng hoàn thiện:
-    Một là, thị trường bảo hiểm được phát triển một cách có chiến lược với sự ra đời của "Chiến lược phát triển thị trường  bảo hiểm Việt Nam từ năm 2003 đến năm 2010” (QĐ 175/2003), “Kế hoạch phát triển thị trường bảo hiểm Việt nam 2006-2010” (QĐ 4056);
-    Hai là, hoạt động của thị trường bảo hiểm được điều chỉnh ngày càng đầy đủ và chặt chẽ hơn bởi hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật: thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, thiết lập và thực hiện hợp đồng bảo hiểm, hệ thống các chế độ bảo hiểm bắt buộc trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại;
-    Cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được nâng cấp (từ Phòng thành Vu và bây giờ là Cục), được củng cố về bộ máy chức năng hoạt động nhằm có thể kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng của thị trường nói chung.

2. Kết cấu thị trường thay đổi theo hướng tự do hóa
Nếu như đầu thập kỷ, thị trường bảo hiểm Việt Nam chỉ có 17 doanh nghiệp thì đến nay đã có 50 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có 28 nhà bảo hiểm phi nhân thọ, 11 nhân thọ, 1 tái bảo hiểm và 10 nhà môi giới. Con số trên chưa kể một số doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài vì các lý do khác nhau đã rời khỏi thị trường Việt Nam như: CMG (Úc), Allianz (Đức), Asia (Singapore), New York Life (Mỹ). Ngoài ra, còn có hơn 30 văn phòng đại diện của các tổ chức bảo hiểm, môi giới bảo hiểm nước ngoài khác đặt tại Việt Nam nhằm tiếp cận nghiên cứu, thiết lập dự án chuẩn bị bước vào thị trường nước ta.
Bảng 1 – Số lượng DNBH, MGBH hoạt động trên thị trường
Lĩnh vực
2000
2002
2006
2007
2008
2009
6/2010
- Doanh nghiệp phi nhân thọ
11
13
21
22
27
28
28
- Doanh nghiệp nhân thọ
5*
4
7
9
11
11
11
- Doanh nghiệp tái bảo hiểm
1
1
1
1
1
1
1
- Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
1
2
8
8
10
10
10
Tổng số DNBH, MGBH
17
20
37
40
49
50
50
(*) Bảo Việt vừa kinh doanh nhân thọ lẫn phi nhân thọ
Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính
Căn cứ hình thức pháp lý theo quy định hiện hành (Luật doanh nghiệp 2005), thị trường hiện nay có 22 công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên, 6 công ty TNHH 2 thành viên và 22 công ty cổ phần. Nhưng nếu theo quy định cũ trước đây (Luật kinh doanh bảo hiểm 2000) thị trường có 2 doanh nghiệp nhà nước, 22 công ty cổ phần và 26 công ty có vốn nước ngoài (công ty liên doanh/ công ty 100% vốn nước ngoài).

Như vậy, trong giai đoạn này, không chỉ số lượng doanh nghiệp bảo hiểm tăng trưởng mà chính sách tự do hóa trong lĩnh vực bảo hiểm thương mại đã được thực thi một cách mạnh mẽ, thể hiện qua:
(1) Các tổng công ty bảo hiểm lớn nhà nước vốn trước đây nắm phần lớn thị trường đã được cổ phần hóa (Bảo Việt, Bảo Minh, PVI,..);
(2) Sự xuất hiện ngày càng nhiều thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia kinh doanh bảo hiểm (Vass, AAA, Bảo Tín,…);
(2) Sự xâm nhập ngày càng nhiều của các nhà bảo hiểm nước ngoài, trong đó có nhiều nhà bảo hiểm, môi giới bảo hiểm hàng đầu thế giới (AIG, ACE, Marsh, Aon,..) vào thị trường Việt Nam không chỉ bằng cách thiết lập công ty 100% vốn hoặc liên doanh mà còn với tư cách cổ đông chiến lược ở các công ty cổ phần bảo hiểm lớn (AXA trong Bảo Minh, HSBC trong Bảo Việt, …). Quá trình xâm nhập này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới khi kết thúc “thời gian chờ” đối với các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
3. Tăng trưởng doanh thu với tốc độ cao
Doanh thu thị trường bảo hiểm tăng trưởng đều đặn, với tốc độ cao trong suốt mười năm qua. Nếu năm 1999, doanh thu toàn thị trường chỉ ở mức 2.291 tỷ đồng thì năm 2009 đã tăng gấp 14 lần đạt mức 32.018 tỷ đồng. Điều khác biệt của thị trường Việt Nam so với thị trường bảo hiểm thế giới là vẫn tăng trưởng, thậm chí, vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao ngay cả trong thời kỳ kinh tế khủng hoảng (2008: 15,4%, 2009: 14,1%). Đóng góp vào kết quả tích cực này, trước tiên phải kể đến là sự tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm (tăng hơn 12 lần), tiếp đến là sự tăng trưởng của doanh thu từ hoạt động đầu tư tài chính.

Bảng 2– Số lượng và hình thức pháp lý doanh nghiệp bảo hiểm, môi giới bảo hiểm

Lĩnh vực
DNNN
Cổ phần
VNN (**)
Tổng

2000
2009
2000
2009
2000
2009
2000
2009

Phi nhân thọ
3
2
3
14
5
12
11
28

Nhân thọ
1*
0

1
4
10
5*
11

Tái bảo hiểm
1


1


1
1

Môi giới


1
6
1
4
2
10

Tổng
4
2
4
22
10
26
18
50
(*) Bảo Việt vừa kinh doanh nhân thọ lẫn phi nhân thọ
(**) Bao gồm: công ty liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài (hình thức pháp lý theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm năm 2000)
Nguồn: Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tài chính

Tăng trưởng cao và đều đặn, quy mô thị trường vì vậy ngày càng mở rộng. Bảo hiểm thương mại chiếm giữ vị trí ngày càng quan trọng hơn, đóng góp ngày càng lớn hơn vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc dân. Kết thúc một thập niên, tỷ trọng của doanh thu thị trường bảo hiểm trong GDP là 1,95% (so với năm 1999: 0,57%). Phí bảo hiểm bình quân đầu người tăng từ 27.000 đồng/người lên 295.000 đồng/người.

Bảng 3 - Tỷ trọng trong GDP và phí bảo hiểm bình quân đầu người
Chỉ tiêu
1999
2002
2006
2007
2008
2009
Đóng góp vào GDP (%)
0,57
1,46
1,74
2,12
1,90
1,95
Trong đó:






+ Phi nhân thọ
0,40
0,49
0,61
0,72
0,74
0,83
+ Nhân thọ
0,12
0,81
0,81
0,82
0,70
0,72
+ Hoạt động đầu tư
0,05
0,16
0,33
0,58
0,46
0,40
Phí bảo hiểm bình quân đầu người (nghìn đồng)
27
88
177
207
247
295
Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính
4. Cơ cấu doanh thu thay đổi theo hướng đồng đều hơn
Mười năm qua chính là giai đoạn hình thành và phát triển của thị trường bảo hiểm nhân thọ. Năm 1998, lần đầu tiên và duy nhất Bảo Việt triển khai ra thị trường sản phẩm bảo hiểm nhân thọ (đồng thời vừa kinh doanh phi nhân thọ). Tiếp theo đó là sự xuất hiện của các nhà bảo hiểm nhân thọ nước ngoài: Chinfon – Manulife, Prudential (1999), Baominh – CMG (2000), AIA (2001),… Đến nay, thị trường có 11 công ty nhân thọ, trong đó có 9 công ty 100% vốn nước ngoài góp phần trong con số 13.661 tỷ đồng doanh thu phí vào năm 2009, tăng gấp 28 lần năm 1999. Tỷ trọng phí bảo hiểm nhân thọ trong doanh thu toàn thị trường thay đổi đáng kể: 21,2% năm 1999 tăng lên 37% vào năm 2009.
Tương tự, doanh thu đầu tư cũng tăng mạnh đạt 6.506 tỷ đồng năm 2009 chiếm tỷ lệ 20,3% (năm 1999 chưa đến 10%). Trong khi đó, doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ chiếm tỷ trọng chỉ còn 42,7% năm 2009 so với đầu thập niên là hơn 70%. Điều này cho thấy cơ cấu doanh thu toàn thị trường thay đổi theo hướng đầy đủ lĩnh vực và đồng đều hơn.
Bảng 4 – Doanh thu thị trường bảo hiểm (Tỷ VNĐ)
Chỉ tiêu
1999
2002
2006
2007
2008
2009
6/2010
- Doanh thu phí
2.091
6.992
14.898
17.650
21.256
25.510
14.521
+ Phi nhân thọ
1.606
2.624
6.403
8.213
10.948
13.661
8.241
+ Nhân thọ
485
4.368
8.495
9.437
10.307
11.849
6.280
- Doanh thu đầu tư
200
833
3.478
6.623
6.799
6.506
n/a
Doanh thu toàn thị trường
2.291
7.825
18.376
24.273
28.055
32.018

Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính

5. Năng lực thị trường bảo hiểm ngày càng tăng, góp phần vào ổn định kinh tế - xã hội
Cùng với sự tăng trưởng về doanh thu phí bảo hiểm, phát triển hoạt động kinh doanh đa dạng, các doanh nghiệp trích lập dự phòng nghiệp vụ đầy đủ, tương ứng với phần trách nhiệm bảo hiểm giữ lại, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm. Tổng dự phòng nghiệp vụ toàn thị trường bảo hiểm năm 2009 đạt 49.181 tỷ đồng tăng rất nhiều lần so với năm 1999 (2.107 tỷ đồng).
Bên cạnh đó, vốn của các doanh nghiệp tăng 2 lần đáp ứng quy định của chính phủ về vốn pháp định, trong đó, đáng kể là nguồn FDI vào lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, cũng như tích lũy từ kết quả kinh doanh, thặng dư vốn từ kết quả cổ phần hóa, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam tăng nhanh trong 10 năm qua góp phần củng cố năng lực tài chính của toàn thị trường.
Bảng 5 – Tổng tài sản, dự phòng nghiệp vụ ngành bảo hiểm, bồi thường – trả tiền bảo hiểm (Tỷ VNĐ)
Các chỉ tiêu chủ yếu
1999
2002
2006
2007
2008
2009
Tổng tài sản (tỷ đồng)
3.692
12.503
39.698
57.543
71.831
82.802
Tổng dự phòng nghiệp vụ (tỷ đồng)
2.107
8.685
27.707
35.685
41.214
49.181
- Dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp PNT


3.778
4.461
5.503
7.097
- Dự phòng nghiệp vụ của doanh nghiệp NT


23.929
31.224
36.711
42.084
Bồi thường và trả tiền bảo hiểm
789
1.400
5.690
6.627
9.533
9.721
Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính
Với mức bồi thường và trả tiền bảo hiểm toàn thị trường năm 2009 là 9.721 tỷ đồng, ngành bảo hiểm thương mại phát huy vai trò tích cực của một công cụ an toàn và dự phòng tài chính cho các tổ chức và cá nhân dân cư trong xã hội.
6. Nâng cao vai trò trung gian tài chính, đầu tư trở lại nền kinh tế
Các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạo lập nguồn vốn lớn và dài hạn cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2009, tổng số tiền các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư trở lại nền kinh tế là 10.214 tỷ đồng, nâng tổng số tiền đầu tư của toàn ngành bảo hiểm đến cuối năm 2009 lên 66.905 tỷ đồng (tăng gấp 25 lần so với 1999). Công tác đầu tư vốn của các doanh nghiệp ngày càng được cải thiện và đi vào chiều sâu nhằm đảm bảo lựa chọn được các dự án đầu tư thích hợp, an toàn cho nguồn vốn và mang lại hiệu quả kinh tế cao (góp vốn liên doanh, tham gia thành lập công ty cổ phần, cho vay, tham gia các dự án đầu tư, mua trái phiếu Chính phủ, mua cổ phiếu, gửi tiết kiệm ngân hàng...).  Các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung đầu tư vào các lĩnh vực: mua trái phiếu chính phủ chiếm 37,37%, gửi tiền tại các tổ chức tín dụng chiếm 32,97%, mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp không có bảo lãnh chiếm 6,02% (số liệu năm 1999). Thông qua việc đa dạng hoá hoạt động đầu tư, các doanh nghiệp bảo hiểm đã thu được nhiều kết quả quan trọng từ đầu tư tài chính, giúp hình thành phần lớn lợi nhuận của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ.
Bảng 6 – Đầu tư trở lại nền kinh tế của các doanh nghiệp bảo hiểm (Tỷ VNĐ)

1999
2002
2006
2007
2008
2009
Đầu tư trở lại nền kinh tế
2.664
9.955
30.661
46.549
56.435
66.905
Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính
7. Phát triển thị trường lao động ngành, tạo nhiều công ăn việc làm
Tổng số lao động ngành bảo hiểm năm 2009 là 182.319 người, trong đó, 90% là đại lý và khoảng 10% là nhân viên của các công ty bảo hiểm. Trong 10 năm qua, ngành bảo hiểm liên tục đứng trong top các ngành hấp dẫn lao động không chỉ do tăng trưởng nhu cầu cao mà còn do có mức thu nhập cao và môi trường làm việc tốt, ổn định.
Bảng 7 – Số lao động trên toàn ngành bảo hiểm  (nhân viên và đại lý)
Chỉ tiêu
1999
2002
2006
2007
2008
2009
Số lao động ngành bảo hiểm
30.000
76.600
118.200
131.910
135.256
182.319
Nguồn: Cục Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính
Tổng đại lý bảo hiểm năm 2009 đạt 164.636 đại lý, tăng 33% so với năm 2008, gấp 6 lần so với năm 1999. Trong đó, đại đa số là đại lý bảo hiểm nhân thọ - 127.030 người, đại lý bảo hiểm phi nhân thọ là 37.561 người. Con số trên phản ánh số đại lý làm việc trong năm nhưng nếu tính trong 10 năm 1999-2009 thì phải có đến hàng triệu lượt người tham gia hoạt động đại lý bảo hiểm trên thị trường.
KẾT LUẬN
Thông qua việc tổng hợp, xử lý số liệu của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong mười năm qua (1999 – 2009), chúng ta có thể đưa ra những nhận định chung về thành tựu trong giai đoạn vừa qua như sau:
-    Một là, thị trường đạt mức tăng trưởng cao và duy trì xu hướng tăng trưởng trong suốt 10 năm. Quy mô thị trường vì vậy ngày càng lớn (doanh số, số lượng doanh nghiệp);
-    Hai là, kết cấu thị trường đã thay đổi tích cực: đầy đủ các lĩnh vực hoạt động vốn có của nó, đồng đều hơn và theo hướng tự do hóa, thu hút được sự đầu tư to lớn của mọi thành phần kinh tế trong nước và vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Nhờ vậy, năng lực tài chính của thị trường ngày càng nâng cao đáp ứng nhu cầu dự phòng tài chính, đảm bảo rủi ro cho toàn bộ nền kinh tế xã hội với vai trò là “lá chắn kinh tế”. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, ngành bảo hiểm thương mại còn tạo ra nhiều việc làm ổn định, có thu nhập cao cho người lao động trong xã hội;
-    Ba là, trong giai đoạn này, vai trò trung gian tài chính của ngành bảo hiểm đã được khẳng định trên thực tế. Các doanh nghiệp bảo hiểm đã thực sự trở thành nhà đầu tư lớn khi nắm giữ một kênh huy động vốn hiệu quả và ổn định cho nền kinh tế;
-    Bốn là, môi trường pháp lý chuyên ngành được xây dựng vả hoàn thiện tạo hành lang cho sự tăng trưởng mạnh trong giai đoạn này và làm nền tảng bước đầu cho sự phát triển lâu dài của thị trường trong tương lai.


TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Tài chính, Thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2009, NXB Tài chính, 2010;
2. Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Bản tin Thị trường bảo hiểm (nhiều số), 2000-2010;
3. Nguyễn Tiến Hùng, Nguyên lý và thực hành bảo hiểm, NXB Tài chính, 2007;
4. Nguyễn Tiến Hùng, Nguyên lý và thực hành bảo hiểm, UEF (lưu hành nội bộ), 2010